Quân đội Ấn Độ đã nói về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh trên hai mặt trận với các nước láng giềng Pakistan và Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua để các nhà chính trị trong nước tập trung thúc đẩy chi tiêu quốc phòng. Hiện giờ, nguy cơ này có khả năng thành hiện thực với các cuộc xung đột bùng phát ở cả hai khu vực biên giới.
Thủ tướng Ấn Độ Modi (đeo kính đen) trong chuyến thăm Ladakh ngày 3/7. Ảnh: Reuters.
Nguy cơ chiến tranh trên hai mặt trận
Cuộc đàm phán hồi đầu tuần giữa các chỉ huy quân đội hàng đầu của Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực Ladakh đã kết thúc mà không đạt được bước đột phá lớn nào. Đây là lần thứ 2 nỗ lực này diễn ra nhằm hạ nhiệt tình hình căng thẳng sau cuộc đụng độ giữa các binh sỹ Trung Quốc và Ấn Độ hôm 15/6 vừa qua, khiến 20 binh sỹ Ấn Độ và nhiều binh sỹ Trung Quốc thiệt mạng.
Cũng trong khoảng thời gian này, một cuộc đấu súng đã nổ ra tại khu vực biên giới giữa Ấn Độ với Pakistan. Ấn Độ đã thu giữ nhiều vũ khí và thiết bị nổ, tiêu diệt 2 đối tượng mà New Dehli coi là “nghi phạm khủng bố” sau một cuộc đấu súng kéo dài 15 tiếng đồng hồ tại khu vực cách Kashmir 660km về phía Nam.
Ấn Độ đã trải qua 4 cuộc chiến tranh với Trung Quốc và Pakistan kể từ khi giành được độc lập từ Anh vào năm 1947, nhưng New Dehli chưa từng rơi vào tình huống phải bảo vệ cả 2 biên giới cùng một lúc. Giới chức Ấn Độ ngày càng lo ngại về việc Trung Quốc và Pakisstan có thể bắt tay nhau để chống lại New Dehli vào thời điểm chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đang phải gồng mình đối phó dịch bệnh Covid-19 khi số ca mắc liên tiếp gia tăng.
Ông Ian Hall, giáo sư nghiên cứu quan hệ quốc tế tại trường Đại học Griffith ở Queensland, Australia, đồng thời là tác giả của bài phân tích: “Modi và sự Tái cấu trúc chính sách đối ngoại của Ấn Độ” đánh giá: “New Dehli đang chịu sức ép vô cùng lớn, từ dịch Covid-19, Ranh giới kiểm soát ở Kashmir và từ Trung Quốc. Quan hệ giữa New Dehli với Islamabad và Bắc Kinh đã tồi tệ hơn trong một vài năm qua, kết quả là cả hai quốc gia đã quyết định đẩy căng thẳng leo thang trong thời điểm chính phủ của Thủ tướng Modi đang bị căng thẳng và rối bời”.
Một quan chức an ninh cấp cao của Ấn Độ cho biết, quân đội nước này rất hùng mạnh và họ cũng luôn dự tính trong đầu nhưng tình huống bất ngờ. Bất chấp các kế hoạch đặt ra, việc phải phân bổ nguồn lực cùng một lúc cho cả 2 mặt trận sẽ khiến các lực lượng vũ trang bị phân tán sức mạnh. Chỉ huy quân đội của Ấn Độ đã cảnh báo và kêu gọi chính phủ, trong đó có cả các quan chức ngoại giao, phòng tránh kịch bản xấu nhất này.
Tướng Manoj Mukund Naravane, Tham mưu trưởng lục quân Ấn Độ hồi tháng 5/2020 cho biết, Trung Quốc và Pakistan có thể liên thủ chống lại Ấn Độ và điều đó sẽ dẫn đến 1 cuộc chiến tranh trên 2 mặt trận. Nhưng ông nhấn mạnh: “Một quốc gia không tham chiến bằng lực lượng vũ trang đơn độc, mà còn có sự tham gia của nhiều cột trụ khác như các cơ quan ngoại giao hay các cơ quan khác của chính phủ, để đảm bảo rằng chúng ta không bị dồn vào chân tường, trong tình huống mà chúng ta sẽ phải dùng toàn bộ sức mạnh để đối phó với hai kẻ thù cùng một lúc”.
Quân đội Trung Quốc và Ấn Độ vẫn duy trì thế đối đầu dọc theo đường biên giới tranh chấp - đường Kiểm soát thực tế (LAC) chưa được phân định rõ ràng và gây nhiều tranh cãi, từng chứng kiến gia tăng căng thẳng hồi đầu tháng 5. Cả hai bên đã triển khai hàng nghìn binh sỹ, pháo cối và xe tăng tại nhiều địa điểm dọc theo LAC.
Một số đơn vị quân đội thường thực hiện hoạt động chống khủng bố dọc theo biên giới Pakistan trong những tháng mùa hè giờ đã được điều chuyển tới biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
“Quân đội Ấn Độ là một lực lượng được tổ chức, trang bị, huấn luyện bài bản và chuyên nghiệp, có kinh nghiệm và động lực để thực hiện bất cứ nhiệm vụ nào mà họ được yêu cầu, cả ở trong nước lẫn nước ngoài”, người phát ngôn quân đội Ấn Độ, Đại tá Ấn Độ Aman Anand nhấn mạnh.
Quân đội Ấn Độ hôm 1/7 cho biết, nước này đã lên kế hoạch xúc tiến các cuộc đàm phán ngoại giao và quân sự để “đảm bảo hòa bình và ổn định” sau khi các cuộc đàm phán ở cấp độ quân sự không mang lại kết quả rõ ràng. Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nêu rõ, Trung Quốc hy vọng hai bên sẽ tiếp xúc chặt chẽ thông qua các kênh ngoại giao và quân sự, giảm nhiệt căng thẳng tại khu vực biên giới”.
Trong lúc “mặt trận” phía bắc chưa yên, thì “mặt trận” phía tây lại nổi lên “cơn giông bão”. Ranh giới kiểm soát (LoC) dài 742km giữa Ấn Độ và Pakistan tiếp tục vang lên tiếng súng. Bộ Ngoại giao Pakistan hôm 1/7 cáo buộc Ấn Độ vi phạm lệnh ngừng bắn hơn 1.500 lần, gây nhiều thương vong cho người dân Pakistan sống ở phía bên kia biên giới Kashmir trong năm nay. Còn Ấn Độ cáo buộc phía Pakistan sử dụng súng cối hạng nặng và các vũ khí khác tấn công vào vị trí của binh sỹ nước này.
Khả năng Trung Quốc và Pakistan "liên thủ"
Quân đội Ấn Độ thường xuyên phải đối mặt với các vụ bắn phá xuyên biên giới và thực hiện nhiều chiến dịch chống khủng bố. Quân đội đã tiêu diệt 127 “tên khủng bố” trong 6 tháng đầu năm nay, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019, một quan chức an ninh cấp cao của Ấn Độ cho biết. Cũng theo nguồn tin này, các vụ bắn phá xuyên biên giới mà quân đội Ấn Độ ghi nhận được trong năm 2020 cao gấp đôi năm 2019.
Truyền thông Ấn Độ trước đó đưa tin, Pakistan đã bắt đầu di chuyển binh lính dọc khu vực Gilgit-Baltistan thuộc phần lãnh thổ Kashmir do Pakistan kiểm soát để mở một mặt trận tiềm năng chống lại Ấn Độ. Tờ IndiaToday trích dẫn một số nguồn tin cho biết, Pakistan đã di chuyển gần 20.000 binh sỹ ở khu vực phía bắc Ladakh để phù hợp với việc triển khai quân của Trung Quốc.
Tuy nhiên, quân đội Pakistan bác bỏ cáo buộc của truyền thông Ấn Độ cho rằng nước này đã triển khai lực lượng bổ sung đến Kashmir trong bối cảnh Ấn Độ leo thang căng thẳng với Trung Quốc, đồng thời không công nhận việc cho phép Bắc Kinh sử dụng một căn cứ không quân quan trọng của Pakistan trong khu vực này.
Ông Vipin Narang, phó giáo sư khoa học chính trị tại MIT, tác giả của “Chiến lược hạt nhân trong kỷ nguyên hiện đại: Các cường quốc khu vực và xung đột quốc tế” nhận định, khả năng Trung Quốc và Pakistan “liên thủ” để khiến khu vực biên giới ở phía bắc và phía tây Ấn Độ sôi sục trong cùng 1 thời điểm rất khó xảy ra, nhưng không thể loại trừ.
“Tôi cho rằng Pakistan có thể cảm thấy cần phải thể hiện lập trường cứng rắn đối với khu vực Jammu & Kashmir sau khi Ấn Độ tước quyền tự trị của khu vực này hồi tháng 8/2019. Islamabad cũng có thể lợi dụng sự xao nhãng và mất tập trung của Ấn Độ đối với LoC”, ông Vipin Narang nhận xét.
"Cuộc đụng độ với Trung Quốc khiến Ấn Độ mất 20 binh sỹ. Vậy New Dehli có những lựa chọn nào? Họ không thể tấn công Trung Quốc và đẩy lui Trung Quốc ra khỏi khu vực biên giới. Họ biết rõ điều đó. Do vậy để chứng minh sức mạnh và sự cứng rắn, họ sẽ phải quay sang phía Pakistan – đối tác nhỏ hơn của Trung Quốc. Họ sẽ phải làm điều gì đó để chứng minh “chúng tôi vẫn mạnh mẽ”, Mahmud Durrani – một tướng quân đội đã nghỉ hưu và là cố vấn an ninh quốc gia của Pakistan cho biết.
Theo ông Durrani, kịch bản Trung Quốc và Pakistan “liên kết về mặt chiến lược” để đối phó với Ấn Độ có thể xảy ra. Trong khi đó, chuyên gia Narang cảnh báo, dù tình hình diễn biến thế nào đi chăng nữa thì Ấn Độ “vẫn có khả năng trải qua một mùa hè “căng thẳng và đẫm máu” ở cả hai vùng biên giới”./.
Theo VOV.VN