Một con đường tại phường 4, TP.Tân An được đặt theo tên Nguyễn Cửu Vân
Nguyễn Cửu Vân là cháu nội Nghĩa quận công Nguyễn Cửu Kiều và là con trai độc nhất của Dực Đức hầu Nguyễn Cửu Kế. Ông được chính sử triều Nguyễn đánh giá là danh tướng lừng lẫy với công lao to lớn trong việc khẩn hoang lập ấp, xây dựng và bảo vệ vùng đất biên ải ở phương Nam vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII. Ông cũng là 1 trong 5 Thượng đẳng thần (gồm: Lương Văn Chánh, Bùi Tá Hán, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Cửu Vân và Trần Thượng Xuyên) được Văn Thánh miếu tỉnh Vĩnh Long đưa vào thờ.
Theo sách Đại Nam liệt truyện tiền biên quyển 4 của Quốc Sử quán triều Nguyễn lược khảo, Nguyễn Cửu Vân làm đến chức Chánh thống Cai cơ. Đời Hiển tông hoàng đế năm thứ 14, Ất Dậu (1705), nước Chân Lạp có nội biến, anh em Nặc Yêm, Nặc Thâm dấy quân đánh nhau. Nặc Thâm cầu viện quân Xiêm đánh Nặc Yêm. Nặc Yêm chạy sang Gia Định xin chúa Nguyễn giúp. Chúa sai Nguyễn Cửu Vân làm Chánh thống binh, thống lĩnh binh tướng thủy - bộ đi đánh quân Xiêm. Đến Sầm Giang gặp quân Xiêm, Vân chặn đánh, quân Xiêm thua chạy, Nặc Thâm chạy theo quân Xiêm. Vân thu được nhiều chiến lợi phẩm dâng nộp rồi giúp vua Chiêu Thủy Yên yên định tình hình, được vua Chiêu Thủy Yên cắt đất xứ Vũng Gù của Chân Lạp dâng cho. Sau khi tiếp nhận Vũng Gù, Nguyễn Cửu Vân liền tổ chức cuộc khai mở quân dinh, thiết lập đồn điền và lập dây ruộng đầu tiên ở Cầu Úc. Xứ Vũng Gù - nay là TP.Tân An - chính thức vào bản đồ nước ta từ đó.
Theo sách Gia Định thành thông chí, đến đầu thế kỷ XVIII, Vũng Gù còn là đất hoang vu, cỏ cây rậm rạp, dân cư thưa thớt gồm các tộc người Khmer, Việt, Hoa sống lẫn lộn,... Để đẩy mạnh công cuộc khẩn hoang, các chúa Nguyễn sử dụng nhiều biện pháp, chú trọng hình thức đồn điền, binh lính làm chủ lực kết hợp với dân nghèo để cùng khai khẩn. Nguyễn Cửu Vân là người tiên phong sử dụng quân đội để khai hoang vùng đất Vũng Gù khi ấy còn là vùng biên thùy rất hay bị giặc giã quấy rối. Với tầm nhìn xa, Nguyễn Cửu Vân đã cho đắp lũy phòng vệ từ Quán (Thị) Gai đến chợ Lương Phú, đào thông đầu nguồn hai sông Cầu Úc và Mỹ Tho dẫn nước về làm hào ngoài lũy để việc phòng thủ được nghiêm mật (theo Đại Nam liệt truyện).
Rạch Thủ Tửu là 1/19 con rạch thông lưu với kinh Bảo Định trên TP.Tân An. Ảnh: QH.
Rạch Vũng Gù có giá trị đem lại nhiều mối lợi cho kinh tế lẫn quốc phòng khi ấy còn là vùng biên viễn của nước ta. Đến năm 1819, vua Gia Long cho Trấn thủ Định Tường là Nguyễn Văn Phong đem gần 10.000 dân phu khơi thông, đào sâu, rộng thêm rạch Vũng Gù và đặt tên là sông Bảo Định (Bảo Định giang); sau này gọi kinh Bảo Định.
Ngoài việc nối với sông Vàm Cỏ Tây ở phía Bắc và sông Mỹ Tho ở phía Nam, kinh Bảo Định còn thông lưu với 19 con rạch tự nhiên ở phía Tây và phía Đông, tạo nên một hệ thống kênh, rạch như ngày nay. Từ đó, ngoài tác dụng về an ninh - quốc phòng, kinh Bảo Định còn phục vụ cho việc khai hoang, làm thủy lợi và giao thông thủy đối với vùng đất phương Nam nước ta. Trong quá trình “mở đất lập làng” có lúc Nguyễn Cửu Vân áp dụng chính sách quá “cứng”, khiến chúa Nguyễn phải gọi về quở trách rằng: “Ngươi là con nhà tướng, chống giữ một phương, thế mà không nghĩ trước phải nuôi dân. Những dân xiêu mới quay về kia, nếu lại bắt chúng phải làm việc (nặng nhọc) thì chúng chịu sao được?”.
Từ đó, Nguyễn Cửu Vân đã tập hợp dân lưu tán, đem ân uy của mình ra phủ dụ dân tình, chia cấp ruộng đất, lập ra các đơn vị hành chánh cơ sở khiến dân dù ở xa chính quyền Trung ương vẫn an tâm sinh cơ lập nghiệp trên mảnh đất do mình làm chủ. Nguyễn Cửu Vân còn cùng với tướng Trần Thượng Xuyên vỗ yên bờ cõi, thu phục nhân tâm các tộc người để họ sống chan hòa với nhau, khiến người Chân Lạp rất mến phục ông.
Khi xảy đến việc Nặc Thâm từ Xiêm quay trở về mưu hại Nặc Yêm. Nặc Yêm liền sai người sang Trấn Biên phi báo, xin Phó tướng Trấn Biên khi ấy là Nguyễn Cửu Vân cứu viện. Nguyễn Cửu Vân và Trần Thượng Xuyên đem việc tâu lên, chúa Nguyễn Phúc Chu tin cậy hai hiền thần, giao cho quyền tự quyết. Hai tướng Vân và Xuyên đã giải quyết vụ việc một cách êm đẹp, đem lại sự yên định cho vương quốc Chân Lạp.
Nguyễn Cửu Vân còn tạo nhiều cơ sở tín ngưỡng tâm linh trên vùng đất mới khai phá. Ông cho lập các đền thờ, chùa chiền và được chúa Nguyễn ban sắc tứ, như chùa “Sắc tứ Hộ Quốc tự” trên đất Trấn Biên chẳng hạn. (Các đền, chùa ấy nay thuộc di tích cổ được Nhà nước cấp bằng công nhận). Ghi nhận các công việc Nguyễn Cửu Vân đã làm ở đất phương Nam, các sử thần triều Nguyễn khẳng định trong Đại Nam liệt truyện rằng: “Về việc mở mang cõi Nam, công Vân rất nhiều”.
Với công trạng ấy, từ năm Ất Mùi (1715) - niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11 (Nguyễn Phúc Chu), tức năm thứ 24 triều Hiển Tông hoàng đế, ông được phụng mệnh châu phê khoảng ruộng do ông khai khẩn làm quan điền biệt thực (ruộng quan ban làm lộc riêng”; “châu phê điền” (ruộng châu phê), “Nguyễn công tự điền” (ruộng thờ ông họ Nguyễn).
Vân Tường hầu Nguyễn Cửu Hành/Nguyễn Cửu Vân sinh và mất vào ngày tháng năm nào, chưa rõ. Ông có 6 người con trai và 4 người con gái. Con trai đầu là Triêm Ân hầu Nguyễn Cửu Búa (sử gọi Cửu Triêm) và con trai thứ 5 là Đàm Ân hầu (sử gọi Cửu Đàm) đều xuất sắc trong việc kế nghiệp ông, đã tạo được nhiều dấu ấn lịch sử ở đất phương Nam. Triêm Ân hầu Nguyễn Cửu Búa là Phó tướng Trấn thủ dinh Trấn Biên. Đàm Ân hầu Nguyễn Cửu Đàm là người phụ trách việc quốc phòng, đã xây lũy Bán Bích (1772) để bảo vệ vùng đất Sài Gòn-Gia Định, hiện là một trong số di tích lịch sử quan trọng của TP.HCM.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học lịch sử tỉnh Long An - Đỗ Thanh Bình cho biết, tỉnh Long An đang chuẩn bị mở Hội thảo khoa học về Nguyễn Cửu Vân. Việc chọn một công viên ở trung tâm TP.Tân An để dựng tượng và đặt tên công viên Nguyễn Cửu Vân cũng đang được tính đến, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Hy vọng qua Hội thảo khoa học trên sẽ cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin mới về nhân vật lịch sử Nguyễn Cửu Vân./.
Quang Hảo
(Bài viết này có dựa theo tư liệu “Văn thần, Võ tướng người Thuận hóa trong công cuộc mở đất đàng trong” của tác giả Võ Vinh Quang đăng trên Xưa&Nay số 552, tháng 6/2023.)