Tiếng Việt | English

29/05/2024 - 09:48

Những người trẻ gìn giữ 'hồn dân tộc'

Những năm gần đây, cải lương - loại hình nghệ thuật vốn được xem là “linh hồn” của sân khấu Việt Nam “sống mòn” trước sự bùng nổ của nhiều loại hình giải trí hiện đại. Tuy nhiên, nhiều người trẻ Gen Z vẫn giữ lửa đam mê với bộ môn nghệ thuật này. Trong số đó có anh Võ Minh Tuấn và chị Nguyễn Bích Duy.

Bên cạnh hát cải lương, anh Võ Minh Tuấn (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) còn biết chơi nhiều loại nhạc cụ như đờn guitar, sến, kìm,... (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Lan tỏa đam mê

Trước sự “lên ngôi” của nhiều loại hình nghệ thuật mới, bộ môn cải lương vẫn chiếm được tình cảm của đông đảo người trẻ Gen Z - thế hệ trẻ năng động, am hiểu công nghệ. Họ không chỉ say mê những làn điệu ngọt ngào, những câu ca dạt dào tình cảm mà còn mong muốn gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có anh Võ Minh Tuấn (SN 1997, ngụ xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An).

Chia sẻ cơ duyên biết đến cải lương, anh Tuấn nói: “Niềm đam mê cải lương “nảy mầm” khi tôi mới 6-7 tuổi. Được cha dẫn đến các điểm sinh hoạt cải lương, dần dà, tôi yêu thích những giai điệu mùi mẫn, những giọng ca ngọt ngào và những tiếng đàn lúc trầm lúc bổng”.

Ngoài ca hát, anh còn chơi được một số nhạc cụ như đàn guitar, đờn sến, kìm, organ và tập tành sáng tác các bài lý, bài vọng cổ. Năm 2019, anh tham gia chương trình Liên hoan Dân ca Vọng cổ và Trích đoạn cải lương toàn thành (được tổ chức tại TP.HCM), đoạt giải ba chung cuộc.

Nhắc về khó khăn trong quá trình làm quen và theo đuổi cải lương, anh Tuấn bộc bạch: “Tôi nghĩ người học cải lương cần có đức tính kiên nhẫn, bình tĩnh bởi trong quá trình biểu diễn không thể tránh khỏi điều ngoài ý muốn, đòi hỏi người ca, người đờn phải có bản lĩnh sân khấu để xử lý kịp thời”.

Bên cạnh công việc chính là kỹ sư điện, anh Tuấn còn giữ vai trò Cố vấn chuyên môn cho Câu lạc bộ Giai Điệu Phương Nam thuộc Nhà Văn hóa Sinh viên TP.HCM. Suốt nhiều năm qua, anh cùng thành viên CLB tham gia nhiều buổi biểu diễn, các chương trình nghệ thuật lớn, nhỏ tại TP.HCM và các tỉnh lân cận. Với mục đích kế thừa và phát triển nghệ thuật cải lương, anh Tuấn thực hiện nhiều chương trình chia sẻ kinh nghiệm đờn, ca cho những bạn trẻ có cùng đam mê. Anh cũng ấp ủ dự định thành lập một nhóm nhỏ nhằm tập hợp các bạn trẻ trong tỉnh phát triển phong trào nghệ thuật cải lương.

Không ngừng theo đuổi ước mơ

Là người con của miền đất Sóc Trăng, từ nhỏ, chị Nguyễn Bích Duy (SN 2002) đã sớm biết đến những câu ca vọng cổ ngọt lịm. Nghệ thuật cải lương dường như thấm đẫm trong tâm hồn chị từ thuở ấu thơ. Đến lúc học lớp 8, khi vô tình xem một vở cải lương của cố nghệ sĩ Vũ Linh, chị Bích Duy lại một lần nữa bị thu hút bởi bộ môn nghệ thuật này.

“Cố nghệ sĩ Vũ Linh là người ảnh hưởng sâu sắc nhất đến niềm đam mê cải lương của tôi. Giọng hát ngọt ngào, diễn xuất tài tình của ông đã khơi gợi trong tôi tình yêu với cải lương vọng cổ” - chị Bích Duy nói.

Ngoài theo đuổi bộ môn cải lương, chị Nguyễn Bích Duy (tỉnh Sóc Trăng) còn là diễn viên kịch của Sân khấu Kịch Báo chí Nhân Văn (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nhắc đến kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình theo đuổi đam mê, chị kể, năm học lớp 10, khi có dịp ghé thăm một khu du lịch ở tỉnh Bến Tre, chị được thưởng thức cải lương.

Trong quá trình xem các cô chú biểu diễn, chị mạnh dạn xin lên sân khấu hát cùng và được mọi người vỗ tay tán thưởng. Từ đây, niềm đam mê trong chị rực cháy, tạo tiền đề cho ước mơ trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Giữ nét đẹp Đờn ca tài tử

Giữ nét đẹp Đờn ca tài tử 

Đờn ca tài tử Nam Bộ là loại hình nghệ thuật truyền thống và được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại....

Ngoài ca cải lương, chị còn là diễn viên kịch nói của Sân khấu Kịch Báo chí Nhân Văn, tham gia nhiều vở với lối diễn xuất đa dạng. Hiện tại, chị theo học cải lương dưới sự hướng dẫn tận tình của những thầy đờn chuyên nghiệp và một nghệ sĩ gạo cội. Nhắc về dự định tương lai, chị Bích Duy cho biết sẽ học thêm các loại nhạc cụ dân tộc để theo đuổi con đường hát cải lương chuyên nghiệp.

Giữa dòng chảy hối hả của thời đại, khi những loại hình giải trí hiện đại bùng nổ thì vẫn còn đó những trái tim đam mê làn điệu cải lương da diết.

Họ là những người trẻ tuổi, mang trong mình khát khao gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần thắp sáng ngọn lửa nghệ thuật truyền thống giữa lòng xã hội hiện đại./.

Ngọc Hân

Chia sẻ bài viết