Khủng long bạo chúa sống ở nơi hiện nay là Tây Bắc Mỹ vào cuối kỷ Phấn trắng (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Carnegie)
Trong thời kỳ cuối của kỷ nguyên khủng long ở Bắc Mỹ, Tyrannosaurus rex nổi bật như một kẻ thống trị tối cao, là một trong những kẻ săn mồi trên cạn lớn nhất trong lịch sử Trái Đất.
Nhưng không chỉ có T. rex là “ông hoàng” của khu rừng thời tiền sử, bên cạnh nó còn có những loài chim săn mồi cổ đại, những kẻ săn mồi bí ẩn đã tồn tại và phát triển theo cách riêng của chúng.
Mới đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện hai loài chim mới từ kỷ Phấn Trắng tại Montana, có niên đại khoảng 67 triệu năm trước.
Những loài chim này không chỉ có hình dạng đặc biệt mà còn sở hữu các đặc điểm giải phẫu tương tự như những loài chim săn mồi hiện đại như diều hâu, cú và đại bàng. Với cấu trúc chân hoàn hảo để bắt giữ và mang theo con mồi, chúng hứa hẹn sẽ mang lại cho giới khoa học những góc nhìn mới mẻ về sự sống thời kỳ đó.
Hóa thạch của hai loài chim này được tìm thấy trong cùng một lớp đá Hell Creek - nơi đã từng phát lộ hóa thạch của nhiều loài khủng long nổi tiếng như T. rex và Triceratops. Điều thú vị là cả hai loài này chỉ được biết đến qua một phần xương chân gọi là tarsometatarsus - xương nối giữa mắt cá chân và các ngón chân.
Loài lớn hơn, mang tên Avisaurus darwini, có thể đạt kích thước tương đương một con diều hâu lớn, với sải cánh khoảng 1,3 mét, trong khi loài nhỏ hơn thuộc chi Avisaurus vẫn chưa được đặt tên.
Theo ông Alex Clark, nghiên cứu sinh Tiến sỹ tại Đại học Chicago (Mỹ), sự tương đồng của phần xương tarsometatarsus với các loài chim săn mồi hiện đại “gợi ý rằng chúng có thể hoạt động tương tự và sống trong một hệ sinh thái giống như những gì chúng ta thấy hôm nay.”
Ông cũng cho rằng: “Chúng có thể đã săn những động vật nhỏ có vú, thằn lằn và thậm chí là các loài chim khác, giống như cách mà loài diều hâu hiện nay săn mồi.”
Xuất hiện từ khoảng 150 triệu năm trước, những loài chim đầu tiên đã phát triển từ những con khủng long nhỏ có lông. Hai loài mới này thuộc nhóm enantiornithines, một trong 4 nhóm chim chính sống trong kỷ nguyên khủng long, nhưng đã tuyệt chủng sau sự kiện va chạm thiên thạch 66 triệu năm trước, khiến nhiều loài khủng long biến mất.
Mặc dù không phải là tổ tiên của bất kỳ loài chim nào còn sống, nhưng những loài chim săn mồi này đã phát triển các đặc điểm giải phẫu tương tự. Ông Clark cho biết: “Hình thái của một động vật săn mồi có thể đã tiến hóa nhiều lần.”
Trước đây, những loài chim săn mồi cổ đại được biết đến chỉ xuất hiện hàng triệu năm sau kỷ Đệ Tứ, khi khủng long đã tàn lụi và động vật có vú bắt đầu trỗi dậy. Các hóa thạch không hoàn chỉnh của Avisaurus vẫn để lại nhiều câu hỏi về hình dạng và đặc điểm của chúng.
Một điểm đáng chú ý trên tarsometatarsus là vị trí cơ bắp mạnh mẽ, tương tự như ở diều hâu và cú, cho thấy động vật này sở hữu cơ bắp chân mạnh mẽ và bàn chân có khả năng nắm bắt con mồi lớn. Hơn nữa, các rãnh trên tarsometatarsus, được gọi là trochlea, chứng tỏ sức mạnh của các ngón chân, một đặc điểm quan trọng giúp chúng khống chế con mồi trong quá trình bay.
Ngoài hai loài chim này, các nhà nghiên cứu còn phát hiện một loài chim mới thứ ba - loài Magnusavis ekalakaensis. Tuy nhiên, loài chim này vẫn đang là một ẩn số với giới khoa học.
Những phát hiện nói trên không chỉ làm phong phú thêm hiểu biết về hệ sinh thái vào thời kỳ cuối của kỷ nguyên khủng long mà còn giúp lấp đầy những khoảng trống trong kiến thức về sự tiến hóa của chim trong giai đoạn quan trọng này của sự sống trên Trái Đất.
Ông Clark khẳng định: “Một hệ sinh thái phong phú đủ sức nuôi dưỡng cả kẻ thống trị như T. rex lẫn các loài chim săn mồi đã phản ánh sự đa dạng động vật có xương sống của thời kỳ này”./.
Theo Vietnam+
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/nhung-ke-san-moi-bi-an-trong-ky-nguyen-cua-khung-long-post982829.vnp