Tiếng Việt | English

02/09/2018 - 20:50

Điện ảnh Việt Nam: Trên đường đi tìm chính mình

Điện ảnh cách mạng Việt Nam trải qua 65 năm hình thành và phát triển với không ít thăng trầm. Dù có nhiều nỗ lực nhưng đến nay, điện ảnh Việt Nam vẫn chưa định hình được con đường đi của mình cũng như tìm lại ánh hào quang một thời.

Chung một dòng sông như viên gạch đầu tiên đánh dấu sự khởi đầu cho phim truyện cách mạng Việt Nam; Chị Tư Hậu - một trong những bộ phim kinh điển của điện ảnh nước nhà. Ảnh: Internet

Chung một dòng sông như viên gạch đầu tiên đánh dấu sự khởi đầu cho phim truyện cách mạng Việt Nam; Chị Tư Hậu - một trong những bộ phim kinh điển của điện ảnh nước nhà. Ảnh: Internet

1. Việc ra đời của bộ phim Chung một dòng sông như viên gạch đầu tiên đánh dấu sự khởi đầu cho phim truyện cách mạng Việt Nam. Dù nội dung phim đơn giản, phải chỉnh sửa kịch bản nhiều lần nhưng Chung một dòng sông đã nêu được vấn đề thời sự khi đó: Sự phân chia hai miền Nam, Bắc. Chính vì thế, khi được công chiếu vào ngày 20/7/1959, Chung một dòng sông gây cảm tình cho khán giả. Và kể từ bộ phim truyện đầu tiên đó, điện ảnh cách mạng Việt Nam tiếp tục cho ra đời những bộ phim mà đến nay đã trở thành kinh điển của điện ảnh nước nhà như Vợ chồng A Phủ, Chị Tư Hậu, Chim Vành khuyên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Nổi gió,... Những bộ phim được thực hiện trong giai đoạn trước năm 1975 này thường đề cập về đề tài chiến tranh, cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của quân và dân ta. Đặc biệt, hình tượng người phụ nữ trong những bộ phim cách mạng luôn được khắc họa đậm nét, mang đến một dấu ấn khó phai trong lòng người xem. Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang là người đầu tiên và để lại ấn tượng sâu đậm nhất khi khắc họa hình tượng người phụ nữ Việt Nam trong những năm chiến tranh. Khán giả thông qua những nhân vật mà bà thể hiện một cách xuất sắc như Dịu (Vĩ tuyến 17 ngày và đêm), chị Tư Hậu (Chị Tư Hậu),... mà cảm nhận được những người phụ nữ Việt Nam vừa mạnh mẽ nhưng cũng rất dịu dàng. Họ luôn giữ được nét đẹp tâm hồn, luôn giấu nỗi đau để vượt qua bão lửa của chiến tranh, mất mát. 

Sau năm 1975, đề tài hậu chiến bắt đầu được khai thác nhiều hơn trong điện ảnh cách mạng Việt Nam. Thời kỳ này, một số phim nổi lên như một tín hiệu đáng mừng về một thế hệ đạo diễn, diễn viên mới của điện ảnh nước nhà, tiếp nối thế hệ của Hải Ninh, Trà Giang, Thế Anh, Lan Hương,... Có thể kể đến Bao giờ cho đến tháng Mười, Thị xã trong tầm tay, Cô gái trên sông,... Đề tài phim bắt đầu đa dạng hơn, khai thác nhiều mặt của cuộc sống. Đến khi đất nước đổi mới, điện ảnh Việt Nam cũng có những thay đổi đáng kể. Làn sóng phim video bắt đầu “tung hoành” tại các rạp chiếu phim với những ngôi sao mản ảnh khi đó như Lý Hùng, Việt Trinh, Diễm Hương, Y Phụng, Thu Hà, Lê Công Tuấn Anh,... Những bộ phim thuộc dạng “mì ăn liền” này hầu hết có nội dung đơn giản, xoay quanh tình yêu đôi lứa,... Nhiều nhà phê bình cho rằng, chính làn sóng phim “mì ăn liền” kéo phim Việt đi xuống. Cùng với đó, những bộ phim của các hãng phim Nhà nước như Hãng Phim truyện Việt Nam, Hãng Phim Giải Phóng cũng cho ra mắt những bộ phim có chất lượng như Ai xuôi vạn lý, Lưỡi dao, Thời xa vắng, Bến không chồng, Đời cát, Đừng đốt, Mùa len trâu,... Nhiều phim đoạt giải liên hoan phim khu vực và tạo được ấn tượng đẹp trong lòng bạn bè quốc tế. 

Tuy nhiên, một thực tế xảy ra trong giai đoạn mở cửa chính là phim của Nhà nước sản xuất không còn thu hút khán giả. Có những phim chỉ ra rạp một thời gian ngắn thì phải xếp vào kho vì không có khán giả. Những phim về đề tài cách mạng chỉ còn chiếu vào những dịp lễ, những kỷ niệm quan trọng của đất nước.

Từ giai đoạn mở cửa cho đến khi bước qua thế kỷ XXI, làn sóng Việt kiều về nước làm phim mang lại một làn gió mới cho điện ảnh Việt. Tuy nhiên, nhiều đạo diễn đưa ngôn ngữ điện ảnh phương Tây áp đặt vào khuôn cảnh Việt Nam một cách máy móc khiến cho không ít bộ phim chỉ mang “xác” Việt mà mất đi “hồn” Việt. Và trong khoảng 10 năm trở lại đây, phim tư nhân chiếm ưu thế so với phim nhà nước, bắt đầu kéo được khán giả đến rạp để xem phim Việt. Dù vậy, chất lượng những bộ phim này vẫn còn phải bàn cãi nhiều khi đa phần chạy theo thị hiếu của công chúng mà chưa dám mạnh dạn tìm một lối đi riêng, có tính nghệ thuật hơn.

2. Trong dòng chảy đó, điện ảnh miền Nam cũng góp phần mang lại màu sắc cho điện ảnh nước nhà trong từng giai đoạn. Có thể nói, dù không được nhìn nhận chính thức nhưng bộ phim tài liệu Trận Mộc Hóa vẫn được xem là bộ phim điện ảnh đầu tiên của Việt Nam được thực hiện ở vùng bưng biền miền Nam. Trong hồi ký Đời tôi và điện ảnh của cố nghệ sĩ Khương Mễ, ông ghi lại đậm nét về những năm tháng làm phim ở Đồng Tháp Mười. Ông kể, nếu ngày đó, Bộ Tư lệnh mà “yếu bóng vía” thì làm gì có điện ảnh như ngày nay. Trước khi có bộ phim Trận Mộc Hóa, ngay chính ông Khương Mễ, Mai Lộc cũng không thể hình dung ra ở chốn bưng biền này lại có thể làm điện ảnh được. Họ chỉ có trong mình niềm đam mê điện ảnh và sự quyết tâm khi được cấp trên ủng hộ, động viên để bắt đầu thực hiện công việc mang tính lịch sử. Những lần đi lên Sài Gòn mua thiết bị làm phim, hay khi sáng chế ra thùng điều hòa nhiệt độ để giữ nước tráng phim, hoặc lúc dựng phim trong mùng vì không thể một tay dựng phim, một tay đập muỗi đã trở thành kỷ niệm không thể nào quên đối với nhà quay phim Khương Mễ. Và chính ông và Mai Lộc được điều ra Bắc thực hiện những bộ phim tư liệu đầu tiên trong giai đoạn đấu tranh chống thực dân Pháp. 

Sau ngày giải phóng, điện ảnh miền Nam vẫn đóng góp vào điện ảnh nước nhà không ít những bộ phim có giá trị như Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang, Ván bài lật ngửa, Về nơi gió cát,... Hầu hết những bộ phim này đều gây được tiếng vang và để lại ấn tượng trong lòng khán giả. Đặc biệt, bộ phim Cánh đồng hoang của đạo diễn Hồng Sến đã đoạt Huy chương Vàng Liên hoan Phim quốc tế ở Matxcơva năm 1981. 

Trong giai đoạn hiện nay, TP.HCM vẫn là nơi tư nhân đầu tư vào điện ảnh nhiều nhất. Những bộ phim “cháy” phòng vé trong thời gian qua cũng từ những đạo diễn Việt kiều về nước hay từ một thế hệ đạo diễn trưởng thành sau những năm đổi mới như Nguyễn Quang Dũng, Vũ Ngọc Đãng, gần đây là Huỳnh Tuấn Anh. Tuy nhiên, ngoài việc mang lại sức sống cho phim Việt, điện ảnh miền Nam nói riêng và cả nước nói chung vẫn đang trong tình trạng loay hoay, không nhiều bứt phá. Ta có thể thấy được công thức chung của những bộ phim trong giai đoạn hiện nay như một món thập cẩm có đủ mùi vị tương tự nhau chứ không mang một màu sắc riêng biệt. Ngay cả bộ phim Song Lang vừa được công chiếu mà nhà sản xuất giới thiệu như là bộ phim tôn vinh nghệ thuật cải lương, đồng thời lồng vào đó là câu chuyện tình kiểu “Bá vương biệt Cơ”. Nhưng thực tế, cải lương chỉ là cái cớ của nhà sản xuất để mang tính “hợp thời” và chuyện tình được giới thiệu cũng chỉ là cách để thu hút khán giả hơn mà thôi. Phải thừa nhận, đây là bộ phim tốt trong bối cảnh của phim Việt Nam hiện nay nhưng lại không nhiều sức nặng, không thể hiện được sự quyết liệt, “làm tới cùng” về nghệ thuật cải lương mà chỉ là một bản phác họa nhẹ nhàng, hơi nhạt.

Tìm ra con đường của chính mình là điều mà những nhà làm điện ảnh nước ta cần phải làm. Nó đòi hỏi một chiến lược phát triển điện ảnh phù hợp, và nhất là cần phải có những nhà làm phim cá tính, dám từ bỏ khuôn mặt giống nhau để đi tới cùng bản ngã của mình. Khi ấy mới hy vọng một nền điện ảnh Việt cất cánh và mang màu sắc riêng./.

Bảo Linh

Chia sẻ bài viết