Tiếng Việt | English

19/08/2021 - 15:45

Nhạc cách mạng - Bước ra từ lịch sử

Trong nền âm nhạc Việt Nam có một dòng nhạc phát triển từ những ngày trường kỳ kháng chiến. Với giai điệu hùng hồn, mạnh mẽ, từng lời nhạc như lời hiệu triệu toàn dân cùng chung tay, góp sức vì lợi ích của dân tộc, vì một đất nước phồn vinh. Và trải qua từng ấy thời gian, dòng nhạc đỏ vẫn có sức hút riêng và giữ một vị trí nhất định trong lòng người yêu nhạc.

“Chép sử” bằng âm nhạc

Những ca khúc có âm điệu sôi động, hào hùng, trải dài suốt chiều dài lịch sử đã, đang và sẽ sống trong lòng mỗi người dân Việt. Theo quan điểm của nhạc sĩ Nguyễn Quang Long trong bài viết Cháy mãi ngọn lửa âm nhạc cách mạng (đăng trên Báo Hà Nội Mới), ca khúc Cùng nhau đi hồng binh của nhạc sĩ Đinh Nhu là sáng tác mở đầu cho dòng nhạc cách mạng Việt Nam. Ca khúc ra đời vào khoảng năm 1929 khi nhạc sĩ Đinh Nhu mới mười tám, đôi mươi. 

Các ca khúc cách mạng vẫn có một sức sống mãnh liệt trong đời sống của dân tộc ta. Những giai điệu tự hào luôn vang lên trong nhiều chương trình, hoạt động khác nhau (Ảnh tư liệu)

Tiếp sau đó, các ca khúc cách mạng lần lượt ra đời trong điều kiện nhiều khó khăn, khắc họa cuộc đấu tranh gian khổ của dân tộc ta. Mỗi bài hát như một lời hiệu triệu, động viên, ca ngợi sức mạnh đoàn kết của dân tộc, hướng về niềm tin chiến thắng. Nhiều ca khúc cách mạng mang tính lịch sử khi ra đời vào những giai đoạn quan trọng của cách mạng Việt Nam: Chiến thắng Điện Biên, Cách mạng Tháng Tám,…; có sức sống mãnh liệt trong lòng người Việt: Tiến quân ca, Hò kéo pháo, Anh ba Hưng, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng,... Mỗi ca khúc đều gắn liền với giai đoạn lịch sử nhất định và được quân, dân ta đón nhận nồng nhiệt nhờ vào khả năng “ghi chép lịch sử” tuyệt vời của các nhạc sĩ lúc bấy giờ.

Văn Cao từng ghi chép trong hồi ký của mình rằng ông chưa từng biết đến chiến khu, người chiến sĩ cách mạng, nhưng Tiến quân ca do ông sáng tác lại mang âm hưởng hào hùng của đoàn quân đi cứu nước. Vị trí của Tiến quân ca trong lòng mỗi chúng ta không gì thay thế được. Có thể nói, ca khúc cách mạng là “Cuốn sách lịch sử bằng âm thanh, những thước phim tài liệu về tinh thần bất khuất” (theo nhận định của tác giả Thanh Thúy trong bài viết Ca khúc Cách mạng, sự lan tỏa của tinh thần dân tộc đăng trên trang web Trung tâm Văn hóa Điện ảnh Thừa Thiên - Huế). 

Không chỉ vậy, các nhạc sĩ thời đó đã khéo léo kết hợp sự hào hùng, bi tráng cùng chất trữ tình, mang âm hưởng dân gian tạo nên một dòng nhạc vừa thôi thúc, vừa tình cảm. Ngoài những bài hát động viên tinh thần, hướng về tiền tuyến, nhạc cách mạng Việt Nam còn có cả những bài hát thiếu nhi: Ai yêu Bác Hồ Chí Minh như thiếu niên nhi đồng, Nhớ ơn Bác,…

Làm mới dòng nhạc đỏ

Chiến tranh khép lại, âm nhạc cách mạng vẫn tiếp tục phát triển. Các ca khúc cách mạng vẫn tìm được sức sống mới qua những giọng ca trẻ và cách hòa âm phối khí mới mẻ. Trong chương trình Giai điệu tự hào, một chương trình tôn vinh dòng âm nhạc cách mạng, nhạc sĩ Thanh Phương đã đưa rock heavy metal vào Hò kéo pháo. Giọng hát của Hoàng Hiệp Ngũ Cung, Nông Tiến Bắc, Minh Trí cùng phần solo guitar điện của Trần Thắng mang đến một sức sống mới cho ca khúc. Có nhiều ý kiến khen, chê khác nhau, nhưng sự mới mẻ ấy mang đến sức hút mạnh mẽ cho dòng nhạc cách mạng.

Ngoài những bài hát động viên tinh thần, hướng về tiền tuyến, nhạc cách mạng Việt Nam còn có những bài hát thiếu nhi: Ai yêu Bác Hồ Chí Minh như thiếu niên nhi đồng, Nhớ ơn Bác,… (Ảnh tư liệu)

Không dừng lại ở việc làm mới các ca khúc, những ca khúc ca ngợi quê hương, đất nước vẫn tiếp tục được các nhạc sĩ trẻ sáng tác đều đặn. Vẫn đầy ắp sự tự cường, niềm tin vào sức mạnh của dân tộc, các nhạc sĩ trẻ tiếp tục “ghi chép lịch sử dân tộc” bằng những giai điệu đầy tự hào. Khi câu chuyện về biển Đông ngày càng “nóng” trên các nghị trường, "đường lưỡi bò" và giàn khoan bất hợp pháp của Trung Quốc đang lăm le vùng biển nước ta, thì ca khúc Tổ quốc nhìn từ biển của Quỳnh Hợp phổ thơ Nguyễn Việt Chiến được chia sẻ một cách rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội.

Ca khúc dấy lên tình yêu dành cho Tổ quốc, nhắc nhở mỗi người Việt Nam rằng đất liền và biển cả của ta là một dải không thể nào chia cắt. Những bài ca ca ngợi Tổ quốc Việt Nam hôm nay tiếp tục vang lên một cách tự hào. Khi thể thao Việt Nam tiến xa hơn trên đấu trường quốc tế là lúc ca khúc Việt Nam ơi! của Minh Bêta được hát vang trên khán đài, trong các chương trình thể thao và những buổi ăn mừng đầy hân hoan.

Dịch Covid-19 đặt nước ta vào hoàn cảnh khó khăn. Những ca khúc cổ động, động viên tinh thần lại được hát vang bởi các ca sĩ, nhạc sĩ trẻ. Việt Nam chiến thắng, Việt Nam ơi! Đánh bay Covid, Cảm ơn,... là những sáng tác khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết, nhân ái, lan tỏa tình yêu thương, chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Ca khúc cách mạng ngày nay không còn đóng khung trong những bài ca thuộc giai đoạn trường kỳ kháng chiến mà đã mở rộng ra, phát triển thành dòng nhạc mang tinh thần tập thể, tiếng nói dân tộc, tiếp thêm động lực cho quân và dân ta trong những trận tuyến mới không kém phần gian lao, vất vả. Đó vẫn luôn là dòng nhạc bất hủ, đi theo hành trình phát triển của dân tộc qua những giai đoạn lịch sử khác nhau./.

Mộc Châu

-----------------------------------------

(*) Bài viết có tham khảo thông tin từ:
- Bài viết Cháy mãi ngọn lửa âm nhạc cách mạng của nhạc sĩ Nguyễn Quang Long đăng trên Báo Hà Nội Mới.
- Bài viết Sức sống âm nhạc cách mạng của Vũ Trọng Tân đăng trên Báo Đại Đoàn Kết. 
- Bài viết Ca khúc cách mạng, sự lan tỏa của tinh thần dân tộc của tác giả Thanh Thúy đăng trên trang web Trung tâm Văn hóa Điện ảnh Thừa Thiên - Huế.

Chia sẻ bài viết