Lần này, lại còn là chuyện “mặt tiền” của công trình, mà cũng không thấy có thông tin gì trước về việc sang sửa cả; nên dân tình càng đoán già đoán non, rồi lên tiếng về việc “màu sơn lạ”, việc có trùng tu thì cũng phải đảm bảo nguyên trạng cho công trình được xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia này.
Màu sơn hiện tại của Nhà hát Lớn.
Chuyện sẽ vẫn tiếp tục là như vậy, những đánh giá, sẻ chia của dư luận trên cộng đồng mạng, cho đến khi báo chí vào cuộc và cho đến khi các cơ quan chức năng cũng lên tiếng. Trả lời báo chí, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội trả lời là không biết gì về việc trùng tu Nhà hát Lớn, dù lẽ ra công trình này là di tích quốc gia, nằm trên địa bàn Thủ đô thì là cơ quan chủ quản tại địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội phải được xin phép. Bản thân một số chuyên gia, trong đó có GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, người từng đứng đầu phụ trách đợt trùng tu trước đây (năm 1996) của Nhà hát Lớn; cũng khẳng định mình không được hỏi ý kiến, đồng thời khẳng định màu sơn như hiện nay là không đúng với màu của Nhà hát Lớn, cũng như không đúng với màu của kiến trúc Pháp. Chuyện vì thế, trở nên “nghiêm trọng”, vì dường như có dấu hiệu của việc “vi phạm” quy định về trùng tu, tôn tạo.
Ngay sau đó, lãnh đạo Nhà hát Lớn cũng đã có trả lời, khẳng định đây không phải là đợt trùng tu, chỉ là đợt tu bổ thường xuyên hằng năm, cho nên không cần thông báo với địa phương; đồng thời khẳng định: Do Nhà hát Lớn trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nên tất cả các thủ tục, hồ sơ để làm được đều phải báo cáo Cục Di sản và Bộ.
Vậy là “trái bóng” đã được đá lên trên. Không thể tiếp tục im lặng, ngày 24/7, PGS. TSKH Phan Đình Tân, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chính thức lên tiếng về công trình cải tạo sơn tường và một số hạng mục bên trong Nhà hát Lớn Hà Nội.
Người phát ngôn của Bộ khẳng định: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng cảm ơn những đóng góp ý kiến quý báu của các chuyên gia, dư luận thời gian vừa qua đối với công trình cải tạo sơn tường và một số hạng mục bên trong Nhà hát Lớn Hà Nội. Nhằm hướng tới các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2015) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2015), Ban quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội đã có báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép sơn bảo trì Nhà hát Lớn theo kế hoạch định kỳ trước sự xuống cấp của một số hạng mục.
Cũng theo ông Tân, Nhà hát Lớn Hà Nội là công trình quốc gia trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (không phải công trình trực thuộc Hà Nội), nên việc triển khai cải tạo sơn tường hay cải tạo bên trong nhà hát, Ban quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội như vậy đã thực hiện đúng quy trình, đã tiến hành xin ý kiến các cấp có thẩm quyền và được sự chấp thuận của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước khi thực hiện.
Về màu sơn, vấn đề quan tâm nhất của dư luận, ông Phan Đình Tân khẳng định: Khi tiến hành chọn màu sơn, Bộ cũng đã lưu ý Ban quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội phải lựa chọn màu sơn giống với màu sơn được sử dụng trong đợt trung tu năm 1997 - màu sơn này đã được các nhà nghiên cứu, nhà kiến trúc và nhà văn hóa chấp thuận. Theo báo cáo của Ban quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội, đến thời điểm hiện tại, việc sơn lại Nhà hát Lớn Hà Nội mới chỉ vừa bắt đầu và ít nhất phải một tháng nữa mới hoàn thành. Ngoài lớp sơn đầu tiên đang được phủ lên Nhà hát Lớn, phía thi công sẽ phải sơn tiếp, vì vậy màu sơn một số cơ quan báo chí phản ánh vừa qua không phải là màu sơn cuối cùng, chắc chắn khi hoàn thành đợt trùng tu này, nước sơn chính thức sẽ giống với màu sơn được sử dụng trong đợt trung tu năm 1997.
Mọi chuyện giờ đã rõ. Có vi phạm quy định không, màu sơn có sai so với công trình không, đều đã có câu trả lời. Nhưng phải chăng câu trả lời hơi quá chậm, khiến cho việc lẽ ra “bé” lại thành “to”? Mọi chuyện sẽ chẳng cần phải “nóng” tới vậy, chẳng cần phải khiến dư luận “đoán già, đoán non” tới vậy, nếu như ngay từ đầu, khi thực hiện việc bảo trì, lãnh đạo Nhà hát Lớn Hà Nội có một thông báo ngay chính ở cửa Nhà hát, về mục đích của công trình, thời gian triển khai, thậm chí có thể thì một tấm ảnh chụp công trình dự kiến khi hoàn thành. Nếu mọi thông tin được công khai như thế, thì liệu có khiến công chúng thấy tù mù mà phải lên tiếng?
Còn như câu chuyện vừa qua, úp úp, mở mở, thì không thể “đổ tội” cho dư luận nóng vội, càng không thể như một lãnh đạo của Nhà hát Lớn đã phát ngôn là “ngọn nguồn của sự việc gây lùm xùm là từ thông tin của cô hoa hậu Thu Thủy, cô ấy chụp lúc Nhà hát đang dở dang, còn có cả tấm lưới màu xanh sẫm, cô ấy chụp và chế độ iPhone như thế nào mà nó xanh lè và vàng lên như thế. Thực tế cái màu vàng ở đây do chưa làm xong nên hơi vàng so với cái cũ. Bốn năm nay Nhà hát chưa sửa chữa nên màu cũ, bạc phếch, giờ nó vàng lên như thế này thì mọi người nhìn chưa quen mắt”. Nói thế, e chỉ khiến dư luận thêm bức xúc; bởi thông tin không đưa ra, thì bằng cách nào dư luận biết đó chỉ là sơn lần 1, đó chỉ là việc bảo trì hằng năm? Khi giàn giáo thì cứ bắc lên, công nhân cứ sơn và màu sơn cứ lồ lộ ra “khó tả” như vậy./.
Anh Minh/Tin tức