Tiếng Việt | English

01/09/2024 - 09:45

Nhớ gánh chè bánh lọt của ngoại

Hồi nhỏ, mỗi lần đến dịp hè, lòng tôi nôn nao khó tả vì được má cho nửa tháng về ngoại chơi thỏa thích. Tôi được ông ngoại dạy chữ, theo mấy cậu, mấy dì ra đồng đặt lọp bắt cá, mò cua và theo bà ngoại đi bán bánh lọt tại chợ xã.

Nơi xóm vắng chợ quê, bà con chòm xóm thường gọi ngoại tôi là bà Bảy Chè Bánh Lọt. Sở dĩ gọi tên như vậy vì bánh lọt có nhiều loại như bánh lọt lá dứa, bánh lọt nước cốt dừa, bánh lọt mặn,...

Ngoại tôi chuyên chè bánh lọt - một loại chè truyền thống gây mùi nhớ thương, một món ăn nhà nghèo trong cái làng nghèo miền sông nước Vàm Cỏ. Món ăn ấy còn là thức giải khát mùa hè giữa cái nắng đồng bằng oi bức.

Bồi hồi, ngoại nhớ lại: “Từ thời ngoại mới về nhà chồng đã được bà cố truyền lại nghề làm bánh lọt. Dù sớm hôm vất vả nhưng nhờ món chè này mà ngoại thoát nghèo và một khi thoát thân nghèo khó thì nhất định phải ăn bánh lọt để nghèo khó nó lọt mất, không quay trở lại. Cũng nhờ vậy, ngoại mới có thể nuôi bầy con ăn học đàng hoàng". Rồi ngoại nói vè:

Ai được thoát thân thì ăn bánh lọt

Trôi nước rất ngọt để các thợ chài

Dầm mưa hoài hoài thì ăn bánh ướt

Bất toại vô phước thì sẵn bánh bò.

Nghề làm bánh lọt nhìn sơ qua tưởng đơn giản nhưng lắm công phu, phải cần cù, chịu khó. Ngoại thường chuẩn bị từ chiều muộn, ngâm gạo với nước tro hoặc nước vôi lắng trong. Gạo thường dùng là gạo cũ thì bánh lọt mới ngon, không bị nhão, để khoảng một đêm, xả với nước lạnh vài lần rồi để ráo.

Tầm ba giờ sáng hôm sau, ông bà ngoại lui cui dậy để làm các công đoạn chính. Ông ngoại cho gạo vào chiếc cối đá cũ kỹ để xay. Chiếc cối xay tuổi đời ngoài trăm năm vẫn xay đều, những giọt bột từ từ xuất hiện quanh rãnh cối và nhỏ dần xuống thau để sẵn bên dưới.

Bà ngoại xay mớ lá dứa, có khi thay bằng lá bù ngót vừa hái hôm qua ngoài vườn nhà để tạo màu và mùi hương cho bánh lọt. Phần bột xay xong được ngoại cho vào túi vải bồng bột và lấy cối đá dằn lên cho nước chảy ra hết.

Ngoại kỹ càng lược bột qua rây cho mịn, sau đó chia bột ra làm hai mẻ riêng. Mẻ đầu tiên cho bột gạo, bột năng và nước theo tỷ lệ nhất định vào nồi, để lửa liu riu và dùng đũa bếp khuấy đều để bột hấp thụ được hơi nóng, chín đều.

Ngoại chỉ dùng bếp củi vì bột làm ra sẽ ngon hơn, không vón cục. Đến khi bột chuyển từ đục sang trong là vừa chín tới. Mẻ thứ hai cũng giống vậy nhưng bà ngoại thêm vào nước lá dứa để tạo màu xanh bắt mắt và mùi thơm đặc trưng.

Đến công đoạn đổ bánh lọt thì trời cũng gần sáng. Ngoại trút phần bột vừa khuấy chín vào rổ, dùng một dụng cụ bằng gỗ ép bột chín vừa lỏng chảy qua các lỗ rơi xuống thau nước lạnh để sẵn bên dưới.

Bột gặp nước lạnh co lại, từng con bánh lọt xinh xắn, no tròn nằm gọn trong thau. Cứ vậy mà làm hết hai mẻ bột. Sắc xanh của lá dứa hòa cùng sắc trắng tự nhiên vô cùng bắt mắt.

Công đoạn cuối cùng là thắng nước cốt dừa và nước đường. Bánh lọt phải ăn chung với hai loại này mới hợp vị. Ngoại làm một cách tỉ mẩn và thuần thục.

Trời vừa sáng cũng là lúc tôi cùng ngoại quảy đôi quang gánh bánh lọt ra chợ xã. Đôi quang gánh nhịp nhàng trên tấm lưng gầy gò của ngoại men theo con đường quê ra chợ xã. Các dì, các chị đi chợ ghé mua vài ba bịch mang về cho các con, vài người thưởng thức ngay tại sạp.

Tôi lăng xăng phụ ngoại bưng chè cho khách. Một chén chè bánh lọt “đặc biệt thơm ngon” dành riêng cho đứa cháu ngoại vào cuối buổi chợ đông luôn là món ăn tôi trông đợi nhất. Với tôi, nó ngọt ngào, đậm vị hơn nhiều thức ngon khác trên đời...

Giờ ngoại tôi đã gần tám mươi, không còn đủ sức khỏe để tiếp tục làm món bánh ấy nữa. Sạp hàng ngoài chợ xã, ngoại để lại cho mợ tôi buôn bán.

Món bánh lọt của ngoại không chỉ là một thức bánh của ngày thơ mà còn là một phần ký ức của nhiều người con xa xứ quê tôi. Thương lắm món chè bánh lọt tuổi thơ và tôi, nhớ hoài câu vè bà ngoại nói: Ai được thoát thân thì ăn bánh lọt!./.

Đỗ Minh Tiến

Chia sẻ bài viết