Thay đổi “khẩu vị” cho khán giả
Thời gian qua, văn hóa, phim ảnh Hàn Quốc tác động, ảnh hưởng đến một bộ phận người Việt Nam, nhất là giới trẻ. Trong đó, những câu chuyện tình lãng mạn từ những bộ phim Hàn Quốc được nhiều khán giả yêu thích. Vì vậy, phim Việt được sản xuất từ sự hợp tác với xứ sở kim chi mang đến một luồng gió mới, thay đổi “khẩu vị” cho người hâm mộ và được đón nhận nhiệt tình. Năm 2006, Mùi ngò gai (dài 106 tập) được xem là bộ phim truyền hình đầu tiên được hợp tác sản xuất giữa Hãng phim Gia đình Việt - Vifa với Công ty CJ Media Hàn Quốc, có cả đạo diễn Việt - Hàn. Dù nhân vật chính trong phim không có sự tham gia của diễn viên Hàn Quốc nhưng lần đầu ra mắt, bộ phim vẫn gặt hái thành công. 12 năm sau khi lên sóng, mỗi khi nhắc lại Mùi ngò gai, khán giả vẫn nhớ và đồng cảm với Vy - cô gái chịu nhiều bất hạnh nhưng nhờ nỗ lực đã trở nên thành đạt. Từ câu chuyện của Vy, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam với những phẩm chất truyền thống đáng quý: Sống yêu thương, chan hòa, biết sẻ chia và nhường nhịn, giàu nghị lực,... càng nổi bật hơn. Ngoài ra, Mùi ngò gai còn ghi điểm với khán giả khi khéo léo tôn vinh ẩm thực Việt Nam, đặc biệt là món phở.
Tuổi thanh xuân - bộ phim truyền hình đầu tiên được hợp tác sản xuất giữa Đài Truyền hình Việt Nam với CJ E&M Pictures của Hàn Quốc gây “bão” trên màn ảnh, nhất là đối với khán giả trẻ. Bộ phim được phối hợp thực hiện bởi đạo diễn trẻ Việt Nam - Nguyễn Khải Anh, Bùi Tiến Huy và đạo diễn Hàn Quốc - Myung Hyun Woo. Bộ phim còn quy tụ dàn diễn viên được yêu thích của 2 đất nước như Nhã Phương, Kang Tae-oh, Hồng Đăng, Kim Tuyến, Shin Jae Ha và một số gương mặt tên tuổi khác. Tuổi thanh xuân gồm 2 phần (phần 1 dài 36 tập, phần 2 dài 38 tập) là câu chuyện về những hoài bão, ước mơ, kỷ niệm tình bạn, tình yêu, tình người của những người trẻ Việt Nam sinh sống, học tập trên đất nước Hàn Quốc. Thùy Linh (Nhã Phương đóng), Khánh (Hồng Đăng đóng), Lee Junsu (Kang Tae-oh đóng), Mai, Hưng, Ji Yong,... vô tình gặp gỡ tại một trường đại học ở Hàn Quốc và trở thành những người bạn thân. Khi biến cố xảy ra, có những mối tình bị chia cắt nhưng sau 5 năm gặp lại, tất cả đều không hối tiếc về một thời thanh xuân đáng nhớ.
Không chỉ nội dung hấp dẫn, gần gũi với giới trẻ, bộ phim còn thu hút bởi những cảnh quay lãng mạn, khung cảnh tuyệt đẹp của Việt Nam, Hàn Quốc và những ca khúc đặc sắc. Văn hóa, đời sống của Việt Nam và Hàn Quốc được đưa vào phim, tạo dấu ấn. Nhờ những thành công ấy, Tuổi thanh xuân đoạt giải phim truyền hình hay nhất trong giải thưởng Cánh diều vàng lần thứ 14, năm 2016. Diễn viên Nhã Phương (vai Thùy Linh) và Kang Tae-oh (vai Lee Junsu) đoạt giải nữ, nam diễn viên ấn tượng tại giải Ấn tượng VTV lần thứ 2, năm 2015.
Có thể khẳng định, trong số những bộ phim hợp tác sản xuất của Việt Nam, phim hợp tác Việt - Hàn chiếm số lượng lớn: Cô dâu vàng, Lẵng hoa tình yêu, Để mai tính 2, Chào cô Thúy, Mười,... Đa số đều để lại ấn tượng, được khán giả ủng hộ bởi sự dung hòa những nét văn hóa bản địa một cách khéo léo, phù hợp cùng nội dung hay, cảnh quay đặc sắc.
Mở cửa cho điện ảnh Việt Nam
Ngoài quảng bá truyền thống văn hóa, cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp giữa các nước, việc hợp tác sản xuất phim còn mở ra cánh cửa tương lai để điện ảnh Việt Nam có cơ hội vươn xa hơn khi được tiếp cận công nghệ làm phim tiên tiến từ đối tác.
Sau Người cộng sự, Khúc hát mặt trời là bộ phim hợp tác quốc tế của VTV với Đài Truyền hình TBS của Nhật Bản. TBS chuyển giao hoàn toàn kịch bản gốc để đơn vị sản xuất của VTV phát triển, sáng tạo thành kịch bản mới do Vũ Trường Khoa làm đạo diễn. Đó là câu chuyện về Yến Phương (Nhã Phương đóng), có tài năng ca hát và sáng tác nhưng mắc bệnh XP, không thể tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Mang căn bệnh hiểm nghèo nhưng Phương luôn lạc quan, mơ ước được một lần đứng trên sân khấu. Đến khi gặp Quân (Quang Tuấn đóng), Phương cảm nhận được sự vui vẻ khi ở bên cạnh người đàn ông có vẻ ngoài lạnh lùng, bất cần đời nhưng nội tâm rất giàu tình cảm. Sau khi vượt qua bao trở ngại trong tình yêu, Phương lại nhận được lời mời sang Nhật biểu diễn, cô đứng trước những khó khăn trong sự lựa chọn.
Mong muốn bộ phim vươn tầm quốc tế, không chỉ có lối diễn của diễn viên, ê-kip làm phim còn tỉ mỉ trong việc lựa chọn từng bối cảnh. Đó là thời điểm mai anh đào “nhuộm” hồng một góc trời ở xứ sở Phù Tang tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp, thu hút khán giả. Hơn nữa, phim được sử dụng thiết bị hiện đại, ê-kip làm việc chuyên nghiệp nên cảnh quay đặc sắc. Hay trong Tuổi thanh xuân, thiết bị quay được đầu tư lớn, bối cảnh đa dạng cùng hệ thống trường quay hiện đại nên chất lượng phim khá tốt.
Tuy nhiên, “con đường” vươn xa vẫn gặp nhiều trở ngại khi những phim hợp tác thời gian qua còn “sạn”. Đó là những chi tiết chưa phù hợp về văn hóa khi đặt vào bối cảnh của 2 đất nước. Muốn thành công hơn nữa, điện ảnh Việt Nam phải phát huy hiệu quả những nguồn lực vốn có. Đó là tìm ra những đề tài mới từ việc khai thác những yếu tố về truyền thống văn hóa, lịch sử kết hợp lợi thế phong cảnh hữu tình. Ngoài ra, việc hợp tác sản xuất phải thoát khỏi tình trạng Việt Nam là nơi cung cấp dịch vụ làm phim hoặc có vài diễn viên đồng diễn như thời gian qua. Hợp tác đúng nghĩa là đôi bên cùng đầu tư kinh phí, cùng hưởng lợi, qua đó tạo đà đưa phim Việt ra quốc tế.
Khát vọng đó sẽ là chặng đường dài mà ngành điện ảnh Việt Nam phải nỗ lực vươn lên. Khi cánh cửa hợp tác trên lĩnh vực điện ảnh được mở ra, đòi hỏi người làm nghề phải phát huy những điều học hỏi được từ cách làm phim của nước bạn, tạo nét mới để mang đến sức bật cho điện ảnh Việt Nam./.
Thùy Vy