Tiếng Việt | English

13/11/2022 - 14:52

Nhiều địa phương ở ĐBSCL bị thiệt hại do ngập úng

Những ngày qua, triều cường kết hợp với những trận mưa lớn khiến cho mực nước sông, kênh, rạch và trên đồng vẫn ở mức cao, tiếp tục gây ngập úng tại nhiều nơi ở vùng ĐBSCL, nhất là ở các địa phương nằm cuối sông Hậu. Ngập úng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và sản xuất của người dân nơi đây.

Ông Sa Râm ở ấp Giồng Giữa A, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu cho biết, ông có hơn 1,2ha đất đang trồng lúa, nhãn và các loại rau màu. Những đợt triều cường kết hợp với mưa dầm trong thời gian qua đã làm cho toàn bộ diện tích lúa và rau màu của ông bị thiệt hại hoàn toàn do ngập úng. Hiện hơn 100 gốc nhãn đã trồng được 5 năm trong vườn ông cũng đang úa lá, có dấu hiệu chết cây.


Triều cường gây ngập úng nhiều nơi tại thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu

“Lúa sạ phát triển đến lúc chuẩn bị bón phân thì bị ngập dài ngày, thiệt hại 100%. Còn về rau màu, nhãn của tôi cũng chết hết, mà giờ nước đang còn chưa rút. Năm nay coi như thất thu cả lúa, cả hoa màu”, ông Sa Râm chia sẻ.

Triều cường dâng cao kết hợp với mưa dầm đã gây ngập úng tại nhiều địa phương trong tỉnh Bạc Liêu, nhất là tại thành phố Bạc Liêu. Theo số liệu báo cáo nhanh của Phòng kinh tế thành phố Bạc Liêu, chỉ riêng diện tích rau màu bị thiệt hại đã lên đến hơn 200ha. Trong đó 2 xã bị thiệt hại nặng nhất là Vĩnh Trạch Đông và Hiệp Thành. Ngoài ra, hiện nay diện tích đang ngập mới vẫn chưa thể thống kê được thiệt hại.


Nhiều diện tích rau màu ở thành phố Bạc Liêu bị thiệt hại do ngập úng

Để khắc phục tình trạng ngập úng,  Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan vận hành các cống thủy lợi Nhà Mát, Cái Cùng và Huyện Kệ để ngăn triều chống ngập cho thành phố Bạc Liêu và các vùng lân cận. Các địa phương cũng đã triển khai nhiều biện pháp hạn chế các ảnh hưởng xấu của triều cường đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Ông Phạm Ngọc Toàn - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu cho biết, toàn xã có hơn 90ha vườn cây ăn trái và rau màu bị ngập úng. Hiện địa phương đang khẩn trương giúp dân hạn chế những thiệt hại tại các nơi bị ngập.

“Đối với những hộ bị ngập úng, xã cũng chỉ đạo lực lượng quân sự, đoàn xuống hỗ trợ, trực tiếp thu hoạch giúp các hộ dân. Hiện tại xã có 4 trạm bơm hiện đang cho vận hành liên tục", ông Phạm Ngọc Toàn cho hay.


Mực nước tại nhiều địa phương trong tỉnh Hậu Giang đang ở mức cao

Tại tỉnh Hậu Giang, mực nước trên các sông, kênh, rạch cũng đang ở mức khá cao, gây ngập úng nhiều nơi, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân. Theo báo cáo của Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang, qua ghi nhận bước đầu đã có hơn 10.200ha đất canh tác nông nghiệp trên địa bàn tỉnh bị ngập do triều cường, trong đó có nhiều diện tích lúa, cây ăn trái, rau màu bị thiệt hại từ 30% đến hơn 70%; Nhiều diện tích nuôi thủy sản bị ngập, gây thất thoát, nhưng chưa thống kê được cụ thể…

Anh Dương Trọng Nghĩa ở xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang cho biết, anh có 100 gốc sầu riêng đã trồng được 4 năm tuổi đang chuẩn bị cho trái trong năm nay. Những ngày qua do triều cường dâng cao nên anh phải túc trực bơm nước để bảo vệ vườn sầu riêng không bị ngập úng.

"Chúng tôi bơm liên tục nhưng không lại với mực nước ngập quá nhiều như vậy", anh Dương Trọng Nghĩa nói.


Anh Dương Trọng Nghĩa ở xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang đang ra sức bảo vệ để 100 gốc sầu riêng không bị ngập úng

Nhiều vườn cây ăn trái ở tỉnh Hậu Giang đang bị ngập úng có nguy cơ thiệt hại

Do triều cường ở tỉnh Hậu Giang còn cao nên nông dân không thể gieo sạ vụ lúa Đông xuân 2022-2023 trong đợt 1 từ ngày 27/10 đến 2/11 như lịch thời vụ. Vì vậy, Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân cần chuẩn bị chu đáo các điều kiện để tập trung xuống giống vào đợt 2 từ ngày 26/11 đến 2/12 tới nhằm né hạn, mặn về sau./.

Tấn Phong/VOV-ĐBSCL

Chia sẻ bài viết