Tiếng Việt | English

24/11/2016 - 16:21

Những khu chợ “trong mơ” đang chờ

Dù cho hệ thống siêu thị phát triển thì thói quen đi chợ của người dân vẫn khó có thể thay đổi. Vì vậy, bên cạnh truyền thống lâu đời, chợ có những nhược điểm cần phải khắc phục nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng chợ văn minh, vệ sinh, an toàn thực phẩm (VSATTP), đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.


Người dân vẫn thích đi chợ truyền thống vì không khí ồn ào đặc trưng

“Lăn tăn” chuyện đi chợ…

Chị Nguyễn Thanh Thủy, ở xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An cho biết: “Ở đây không có siêu thị, nếu có, chắc tôi sẽ chọn siêu thị để mua sắm chứ không phải là chợ!”. Theo chị Thủy, các sản phẩm bán trong siêu thị có nguồn gốc, xuất xứ, giá cả được niêm yết rõ ràng nên chị yên tâm hơn. Còn ở chợ, các mặt hàng không xác định nguồn gốc; giá cả tiểu thương có thể nâng lên, hạ xuống tùy theo “sở thích”, “tâm trạng”. Chị nói: “Đi chợ lúc nào cũng phải trả giá, tôi không thoải mái vì không chắc thứ mình mua có được bán đúng giá hay không?”.

Cùng suy nghĩ với chị Thủy là chị Nguyễn Ngọc Quyên, ở thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành. Dù nhà cách TP.Tân An khá xa nhưng cuối tuần, chị Quyên luôn dành thời gian đến Siêu thị Co.opMart tại TP.Tân An mua thực phẩm, vật dụng cần thiết cho gia đình. Chị cho biết: “Có quá nhiều thông tin về thực phẩm không an toàn khiến tôi cảm thấy sợ. Tôi chọn mua thực phẩm trong siêu thị vì rõ nguồn gốc hơn ở chợ”.

Không chỉ là vấn đề về nguồn gốc thực phẩm và giá cả, thái độ người bán hàng ở chợ cũng là một trong những lý do khiến người đi chợ e ngại. Chị Đỗ Thị Bích Huyền, ở xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc cho biết: “Tôi thường đi chợ tại khu vực Công ty TNHH Giày FuLuh. Có những ngày đi chợ, gặp phải người bán hàng có thái độ cau có, vừa không lựa được sản phẩm như ý, có khi còn bị mắng, tôi rất khó chịu!”. Còn bà Huỳnh Thị Nỉ, ở xã Đức Tân, huyện Tân Trụ cho rằng, việc các quầy hàng rau, củ, cá, thịt được bày bán lẫn lộn trong chợ gây rất nhiều khó khăn cho việc lựa thực phẩm an toàn.

Chuyện buôn bán hàng rong, lấn chiếm lòng, lề đường cũng là vấn đề đáng quan tâm. Chị Bích Huyền chia sẻ: “Những ngày cuối tuần, hầu như lúc nào chợ cũng “kẹt cứng” vì nhiều người bán hàng rong, người mua, bán đậu xe chật kín lòng, lề đường”. Đó là một trong những vấn đề “đau đầu” của các ngành chức năng mà các khu chợ tự phát gây ra. Có mặt tại chợ Bắc Đông, huyện Thủ Thừa vào một buổi sáng, chúng tôi thấy hầu hết các phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 62 khi đến đoạn này đều phải giảm tốc độ tối đa vì kẻ mua, người bán tràn cả ra lòng đường, trong khi nhà lồng chợ lại tương đối vắng vẻ. Các hàng bán rau, củ, quả, quần áo,... bày sát vỉa hè, người mua hàng vô tư dựng xe trên lòng đường chọn lựa hàng hóa khiến diện tích lòng đường bị thu hẹp, các phương tiện qua lại khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Được biết, chợ Bắc Đông thuộc địa phận xã Mỹ An, được quy hoạch, nhà lồng chợ được đầu tư nâng cấp. Tuy nhiên, tiểu thương lại không vào nhà lồng mà tập trung buôn bán 2 bên Quốc lộ 62 làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông khu vực này. Chính quyền, đoàn thể xã Mỹ An tăng cường tuyên truyền cũng như duy trì lực lượng thường xuyên kiểm tra, ổn định trật tự nhưng vẫn chưa giải quyết được triệt để tình trạng trên.

Vấn đề vệ sinh môi trường tại chợ cũng là một trong điều đáng lưu tâm. Tại hầu hết các chợ, khu vực bán hàng tươi sống đều khá hỗn tạp, mất vệ sinh. Có mặt tại khu vực hàng tươi sống chợ Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, chúng tôi thấy lươn, cá sống được bày trong các thau nhỏ đặt bên lề đường, bông điên điển, hẹ nước tươi bày bên cạnh, ngay phía dưới là lồng chuột đồng. Khi có người mua, tiểu thương làm cá và chuột tại chỗ, ngay trên nền đất, nước thải chảy tràn ra đường bốc mùi tanh hôi. Đó cũng là tình trạng khá quen thuộc tại các khu chợ tươi sống.

Đặc biệt, đối với chợ tạm, chợ tự phát, tình trạng mất vệ sinh còn tồi tệ hơn vì chưa được đầu tư kết cấu hạ tầng đầy đủ, diện tích mua, bán hẹp và người ra vào đông đúc. Theo Sở Công Thương, tiểu thương chợ tự phát thường khai thác tâm lý mua hàng hóa rẻ, tiện lợi mà không quan tâm đến VSATTP của công nhân và người dân nên cung cấp các dịch vụ mua bán ngay lề đường, trước cổng công ty. Từ đó, ảnh hưởng đến giao thông, vệ sinh môi trường; an toàn thực phẩm cũng không được bảo đảm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, thậm chí có thể xảy ra ngộ độc thực phẩm.


Nhiều người dân thích đi chợ truyền thống

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 135 chợ nằm trong quy hoạch, trong đó có 52 chợ kiên cố, 48 chợ bán kiên cố. Đó là nền tảng ban đầu để lựa chọn và xây dựng chợ bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong tương lai. Từ năm 2013-2016, toàn tỉnh xây mới 31 chợ, nâng cấp, mở rộng 33 chợ với tổng kinh phí trên 200 tỉ đồng.

Hướng tới xây dựng chợ an toàn

Trước những thực trạng nêu trên, UBND tỉnh có Quyết định về việc phê duyệt Dự án Mô hình chợ thí điểm bảo đảm VSATTP trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các khu chợ thí điểm phải đạt một số tiêu chí nhất định về: Doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại chợ, hàng hóa kinh doanh tại chợ, cơ sở vật chất, trang thiết bị của thương nhân và công tác quản lý, giám sát của đơn vị quản lý chợ. Các tiêu chí được quy định cụ thể, chi tiết nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, bán đúng giá, sản phẩm đúng số lượng, chất lượng,... nhằm đạt sự hài lòng cao nhất nơi người dân khi đi chợ.

Theo kế hoạch, mỗi năm, tỉnh chọn một số chợ để thực hiện thí điểm mô hình, từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng theo lộ trình định sẵn. Để xây dựng thành công chợ bảo đảm VSATTP, điều thiết yếu là chợ phải nằm trong quy hoạch của địa phương, có khu kinh doanh hàng thực phẩm riêng biệt, có đăng ký kinh doanh, có ban quản lý chợ,...

Việc nâng cấp và xây mới chợ khắc phục được những nhược điểm của chợ truyền thống, góp phần phục vụ người dân tốt hơn. Như chị Nguyễn Thanh Thủy nhận xét, chợ Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng từ khi được xây mới phần nào giải quyết được vấn đề vệ sinh môi trường vì được trang bị thùng rác, nhà vệ sinh, khu vực giữ xe; vỉa hè cũng không còn bị lấn chiếm như trước nên chị yên tâm hơn khi đi chợ. Đó cũng là nhận xét của đa số người dân và tiểu thương khu vực chợ Thanh Phú Long, xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành. Vừa được xây mới, đưa vào hoạt động trong năm 2016, chợ Thanh Phú Long khắc phục nhược điểm chật hẹp, kém vệ sinh của chợ cũ. Nhờ sự tuyên truyền, vận động của chính quyền, đoàn thể địa phương, tiểu thương nhanh chóng vào kinh doanh trong chợ. Chợ được đánh giá hoạt động hiệu quả.

Chính quyền địa phương cũng chính là nhân tố quan trọng trong tiến trình xây dựng chợ bảo đảm VSATTP. Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương - Phạm Văn Minh cho biết, tuyên truyền, vận động chính là “chìa khóa” để các hộ kinh doanh tại chợ tuân thủ những quy định, tiêu chí xây dựng chợ VSATTP. Nếu các tiểu thương không có ý thức thì tiến trình đi đến chợ bảo đảm VSATTP sẽ rất khó khăn.

Để xây dựng thành công chợ bảo đảm VSATTP, đòi hỏi các tiểu thương phải kinh doanh đúng mặt hàng được đăng ký kinh doanh, chủ động giữ gìn và tuân thủ quy định bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm khi kinh doanh tại chợ. Đó cũng là mong muốn của các bà nội trợ. Bà Huỳnh Thị Nỉ cho biết: “Tôi mong muốn chợ có từng khu vực bán hàng riêng biệt, rau, củ, thịt, cá, thực phẩm chế biến sẵn mỗi loại một khu riêng. Như vậy vừa dễ mua, vừa bảo đảm vệ sinh”.

Xác định nguồn gốc các mặt hàng thực phẩm chủ yếu đang mua bán trong chợ cũng là một trong những tiêu chí bắt buộc mà chợ bảo đảm VSATTP phải đạt. Ông Phạm Văn Minh cho biết, điều đó là không dễ. Tuy nhiên, tỉnh cố gắng thực hiện trong tương lai, thông qua chương trình phối hợp giữa Sở Công Thương Long An và Sở Công Thương TP.HCM, dần hình thành chuỗi thực phẩm an toàn từ “sản xuất đến bàn ăn”.

Các tiêu chí về cân đo hàng hóa và niêm yết giá cũng được quy định cụ thể trong kế hoạch xây dựng chợ bảo đảm VSATTP. Từ đó, giải quyết triệt để những lo ngại của người tiêu dùng khi đi chợ truyền thống. Hiện tại, tại các chợ kiên cố, bán kiên cố trên địa bàn tỉnh đều được trang bị “cân đối chứng”, đây là một nỗ lực giúp việc cân đo hàng hóa được minh bạch và rõ ràng hơn.

Dù cho hệ thống siêu thị có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước nhưng ở vùng sâu, vùng xa và trong tiềm thức của hầu hết người dân nói chung đều thích được đi chợ truyền thống. Chị Đỗ Thị Bích Huyền nhận xét: “Nếu chợ được quy hoạch lại, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, kiểm tra tốt vấn đề an toàn thực phẩm, tôi sẽ ưu tiên chọn đi chợ để chuẩn bị bữa ăn cho gia đình”./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết