Tiếng Việt | English

05/10/2017 - 03:35

Những mảng ghép Đồng Tháp Mười mùa lũ

Lũ về chưa đẹp? Buổi chiều. Tôi ghé thăm ông Hai Đồng (Nguyễn Thành Đồng - nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Mộc Hóa - cũ) ở thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An.

Mới ngồi vào bàn trà, tôi ngẫu hứng mấy câu: “Cảm ơn lũ đẹp đã về/Kiến Tường, Mộc Hóa bốn bề nước dâng/Cảm ơn sông mẹ Mê Kông/Rót phù sa - đất Chín Rồng nở hoa/Ruộng gần cho tới đồng xa/Nghe sao ngọt giọng dân ca Tháp Mười/Em kêu lũ đẹp là vui/Mấy năm vắng lũ nụ cười héo hon/Bông sen nhoẻn nụ cười tròn/Vẫy bông điên điển vàng thơm đương mùa/Cá linh thèm nấu canh chua/Nướng trui cá lóc cho vừa miếng ngon”...

Bất chợt, ông Hai Đồng bật cười to: “Thiệt... khéo tưởng tượng! Năm nay, lũ có về sớm bất ngờ, nhưng chỉ mấy ngày đầu, lũ ào xuống đột ngột làm một số nơi bị thiệt hại vì gặt lúa chạy lũ không kịp. Rồi từ đó đến giờ, lũ xuống chậm, nhiều nơi ở Đồng Tháp Mười (ĐTM), ruộng còn bày bờ, trâu, bò còn xuống ruộng gặm cỏ”.

Lũ cũng đánh giặc. Nhân nói đến lũ ĐTM, ông Hai Đồng như dâng lên nhiều cảm xúc. Dù quá tuổi cổ lai hy, ông vẫn còn nhớ thời tuổi trẻ chiến chinh của mình. Ông nói, ĐTM là “nửa mùa nắng cháy, nửa mùa nước dâng”.

Thời chống Mỹ, đoạn đường từ Mộc Hóa đến Tân Thạnh có bao xa mà địch xây tới 9 cây cầu; ở mỗi đầu cầu, chúng đều xây đồn bót kiên cố để lập “phòng tuyến thép” nhằm ngăn cản ta chuyển xuống ĐTM để tràn vào vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hồi đó, lực lượng Công binh địa phương của ta còn khá mỏng, trong đó có Trung đội Đặc công công binh do Hai Đồng, chưa tới 20 tuổi, chỉ huy chỉ vỏn vẹn có 30 người.

“Tụi tui đánh nhau với địch tính hết tới mấy trăm trận lớn, nhỏ cho đến ngày giải phóng” - ông nói; rồi kể: Năm 1966, lũ tràn ĐTM. Tôi là Xã đội trưởng xã Tân Lập, chỉ huy 6 chiến sĩ của trung đội đánh với 2 đại đội địch với hơn 100 tên càn vô căn cứ Bình Hòa. 6 chiến sĩ nhờ có trang bị thêm 1 trung liên và 1 súng garant (chiến lợi phẩm lấy của Mỹ) nên nhả đạn rất có uy lực.

Lúc địch hung hăng áp tới gần, tôi lấy nhánh cây cột lá cờ Mặt trận giương lên, hô xung phong, tức thì, viên chỉ huy địch hét lớn: “Việt cộng có quân chủ lực!” và hắn khoác tay ra lệnh cho đám thuyền bay quay đầu rút chạy tán loạn trên đồng nước”.

Đến gần cuối mùa lũ năm ấy, trung đội Hai Đồng kéo về đóng trên gò Tân Mai nằm trên đất 2 xã Tân Thành và Bình Phong Thạnh, một nửa gò nằm bên Việt Nam, một nửa gò nằm bên đất bạn Campuchia.

Trước đó, dân lùa trâu, bò, đưa cả thóc lúa lên gò, che lều trú lũ. Địch vẫn dùng thuyền bay bay ào ào trên mặt nước, qua các bờ ruộng. Người dân ra giăng câu, thả lưới thấy vậy bỏ chạy tán loạn; đám thuyền bay địch đuổi nà theo bắn xối xả khiến nhiều người dân vô tội gục ngã trên xuồng, trên đồng nước.

Trung đội ta nhờ có các bao lúa của dân đem kê thành công sự, thành pháo đài, chiếm được ưu thế trên gò cao, nên cứ nhắm thẳng địch mà bắn chắc cú. Địch ở dưới thuyền giữa đồng nước trống trải nên khó tránh đạn, nhiều thuyền bay trúng đạn chìm, bọn địch bị thương bơi loi ngoi lóp ngóp, kêu cứu inh ỏi rồi chết chìm cả lũ.

Viên chỉ huy địch thêm một phen thất thần, kêu: “Việt cộng đông quá. Rút!”. Cả đám thuyền bay cùng quay đầu rút chạy hoảng loạn trên đồng lũ, mặc dù trung đội của Hai Đồng chỉ có 3 tay súng xông ra đánh địch.

Ông Nguyễn Thành Đồng với thú chơi hoa lan để di dưỡng tuổi già

Kể hết câu chuyện, ông Hai Đồng gật gù tâm đắc: “Cuộc đời trận mạc của tôi đánh địch trên trăm trận, nhưng chỉ 2 trận mùa lũ năm 1966 làm tui nhớ nhất”.

Yên ổn trong lòng nôi thị xã. Tôi và anh bạn ở Báo Nông Thôn Ngày Nay nghỉ đêm ở nhà khách thị xã Kiến Tường. Cũng tại đây, mùa lũ năm 2000, tôi và anh ngủ một đêm sáng dậy thấy cảnh tượng thật kinh dị: Các nẻo đường nội, ngoại ô, cây đổ ngổn ngang, ghe xuồng chen chúc nhau lách qua xác cây mà đi. Đường 30/4 lên khu Núi Đất, trẻ con dùng thau nhựa làm thuyền bơi, giỡn nhau chí chóe. Ở các tàn cây cao, người ta treo những lều nylon như chuồng cu để bán cà phê; dân ghiền cà phê đi xuồng lên đó nhâm nhi chất đắng. Chuyện ấy bây giờ thành... cổ tích rồi!

Mùa lũ này, giữa hạ tuần tháng 9, thị xã Kiến Tường vẫn khô ráo. Buổi tối ở Công viên 30/4 với những dụng cụ tập thể dục công cộng thu hút nam nữ, cả trẻ lẫn già, đến tập thật đông vui. Nhìn ra vòng đê bao kiên cố vượt đỉnh lũ khá xa, tôi chắc, lũ hiện thời khó thể lăm le đe dọa ai được.

Gặp các cụ lão nông khu 8 - Theo con lộ nhựa chạy cặp kinh Bắc Chan qua xã Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường. Qua bên kia kinh Bắc Chan, gặp con lộ đal chạy ra bờ kinh Ốp, ấp Bình Tây, xã Tuyên Thạnh, chúng tôi đến nhà anh Mười - nguyên cán bộ ngành Công an, nghỉ hưu về sống lại nghề nông. Vợ anh đang làm 2 con cá lóc rõ to. Hỏi cá lóc bắt ở đâu, chị nói, cháu nó câu ở Mộc Hóa đem về. Ở Mộc Hóa, lũ đến sớm hơn và lớn hơn ở đây.

Ở đây là gò Bắc Chan, lũ còn thấp lắm! Anh Mười đưa chúng tôi sang ngôi nhà vừa tole, vừa lá cũ kỹ, xụp xệ, bảo nhà ông nội anh - cụ Nguyễn Văn Bửu để lại. Ngôi nhà này Bộ Tư lệnh (BTL) - lúc đó gọi Tổng hành dinh Khu 8 - do tướng Trần Văn Trà làm Tư lệnh vào những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám. Giặc Pháp đánh hơi biết được BTL Khu 8 đóng ở đây nên chúng tập trung đánh bom, đánh pháo liên tục xuống ngôi nhà này, có năm, ông nội anh phải cất đi, cất lại nhà 2-3 lần.

Ngôi nhà cụ Nguyễn Văn Bửu ở ấp Bình Tây, xã Tuyên Thạnh(thị xã Kiến Tường), nơi Bộ Tư lệnh Khu 8 đóng, rất cần làm nhà lưu niệm hoặc bia lưu niệm Bộ Tư lệnh Khu 8 ngay tại đây

Trở về nhà anh Mười, thấy có nhiều khách. Anh Mười giới thiệu người tên Nguyễn Văn Tắc, 93 tuổi; người tên Nguyễn Văn Tôi, 83 tuổi - đều là anh ruột của anh Mười. Người nữa là ông Hà Văn Sóc, 82 tuổi. Cả 3 ông đều tham gia cách mạng suốt “thời 9 năm” đến thời hòa bình. Ông Nguyễn Văn Tắc vừa được Tỉnh ủy trao tặng Huy hiệu 65 tuổi Đảng.

Các cụ cao niên thay nhau kể chuyện BTL Khu 8 và Tư lệnh Trần Văn Trà (lúc đó mới 27 tuổi) cùng các vị chỉ huy khác ở trong nhà của cụ Nguyễn Văn Bửu. Xung quanh Khu 8 còn có các cơ sở: Nhà in bạc Cụ Hồ, Xưởng sửa chữa và chế tạo vũ khí thô sơ, Trạm quân y quân khu,...

Ông Tắc kể: Hồi đó, các cơ quan của Khu 8 chỉ đóng ở nhà dân chớ không cất trụ sở riêng. Nhà dân thì nằm tản mác trong đồng bưng cây cối rậm rạp; đường đi bộ chỉ có bờ ruộng hoặc đường xuồng qua các kênh, rạch xẻo chằng chịt. Năm 1948, Tiểu đoàn 308 tập kết ở đám tràm ông Võ Văn Trượng - đám tràm lớn lắm, cách đây chừng 100 thước, để đánh trận Mộc Hóa. Ông Tắc lúc đó mới 13 tuổi, mặc quần xà lỏn chạy lên coi 2 bên đánh nhau từ đêm hôm trước tới rạng ngày hôm sau 17/8/1948. Xáp trận có thổi kèn Tây thúc quân.

Tới đây, bất chợt có một người đàn ông luống tuổi bước vào. Anh Mười giới thiệu đó là ông Hà Văn Nứa - nguyên Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mộc Hóa (cũ) nghỉ hưu.

Ông Nứa tỏ vẻ bức xúc: Bà con vùng này đều muốn có nhà lưu niệm BTL Khu 8 tại nhà cụ Nguyễn Văn Bửu mà hồi đó kêu bằng Tổng hành dinh Khu 8, để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ sau này. Rồi ông kể, sau ngày giải phóng, Thượng tướng Trần Văn Trà (ông gọi “chú Trà”) - có về thăm lại căn cứ BTL Khu 8 được 2 lần, lần nào ông Nứa cũng tiếp và báo cáo mọi việc ở địa phương cho “chú Trà” nghe và lần nào “chú Trà” cũng đòi về đây để thăm hỏi các gia đình có người thân từng cưu mang Khu 8. Tướng Trà kể lại từng kỷ niệm đẹp - dù lớn, dù nhỏ - ở nơi BTL Khu 8 đóng.

Thượng tướng nhớ từ chuyện đập lúa ma bằng xuồng có cà rèm; nhớ từng bữa cơm lúa ma người dân nuôi cách mạng. Nhóm bếp thì dùng 2 miểng sành hoặc 2 cục đá quẹt cho nháng lửa vào bùi nhùi, chứ đâu có quẹt gas như bây giờ!

Thượng tướng còn kể lại từng bữa ăn thiếu muối, phải nhổ cây dền gai phơi khô, đốt lấy tro có vị mằn mặn thay muối. Vị tướng quân cũng nhớ từng miếng mắm sống cá linh, cá rô ăn với khoai mì luộc,... Ông cho mời các cụ cao niên là nhân chứng thời ấy còn sống, để mình gặp và cùng ôn lại kỷ niệm xưa,... “Bây giờ, bà con mình ở đây làm lúa chất lượng cao, làm thủy lợi kết hợp đường giao thông nông thôn,... đời sống khá rồi mà chú Trà không còn.

Phải chi, chú Trà còn sống, về thăm lại căn cứ kháng chiến xưa của mình và ăn bữa cơm với đồng bào có đủ chất dinh dưỡng. Ở ấp Bình Tây này hiện còn 4 nhân chứng đều trên 90 tuổi mà cụ Tắc đây là một, các cụ hồi đó còn rất trẻ, ở bên chú Trà và dùng trâu kéo cộ lúa gạo cho quân khu...

Thôi, bà con ở đây không mong gì hơn là ở trên xây cho nhà lưu niệm BTL Khu 8, hoặc ít gì cũng bia lưu niệm nằm đúng vị trí BTL Khu 8 đóng; chớ cách nay 3 năm, cơ quan nào đó tới dựng bia lưu niệm BTL Khu 8 mà không hỏi ý kiến của dân sở tại, tự ý dựng bia ở ấp Bắc Chan 2 nằm tuốt trên kia thì dân đâu có chịu!- ông Nứa bày tỏ ý kiến như vậy./.

(còn tiếp)

Quang Hảo

Kỳ sau: Những điều trông thấy ở Hưng Điền A và Bình Phong Thạnh

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích