Chợ nhếch nhác mất vệ sinh
Chợ giống như cái " bùi nhùi"
Theo ghi nhận của chúng tôi, tình hình hoạt động của các chợ trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập. Hầu hết các chợ đều gặp tình trạng xây xong không khai thác hết mặt bằng, công năng; tiểu thương không vào bán hết ở trong chợ mà bày bán lung tung, không cố định dọc theo lề đường, lòng đường, ngoài nhà lồng chợ, trông rất lộn xộn, mất vẻ mỹ quan, không bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm và gây ô nhiễm môi trường.
Trưởng ban Quản lý chợ Tân An, TP.Tân An - Nguyễn Văn Luông cho biết: “Chợ phường 2, TP.Tân An được thành lập tháng 7/2010, với 650 gian hàng. Đến nay, còn 127 gian hàng bỏ trống. Một số tiểu thương sang quầy hàng cho người khác hoặc bỏ trống rồi sang chợ Lê Văn Tao hoặc lề đường ngoài nhà lồng chợ để buôn bán. Toàn chợ có khoảng 1.100 hộ kinh doanh cố định và không cố định, trong đó có từ 400-500 tiểu thương bày bán lung tung, tự phát dọc theo lề đường ngoài nhà lồng chợ."
Tiểu thương chợ Tân An vứt rác giữa đường
Theo số liệu thống kê của Phòng Thương mại Sở Công Thương Long An, toàn tỉnh hiện có 133 chợ, trong đó, 49 chợ được xây kiên cố, 44 chợ bán kiên cố và 40 chợ tạm. Năm 2014, có 4 chợ được nâng cấp, cải tạo theo dự án Lifsap. Từ năm 2015 đến nay, có 8 chợ được xây mới với kinh phí trên 8 tỉ đồng; trong đó có 2 chợ do doanh nghiệp đầu tư với kinh phí trên 1,4 tỉ đồng. Tổng số tiểu thương kinh doanh cố định tại các chợ trên địa bàn tỉnh trên 11.000 người. Hàng hóa lưu thông qua các chợ chủ yếu là hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm và các loại nông sản. |
Ngoài chợ Tân An thì chợ Bến Lức, huyện Bến Lức cũng gặp phải tình trạng tương tự. Được biết, chợ Bến Lức được thành lập từ năm 1989. Bao năm qua, chợ vẫn kinh doanh lộn xộn các ngành hàng và đang trong tình trạng chợ tự phát dần “bóp chết” chợ truyền thống.
Trưởng ban Quản lý chợ Bến Lức - Lê Hà Hoàng Danh cho biết: “Hoạt động buôn bán ngoài lề đường xung quanh nhà lồng chợ gây cản trở giao thông, mất vệ sinh và chưa được kiểm tra về an toàn thực phẩm. Nguồn gốc thịt, cá, rau, củ, quả đều chưa rõ ràng, chưa được kiểm định. Đôi khi, người dân tự giết mổ gia súc, gia cầm và đem ra bán. Các tiểu thương này do chính quyền địa phương quản lý chứ Ban Quản lý chợ không có thẩm quyền."
Chị Trần Thị Thanh T., tiểu thương chợ Tân An cho biết: “Bán ở trong nhà lồng chợ sạch sẽ, mát mẻ, ai lại không muốn! Nguyên nhân khiến tiểu thương chúng tôi buôn bán dọc lề đường là do không có tiền để sang các gian hàng. Khi sang gian hàng còn phải đóng thuế cao hơn so với ngồi bán lề đường nên chúng tôi đành chọn cách bán như thế này”.
Còn anh Nguyễn Hồng Sơn, người dân khu phố 5, thị trấn Bến Lức cho biết: “Chợ ở đây chưa bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là các quầy ăn uống như cơm, hủ tiếu, chè gần với quầy thịt tươi sống. Một số hộ bán ở lề đường để rau, củ, quả, đồ ăn, thức uống dưới đất rất mất vệ sinh. Trời mưa nếu đi chợ thì nước đọng, chất bẩn làm dính hết cả xe cộ, quần áo. Chợ ở đây nhìn giống như cái “bùi nhùi”, rất lộn xộn. Tôi mong muốn làm sao tiểu thương buôn bán có trật tự, ngăn nắp để người dân đến mua sắm dễ dàng hơn”.
Ý thức giữ gìn vệ sinh của tiểu thương còn kém
Giải pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm tại chợ
Trưởng ban Quản lý chợ Tân An, TP.Tân An - Nguyễn Văn Luông cho biết: “Để bảo đảm an toàn thực phẩm, thời gian qua, Ban Quản lý chợ phối hợp Phòng Kinh tế TP.Tân An tổ chức Hội thi kiến thức an toàn thực phẩm cho 50 tiểu thương, sắp tới sẽ tổ chức cho 20 tiểu thương dự thi. Sau khi dự thi, các tiểu thương thi đậu sẽ được cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm (thời hạn 3 năm) để kinh doanh."
"Về sắp xếp chợ bày bán theo gian hàng và giải quyết dứt điểm việc tiểu thương buôn bán dọc theo lề đường, lòng đường là vấn đề nan giải. Vì họ cho rằng, bán theo gian hàng rất khó, bởi người dân có tập quán mua bán nhanh, gọn. Chợ cá hiện bị ô nhiễm do hệ thống thoát nước xuống cấp nên nước bị đọng một số nơi trong chợ. Hiện UBND thành phố có chủ trương cải tạo hệ thống khu vực chợ cá nhằm bảo đảm vệ sinh khu vực này”. - Ông Nguyễn Văn Luông cho biết thêm.
Phó Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Xuân Hồng cho biết: “Hiện tại, Sở Công Thương phối hợp các huyện lập dự án quy hoạch chợ, siêu thị và các trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Tiến tới, xóa bỏ chợ tạm, chợ tự phát. Trước mắt, cần tích cực kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển chợ, siêu thị, các cửa hàng tiện ích nhằm chia sẻ mạng lưới phục vụ tiêu dùng, hạn chế tình trạng chợ tự phát, buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường gây mất vệ sinh, không bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn giao thông."./.
Ngọc Mận