Tiếng Việt | English

22/12/2015 - 14:35

Long An

Những người “ghiền té” và chiếc Huy chương Bạc

Để có 5 tiết mục “tròn trịa” tham gia cuộc thi “Tài năng xiếc trẻ 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia”, những diễn viên trẻ của Đoàn xiếc nhân dân Long An phải mất vài năm tập luyện, chuẩn bị. Mỗi ngày 8 giờ luyện tập hoặc hơn và các diễn viên xuất sắc mang về Huy chương Bạc cho đoàn.


Nguyễn Xuân Trúc, Đinh Đại Dũng diễn lại tiết mục Chồng đầu trên đu trong chuyến lưu diễn ở Bến Lức

Các diễn viên trẻ của Đoàn xiếc nhân dân Long An, người lớn nhất chưa quá 27, có trên 10 năm tuổi nghề, người nhỏ nhất vừa tròn 15 và ít nhất có 5 năm vất vả tập luyện với nghề. Đến với nghề mỗi người một cảnh, nhưng đều có chung sự kiên trì, niềm đam mê để bám trụ với bộ môn nghệ thuật nguy hiểm này.

Để trở thành diễn viên, học viên cần ít nhất 4 năm tập luyện. Những ngày mới bắt đầu, các động tác: Bẻ tay, bẻ chân, xoạt dẻo,... dễ khiến các cô bé, cậu bé “chùn chân”. Vì thế, cứ mỗi đợt tuyển và đào tạo mười mấy học viên, chỉ còn khoảng 2 – 3 người trụ lại với đoàn. Và họ đều là những người “bị xiếc ăn vào máu” như cách nói của anh Lê Công Lực, một diễn viên trẻ của đoàn.

Mỗi ngày, ngoài giờ học văn hóa hoặc đi diễn, thời gian còn lại đều dành cho việc luyện tập. Lúc cao điểm chuẩn bị cho kỳ thi, các anh, chị tập luyện 3 buổi, hơn 8 tiếng/ngày. Bởi họ biết, bất kỳ một sai sót dù rất nhỏ xảy ra trong lúc biểu diễn đều nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng người diễn viên. Còn chuyện ngã và chấn thương nhẹ trong lúc tập luyện là điều được xem như “cơm bữa”.

Ngay hôm gặp chúng tôi, anh Lực vừa bị trặc chân trong lúc tập luyện, nhưng anh quen rồi, chiều vẫn có thể bắt đầu buổi diễn phục vụ bà con. “Té riết ghiền”, là cách mà diễn viên trẻ Tống Đức Nhân nói về nghề nghiệp của mình. 


Nhiều diễn viên trẻ rất đam mê với nghề

Vất vả là vậy, nhưng “buông ra” là nhớ. Diễn viên Đoàn Thị Thanh Thúy, người có trên 10 năm theo nghề xiếc cho biết: “Mỗi năm, đoàn có khoảng 1 tháng nghỉ xả hơi, không luyện tập cũng không đi lưu diễn. Lúc đó ở nhà mà tôi cứ thấy không yên, nhớ sân khấu, nhớ mọi người ghê lắm!”

Nỗi nhớ đó chính là động lực giúp họ bám trụ với nghề! Bởi lẽ, quyết định theo nghề là những người trẻ này chấp nhận cuộc sống theo những chuyến lưu diễn dài từ miền Đông tới miền Tây. Ở đó, người diễn viên còn kiêm luôn nhiệm vụ hậu đài, bán vé (nếu cần). Tất cả chỉ vì mục đích chung là tìm được khán giả và được đứng trên sân khấu.

Huấn luyện viên của đoàn - Tống Mạnh Linh nhận xét: “Cũng như những diễn viên khác, khi được bước lên sân khấu là lúc chúng tôi được tỏa sáng, được nghe tiếng vỗ tay tán thưởng của khán giả. Đó là niềm vui, là động lực cho chúng tôi. Diễn viên thường nhớ những tiếng vỗ tay, không ai nghĩ đến vất vả đâu!”.

Tất cả họ đều còn rất trẻ, nhưng tình yêu và niềm đam mê dành cho nghề nghiệp thì không thua kém bất kỳ vị “tiền bối” nào. Cuộc sống đời thường vất vả, khó khăn nhưng trên sân khấu họ tự tin, tỏa sáng. Chính vì thế, họ mang về cho Đoàn xiếc nhân dân Long An tấm Huy chương Bạc trong cuộc thi tài năng xiếc trẻ 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia.

Cuộc thi được tổ chức đều đặn 4 năm/lần. Năm nay, có 6 đơn vị tham gia với hơn 30 tiết mục, 200 diễn viên. Ban tổ chức trao 5 huy chương vàng, 8 huy chương bạc cho các tiết mục xuất sắc. Trong đó, tiết mục “Chồng đầu trên đu” của Đoàn đã nhận Huy chương Bạc. Tiết mục này do 2 diễn viên: Nguyễn Xuân Trúc và Đinh Đại Dũng thực hiện. Trúc vừa tròn 15 tuổi, có “thâm niên” 5 năm trong nghề. Để có một tiết mục hoàn hảo dự thi, Trúc và Dũng luyện tập chăm chỉ trong suốt 2 năm và có 1 tháng để “chuốt” động tác.

“Những ngày đầu ra Hà Nội dự thi, thời tiết và sân khấu lạ gây không ít khó khăn cho Đoàn. Nhưng tất cả đã được khắc phục và đoàn giành được tấm huy chương một cách xứng đáng.” - Trưởng Đoàn xiếc nhân dân Long An – Nguyễn Triệu Minh cho biết./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết