Tiếng Việt | English

05/09/2021 - 07:49

Nhiễm trùng sau tiêm vaccine ít có nguy cơ dẫn đến “COVID-19 kéo dài”

Những người nhiễm virus SARS- CoV-2 đột phá sau khi tiêm vaccine ít có nguy cơ mắc Hội chứng “Long COVID-19” hay còn gọi là “COVID-19 kéo dài” so với những người không được chủng ngừa.

Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí y khoa The Lancet của Anh, nguy cơ mắc Hội chứng COVID-19 kéo dài giảm hơn 50% ở những người được tiêm vaccine đầy đủ. Nghiên cứu cũng cung cấp thêm bằng chứng cho thấy vaccine tiêm 2 mũi Pfizer-BioNTech, Moderna và AstraZeneca có khả năng bảo vệ  mạnh mẽ chống lại các bệnh có triệu chứng và bệnh nặng. 

Tiến sĩ Claire Steves, Bác sĩ lão khoa tại Đại học Hoàng gia Luân Đôn và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết, đây thực sự là nghiên cứu đầu tiên cho thấy nguy cơ mắc Hội chứng COVID-19 kéo dài giảm đáng kể khi tiêm vaccine đầy đủ.

Mặc dù nhiều người mắc COVID-19 hồi phục trong vòng vài tuần, nhưng một số người gặp phải các triệu chứng lâu dài có thể gây suy nhược như mệt mỏi, khó thở, sương mù não, tim đập nhanh và các triệu chứng khác.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có cách nào để giảm nguy cơ mắc Hội chứng COVID-19 kéo dài và tiêm chủng vẫn là một chiến lược phòng ngừa mà tất cả mọi người đều có thể thực hiện. 

Nhiễm trùng đột phá

Nghiên cứu được tiến hành đối với hơn 1,2 triệu người lớn, thông qua các dữ liệu hàng ngày được ghi lại trên ứng dụng di động về các triệu chứng, kết quả xét nghiệm và hồ sơ tiêm chủng. Tất cả đều đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Pfizer, Moderna hoặc AstraZeneca trong khoảng thời gian từ ngày 8/12/2020 đến ngày 4/7/2021, trong khi nhóm đối chứng gồm những người chưa được tiêm chủng.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy trong số gần một triệu người đã được tiêm chủng đầy đủ, chỉ có 0,2% bị nhiễm trùng đột phá. Nguy cơ mắc bệnh có triệu chứng cũng thấp hơn 50% so với những người không được tiêm chủng, trong khi tỷ lệ nhập viện thấp hơn 73% và tỷ lệ có các triệu chứng lâu dài - kéo dài ít nhất 4 tuần sau khi nhiễm bệnh - thấp hơn 49%.

Nghiên cứu mới này bổ sung vào những dữ liệu ngày càng tăng về các trường hợp mắc COVID-19 đột phá ở những người đã được tiêm chủng. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ đã xác nhận rằng, biến thể Delta rất dễ lây lan và đang gây ra nhiều đột phá hơn so với các phiên bản khác của virus, mặc dù nguy cơ ở những người được tiêm chủng đầy đủ vẫn thấp hơn. 

Động lực vaccine 

Theo Tiến sĩ Steves, tất nhiên, bản thân vaccine cũng đã làm giảm nguy cơ mắc bệnh, đồng nghĩa với việc giảm tỷ lệ mắc COVID-19 kéo dài. Tuy nhiên, nghiên cứu vẫn còn những hạn chế khi phần lớn dữ liệu đều do những người tham gia tự ghi lại và tự báo cáo. Hơn nữa COVID-19 kéo dài cũng là một hội chứng khó nghiên cứu khi các các triệu chứng có thể khác nhau về mức độ nghiêm trọng. 

Dẫu vậy, những phát hiện này có thể góp phần khuyến khích nhiều người trẻ tuổi đi tiêm phòng. Người trẻ tuổi ít có nguy cơ bị bệnh nặng do virus hơn người lớn tuổi, nhưng họ vẫn có nguy cơ mắc COVID-19 kéo dài. Vì vậy, nếu chúng ta có thể chứng minh nguy cơ mắc COVID-19 kéo dài được giảm thiểu bằng cách tiêm chủng, thì đây có thể là động lực để những đối tượng này đưa ra quyết định tiêm vaccine./.

CTV Châu Nhi/VOV.VN

Chia sẻ bài viết