Tiếng Việt | English

05/01/2022 - 13:25

Những 'chiến sĩ' tuổi 18 đặc biệt

Từng “chiến đấu” với Covid-19 để giành lại sự sống, các tình nguyện viên (TNV) “đặc biệt” tiếp tục trở thành cộng sự đắc lực, đồng hành với đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong “tình hình mới”.

Chăm sóc bệnh nhân là niềm vui

Tích cực hỗ trợ bệnh viện (BV) dã chiến, từng dương tính với Covid-19, nằm trong đội TNV hỗ trợ, vận chuyển thực phẩm cho người dân,... không ai nghĩ cô gái 18 tuổi Trần Thị Anh Thư (xã Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An) đã và đang trải qua tất cả những việc này.

Trần Thị Anh Thư

Anh Thư trầm tính, nhẹ nhàng, gương mặt hiền hòa. Thời điểm Thư tốt nghiệp THPT cũng là lúc dịch bệnh bùng phát dữ dội. Vừa thi tốt nghiệp xong, cô bạn mạnh dạn đăng ký tham gia đội tình nguyện của Thị đoàn Kiến Tường. Có lẽ, Thư là một trong những TNV nhỏ tuổi nhất đội hình.

Thời điểm giãn cách xã hội, Thư cùng các TNV hỗ trợ phát quà, vận chuyển hàng hóa, lương thực cho người dân. Trong quá trình hỗ trợ, Thư tiếp xúc với F0 và trở thành F1. Khi cách ly theo dõi sức khỏe, Thư nhận kết quả dương tính với Covid-19 và được đưa đi điều trị tại BV dã chiến số 13 - BV Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười.

Thư tâm sự: “Khi biết em dương tính với Covid-19, cha, mẹ rất lo lắng, gọi điện thoại hỏi thăm mỗi ngày. Ngược lại, em động viên cha, mẹ rất nhiều. Do không có triệu chứng nên em yên tâm và hồi phục rất nhanh”.

Trần Thị Anh Thư hỗ trợ tại bệnh viện dã chiến

Điều trị bệnh ở BV dã chiến, Thư được y, bác sĩ chăm sóc tận tình, các TNV chăm lo từng bữa ăn. Nhìn mọi người mặc đồ bảo hộ kín mít suốt nhiều giờ, theo sát từng giường bệnh, Thư cảm phục vô cùng. Nhận thấy BV thiếu nhân lực nên ngày được BV thông báo đủ điều kiện xuất viện, Thư xin ở lại hỗ trợ các y, bác sĩ chăm sóc bệnh nhân.

Nghĩ và làm, Thư mạnh dạn nhận hỗ trợ “vòng trong” tại BV dã chiến số 13, phụ chăm lo bệnh nhân. Thư còn vận động chị gái cùng tham gia hỗ trợ. “Ban đầu xin đi hỗ trợ, cha, mẹ em rất lo. Nhưng em động viên, giải thích để cha, mẹ hiểu và an tâm. Sau khi mắc bệnh thì cơ thể em đã miễn dịch nên không còn lo lắng nữa” - Thư nói.

Công việc của Thư là vận chuyển lương thực, thực phẩm đến cho bệnh nhân 3 lần/ngày. “Thấy bệnh nhân ăn ngon, sớm hồi phục về với gia đình là em vui rồi!” - Thư cười nói.

Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, Thư hỗ trợ 3 đợt, mỗi đợt 14 ngày. Được biết, sau tốt nghiệp THPT, Thư đăng ký theo học ngành Marketing. Nhưng trong thời gian hỗ trợ phòng, chống dịch, Thư nhận ra ngành nghề mình thích là chăm sóc bệnh nhân, chăm lo sức khỏe mọi người nên chuyển sang học ngành Y.

Hiện tại, Thư theo học ngành Phục hồi chức năng tại Trường Cao đẳng Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM). Do lịch học ít và chủ yếu học online nên Thư tận dụng thời gian tham gia tình nguyện.

Hết mình cùng cộng đồng

Trái ngược với vẻ trầm tĩnh của Anh Thư là cô gái cá tính, năng động Phạm Thị Thế Mỹ (xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa), cũng vừa tròn 18 tuổi. Mỹ kể, Mỹ học Trường THPT Đức Hòa, vừa thi tốt nghiệp xong thì tình nguyện hỗ trợ khu cách ly tại trường. Mỹ nghĩ “nếu ai cũng lùi thì ai sẽ đi chống dịch?”, vì lúc đó, lực lượng rất “mỏng”. Nghĩ là làm, Mỹ mạnh dạn xin gia đình đi hỗ trợ.

“Trong thời điểm đó, nhiều người mắc bệnh, em còn khỏe nên muốn góp sức cùng mọi người chống dịch bệnh. Tùy theo sức của mình, làm được gì thì giúp nấy. Nếu chẳng may bị nhiễm bệnh thì cũng chấp nhận vì đã góp được sức mình cho cộng đồng” -  Mỹ nhớ lại.

Cô gái năng động, cá tính Phạm Thị Thế Mỹ

Cũng như bao người cha, người mẹ khác, cha, mẹ Mỹ cũng phản đối trước quyết định của con gái vì sợ vất vả, nguy hiểm. Nhưng với sự hăng hái, quyết tâm của Mỹ, gia đình đã đồng ý và ủng hộ.

Mỹ tham gia hỗ trợ từ cuối tháng 7. Hàng ngày, Mỹ vận chuyển cơm và chuyển đồ dùng người nhà đem vào cho bệnh nhân trong Khu cách ly tại Trường THPT Đức Hòa. Nhớ lại kỷ niệm trong một lần vận chuyển thực phẩm cho người dân, Mỹ kể: “Em trú mưa tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch. Một cơn gió thổi qua, hộp cơm các chiến sĩ công an, TNV đầy cát. Chứng kiến cảnh ấy, em không cầm lòng được. Kể từ đó, đều đặn hàng ngày, em nhận hỗ trợ thức ăn khuya cho các chiến sĩ trực chốt kiểm soát phòng, chống dịch trên địa bàn thị trấn Đức Hòa và các chốt lân cận. Có hôm thì bánh bao, có hôm bánh mì,... để các anh lót dạ đêm khuya”. Được biết, kinh phí hỗ trợ thức ăn trên 10 triệu đồng là tiền tiết kiệm ống heo của Mỹ.

Trong một lần test Covid-19 định kỳ, Mỹ nhận kết quả dương tính. Bình tĩnh trước mọi tình huống, Mỹ tự theo dõi sức khỏe, ăn uống điều độ và hồi phục rất nhanh. Sau khi bình phục và hoàn thành cách ly, Mỹ vẫn không lùi bước, tiếp tục hỗ trợ Công an thị trấn Đức Hòa cho đến nay. Mỹ cho biết, em sẽ đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự trong đợt tuyển lần này. Mỗi TNV là một câu chuyện, một hoàn cảnh nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 đang phức tạp như hiện nay thì những nghĩa cử, hành động của họ vô cùng ý nghĩa, đáng trân quý./.

Mỗi tình nguyện viên là một câu chuyện, một hoàn cảnh nhưng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang phức tạp như hiện nay thì những nghĩa cử, hành động của họ vô cùng ý nghĩa, đáng trân quý.

Trà Long

Chia sẻ bài viết