Những điều cần biết trước khi bổ sung vitamin trong thời kì mang thai
Mặc dù bổ sung vitamin trước sinh là một việc làm quen thuộc của nhiều người. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết hiểu rõ về việc này.
Folate giúp ngăn ngừa dị tật bẩm sinh: Một trong những chất dinh dưỡng quan trọng nhất trong vitamin được gọi là folate, hay còn được gọi là axit folic hoặc vitamin B9. Folate giúp cơ thể tạo ra DNA, tăng cường chức năng của não, và đóng một vai trò trong sự phát triển của tế bào. Đối với phụ nữ mang thai, nó có thể giúp làm giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh liên quan đến não và tủy sống của thai nhi.
Sắt là một khoáng chất cần thiết để xây dựng các tế bào hồng cầu giúp vận chuyển oxy trong cơ thể. Sự thiếu sắt được gọi là thiếu máu và là tình trạng phổ biến đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Thiếu máu phổ biến hơn trong thai kỳ vì nhu cầu sắt tăng từ 18mg mỗi ngày lên 27mg mỗi ngày. Phụ nữ cần thêm chất sắt để giúp xây dựng các tế bào hồng cầu cho cả bản thân và em bé.
Canxi xây dựng xương chắc khỏe cho mẹ và bé: Các vitamin được bổ sung trước khi sinh cũng có chứa canxi, khoáng chất quan trọng cho việc xây dựng xương. Canxi cũng được sử dụng để duy trì thần kinh khỏe mạnh, kích thích tố và giúp cơ bắp chắc khỏe. Đáng ngạc nhiên là nhu cầu canxi không tăng trong thời kỳ mang thai; chúng luôn ở mức 1000 mg/ngày cho cả phụ nữ có thai và không mang thai bởi vì cơ thể hấp thụ canxi nhiều hơn từ thực phẩm trong thời kỳ mang thai.
DHA tăng cường trí não của bé: DHA là một loại acid béo Omega-3 đóng vai trò rất quan trọng trong sự hình thành lớp màng tế bào thần kinh, thị giác, chất xám trong não bộ của trẻ. Thiếu DHA trong giai đoạn phát triển đầu đời của trẻ có thể khiến cho trẻ phải đối mặt với nguy cơ chậm phát triển trí tuệ, kém thông minh, miễn dịch suy giảm…
Có thể làm giảm nguy cơ biến chứng khi mang thai: Bổ sung vitamin trước sinh không chỉ giúp giảm thiểu nguy cơ bị dị tật bẩm sinh, chúng cũng có thể giúp làm giảm nguy cơ nhiều biến chứng liên quan đến thai nghén, chẳng hạn như sinh non và sinh con nhẹ cân.
Giúp bảo vệ sức khoẻ của mẹ: Một khi phụ nữ mang thai, cơ thể có xu hướng ưu tiên dinh dưỡng đối với sự phát triển của em bé. Điều này có nghĩa là ngay cả khi một bà mẹ có chế độ ăn ít hơn lý tưởng vẫn có thể sinh con khỏe mạnh. Nhưng điều này cũng có nghĩa là tình trạng dinh dưỡng của người mẹ có thể bị ảnh hưởng nếu không có đủ vitamin và khoáng chất để hỗ trợ cả hai.
Tăng cường dinh dưỡng trong thời kỳ cho con bú: Ngay cả sau khi đứa trẻ chào đời, chế độ ăn uống của một người mẹ cho con bú vẫn còn rất quan trọng. Nhu cầu dinh dưỡng thực sự tăng lên trong thời kỳ cho con bú, khi so sánh với thời kỳ mang thai. Các bà mẹ cho con bú sữa mẹ cần sắt, canxi và vitamin C nhiều hơn phụ nữ có thai. Họ cũng cần uống nhiều nước hơn và ăn nhiều calo hơn để giúp sản xuất đủ sữa cho trẻ đang phát triển.
Có thể gây khó chịu về tiêu hóa: Nôn mửa và ốm nghén xuất hiện trong thời kỳ mang thai đôi khi có thể trở nên tồi tệ hơn do lượng chất sắt cao và một số vitamin B được dùng trước khi sinh. Ngoài buồn nôn, sắt cũng có thể gây táo bón.
Vitamin không giúp tóc và móng phát triển: Có nhiều người tin rằng uống vitamin trước khi sinh sẽ giúp tóc và móng của bạn phát triển. Thực tế là nhiều phụ nữ cảm thấy tóc và móng của mình mọc nhanh hơn, nhưng điều này liên quan đến hormone khi mang thai chứ không phải vitamin.
Nếu bạn không cần vitamin thì không cần bổ sung: Các vitamin dùng trước sinh có lượng vitamin và khoáng chất cao hơn mức cần thiết cho một người bình thường. Những chất dinh dưỡng này nếu uống trong một khoảng thời gian dài với liều cao có thể dẫn đến độc tính. Ví dụ, nếu cơ thể bạn không cần một lượng lớn chất sắt, nhưng bạn vẫn uống, theo thời gian có thể dẫn tới ngộ độc sắt. Bạn có thể tìm một loại chất bổ sung đa năng dành cho phụ nữ mang thai, giúp cân bằng các chất cơ thể cần và đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng./.
VOV.VN (Theo Boldsky)
- 3 triệu chứng tiêu hóa cảnh báo cơ thể thiếu chất kẽm (17/01)
- 5 dấu hiệu cần sớm đi khám tuyến giáp (16/01)
- Cơn đau do mắc bệnh thận - tiết niệu biểu hiện ra sao? (14/01)
- Việt Nam sẽ thực hiện ghép dương vật (14/01)
- Rau bợ - từ cây dại đến sản phẩm hỗ trợ sức khỏe (13/01)
- 4 nơi cần cẩn thận vì dễ lây nhiễm cảm cúm (13/01)
- WHO: 66 ca tử vong vì bệnh đậu mùa khỉ tại châu Phi trong năm 2024 (12/01)
- Phấn đấu tiếp nhận 1,85 triệu đơn vị máu trong năm 2025 (11/01)