Thật bất ngờ khi Nghệ sĩ nhiếp ảnh Tôn Thất Hùng đưa chúng tôi đến thăm nhà người em trai thứ Tám của liệt sĩ Nguyễn Thái Bình ở TP.Tân An (tỉnh Long An) - một ngôi nhà xinh trong cư xá Ngân hàng trên đường Võ Văn Môn (phường 4), với khu vườn không rộng lắm nhưng khéo bố trí các loại cây trồng trong những bồn gạch xây vòng quanh gốc cây đẹp như bức tranh phong cảnh hữu tình. Tại một góc vườn có khu mộ song thân Nguyễn Thái Bình là cụ ông Nguyễn Văn Hai (thọ 87 tuổi) và cụ bà Lê Thị Anh (thượng thọ 100 tuổi).
Chân dung sinh viên Nguyễn Thái Bình. Ảnh chụp lại tư liệu
1. Khoảng thời gian này của 51 năm trước, trên căn gác Thảo Lư Mây Tần của nhà báo, nhà thơ Kiên Giang ở Thủ Thiêm, Sài Gòn, tôi nằm đọc cả chồng báo loan tin về cái chết Nguyễn Thái Bình trái ngược nhau.
Báo theo Mỹ thì nói Nguyễn Thái Bình là “tên không tặc” cầm dao khống chế viên phi công Mỹ lái chiếc Boeing 747 của hãng Pan America không cho đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất mà ép phải bay thẳng ra Hà Nội, bị phi công Mỹ vật té xuống sàn máy bay cho nhân viên an ninh Mỹ bảo vệ chuyến bay hạ sát bằng súng ngắn.
Nhưng báo “đối lập” thì nói: Nguyễn Thái Bình do có những hoạt động chống Mỹ suốt 4 năm du học trên đất Mỹ, nên Mỹ kiếm cớ “khử”: Bố trí cho phi công Gene Waughn ra tay khống chế và nhân viên tình báo (CIA) William Heary Mills bắn 4 phát đạn vào ngực Bình rồi ném xác xuống đường băng phi trường Tân Sơn Nhất vào lúc 10 giờ sáng ngày 02/7/1972.
Những ngày sau đó, báo chí Sài Gòn (không phải “gia nô” (báo làm tôi tớ cho nhà cầm quyền)) đã cùng các báo và hãng thông tấn nước ngoài loan tin, bình luận, dẫn ra nhiều bằng chứng vạch trần âm mưu đê hèn của kẻ xâm lược dàn dựng màn kịch “ám sát chính trị” trên đây.
Cách mấy hôm sau, vào một buổi chiều, Kiên Giang chạy xe máy về Thảo Lư Mây Tần kêu tôi và Võ Bảo Đảm, người Trà Vinh - đang học Đại học Văn khoa - ở trọ tại đây: “Hai đứa bây đến chùa Phụng Sơn Tự liền bây giờ để ăn cơm chay với tao”, rồi Kiên Giang quay xe đi mất.
Khi tôi và Đảm đến Phụng Sơn Tự - một ngôi chùa cổ kính ẩn trong khu vườn cổ thụ u tịch ở quận 11, thì thấy trên bục cao giăng tấm băng rôn “Lễ cầu siêu cho sinh viên Nguyễn Thái Bình”.
Nhà báo Kiên Giang khoác áo vest cũ rộng thùng thình đứng ra dẫn chương trình. Các vị sư và đông đảo Phật tử đang hành lễ cầu siêu một cách trang nghiêm.
Hôm sau đọc báo, thấy cùng lúc này tại California (Mỹ), đông đảo du học sinh và kiều bào Việt Nam cũng đang tiến hành lễ truy điệu cho sinh viên Nguyễn Thái Bình, cho thấy anh được rất nhiều người Việt sinh sống và học tập tại Hoa Kỳ yêu quý, tiếc thương.
Nguyễn Thái Bình phát tờ rơi trên đường phố Mỹ ngay sau khi nhận bằng tốt nghiệp Đại học Washington hạng danh dự ngày 26/5/1972. Ảnh chụp lại tư liệu
2. 51 năm đã trôi qua... Em trai thứ Tám của Nguyễn Thái Bình là Nguyễn Hữu Đức ngày ấy chỉ mới lên 7, hay tin anh Ba Bình bị bắn chết trên sân bay Tân Sơn Nhất trong lúc Đức đang ôm chồng báo vừa chạy vừa rao “Báo đây! Báo mới đây!” - cậu bán báo dạo để có tiền đi học, vì nhà đông con, 10 miệng ăn chỉ trông vào đồng lương của người cha làm thư ký ở Công ty Thương cảng Sài Gòn.
“Anh Ba em rất ham học và học rất giỏi. Sau khi đậu bằng Tú tài II, anh thi đậu cùng lúc các trường Đại học Y khoa, Dược khoa, Học viện Quốc gia hành chánh, Nông Lâm Súc và chọn học ngành Nông Lâm Súc. Ảnh rất thương tụi em. Hễ đi học về là ảnh đưa tụi em xuống sông tập bơi. Hồi đó, nhà em ở quận Nhà Bè (Sài Gòn) bên dòng sông trong xanh. Anh Bình nói ở gần sông rạch, các em nhất định phải biết bơi và anh tập cho tụi em bơi. Anh còn làm đồ chơi cho tụi em…”- Đức kể.
Đức vẫn nhớ khi ấy, các báo có khuynh hướng chống Mỹ và chế độ tay sai, thì gọi là “báo đối lập”, thường hay bị bọn Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn áp sát để kiểm soát; bọn Thông tin - chiêu hồi (gọi Bộ “Hốt-cắt-đục”(hốt: tịch thu, cắt: rọc bỏ những chỗ kiểm duyệt và đục: đục bỏ phần con chữ đã đúc nổi trên bản kẽm để in, bị kiểm duyệt).
Để qua mắt cảnh sát "chìm", "nổi", Đức phải gói báo mới vào bên trong báo cũ, khi gặp cảnh sát, Đức đưa cả xấp báo ra nói “đây là báo cũ bán cho người ta mua gói đồ”. Cảnh sát thấy báo cũ thật, hất mặt kêu “Đi đi!”. Thế là Đức co giò nhảy chân sáo trên đường và rao “Báo đây! Báo mới đây!”.
Báo “đối lập” bao giờ cũng bán chạy như tôm tươi vì đưa tin chân thật và bình luận đích đáng, trái với “báo gia nô” bị bạn đọc tẩy chay. Nhờ bán báo dạo mà Đức có tiền học Đại học Bách khoa Phú Thọ, lấy bằng tốt nghiệp kỹ sư cơ khí, rồi ra mở cơ sở dạy nghề sửa chữa ôtô ở tỉnh Long An và Vĩnh Long.
Nguyễn Thái Bình (cầm micro) đang diễn thuyết lên án chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Ảnh chụp lại tư liệu
3. Đọc Nhân vật & Sự kiện trên Xưa & Nay của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam viết tiểu sử và những hoạt động yêu nước của sinh viên Nguyễn Thái Bình, hay Việt Nam - Đất nước tôi và Trái tim Nguyễn Thái Bình của nữ nhà văn, nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long và Những người con gái trong đời Nguyễn Thái Bình của nữ nhà văn Trầm Hương (Hai tác giả nữ này đều có tiếp xúc với mẹ và các chị em gái của Nguyễn Thái Bình để lấy tư liệu), cho thấy cuộc đời của một người anh hùng liệt sĩ với nhiều tố chất đặc biệt.
Anh không đẹp trai lắm, nhưng phong cách tài hoa, thông minh và bản lĩnh, ham đá bóng (từng là chân sút của Đội tuyển bóng đá trường Đại học Washington, Mỹ); có tài thuyết trình và diễn thuyết rất hào hùng; khiêu vũ cũng rất điệu đàng và nhất là học tập luôn đứng đầu bảng thành tích.
Chính vì vậy mà anh rất được bạn đồng môn quý trọng, nhiều cô gái có quốc tịch khác nhau du học trên đất Mỹ do mến mộ mà đến với anh, nhưng anh chỉ giữ ở mức độ tình bạn, tình anh em chứ không yêu riêng cô nào, kể cả một cô công chúa của một hoàng gia tăm tiếng ở châu Á, nếu muốn làm “phò mã”, anh bước tới là được ngay. Anh cũng được doanh nghiệp lớn của Mỹ chào mời làm việc với mức lương rất hậu hĩnh, nhưng anh đều chối từ.
Mặc dù nhận bằng tốt nghiệp Đại học Washington hạng danh dự, nhưng do tổ chức cho nhiều sinh viên cùng làm lễ kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5; đến ngày 10/02/1972, anh cùng các du học sinh khác đột nhập, chiếm tòa lãnh sự của Việt Nam Cộng hòa tại New York yêu cầu Mỹ rút khỏi Việt Nam, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức và giải thể chế độ Việt Nam Cộng hòa,... nên anh bị cắt mất học bổng của Đại học Washington và buộc phải về nước thay vì tiếp tục học cao học và có thể học tiến sĩ.
Tiên cảm chuyến bay là định mệnh, Nguyễn Thái Bình đã tranh thủ lúc máy bay hạ cánh ở đảo Guam trên đường bay về sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, anh viết nhanh những dòng tuyệt mệnh bày tỏ tâm trạng, khát vọng và ý chí của mình, trong đó có đoạn: “…Con biết ba má và các em con sẽ khổ nhiều trong cuộc sinh ly hay tử biệt này (...) Hôm nay vì chính nghĩa, vì sự sinh tồn của cả dân tộc, vì chân lý, lẽ công bằng nhân đạo mà con có hy sinh thì cái chết này không phải là một sự chấm dứt mà là một sự khởi đầu cho một sự hồi sinh của thế hệ tương lai... Đường con đi nhất định theo chân anh hùng Việt Nam đi vào thanh sử chứ không bám gót ngoại xâm làm thân tôi đòi nô lệ...”.
2 cảnh sát đang phủ tấm nylon lên thi thể Nguyễn Thái Bình vừa bị nhân viên CIA bắn chết và ném xuống đường băng
Cũng như Em bé Napalm của Nick Út mạnh hơn trái bom nổ, gây chấn động lương tri không chỉ người Việt Nam trong nước mà người Việt Nam sinh sống, học tập ở Mỹ và người nước ngoài, hàng loạt cuộc biểu tình phản chiến của họ trên đất Mỹ, hàng loạt ngòi bút, ống kính vạch trần tội ác chiến tranh do Mỹ và chế độ tàn bạo, tay sai gây ra cho đất nước và con người Việt Nam,...
Ngày nay, đất nước liền một dải thái bình như tên anh. Trên quê hương chôn nhau cắt rốn của anh - xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc - sừng sững tượng đài anh Nguyễn Thái Bình và một con đường lớn, đẹp, mang tên Nguyễn Thái Bình tại TP.Tân An. Trong nước, còn có nhiều giải thưởng, trường học, con đường vinh danh anh. Điều đó cho thấy, Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thái Bình đã đi vào thanh sử của dân tộc như những dòng tâm thư anh gởi lại gia đình trước lúc đi xa.../.
Quang Hảo