Giao lưu đờn ca tài tử Nam bộ tại đình Vạn Phước duy trì suốt 28 năm và trở thành truyền thống, đặc trưng văn hóa của Long An
Bền bỉ giữ gìn
Chính thức thành lập từ năm 1999, đến nay, Câu lạc bộ (CLB) Văn nghệ, ĐCTT ấp Long Bình, xã Long Trì, huyện Châu Thành vẫn duy trì hoạt động.
Mỗi quí một lần, các thành viên CLB ngồi lại cùng nhau đờn, ca, ôn lại các bài bản tài tử, bài vọng cổ, chập cải lương. Ngoài bài ca có sẵn, bà Nguyễn Thị Ta - thành viên CLB, còn sáng tác thêm bài ca, chập cải lương mới ca ngợi sự đổi mới của quê hương cho các thành viên CLB cùng hát.
Bà Ta chia sẻ: “Tôi thường viết lời bài ca hay kịch bản mới khi địa phương tổ chức hội thi hoặc cần CLB biểu diễn phục vụ chương trình, hội nghị nào đó. Lời ca tôi viết đều xoay quanh nội dung ca ngợi sự đổi mới của quê hương, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tôi sinh ra và lớn lên ở đây nên hiểu đất, hiểu người, nhờ vậy, lời bài ca cũng gần gũi, dễ đi vào lòng người. Với tôi, đó là niềm vui!”.
Chủ nhiệm CLB Văn nghệ, ĐCTT ấp Long Bình, xã Long Trì - Nguyễn Văn Biên cho biết: "Ngày trước, CLB sinh hoạt hàng tháng và được tổ chức bài bản, người dân trong ấp cũng đến nghe. Mỗi lần sinh hoạt CLB, chúng tôi tổ chức trên sân khấu ngoài trời để phục vụ người dân.
Các phong trào, hội thi gần xa, chúng tôi đều tham gia. Hầu như ngày nào CLB cũng có những cuộc họp mặt nhỏ, vài thành viên gặp gỡ, cùng nhau đờn, hát, chủ yếu vì yêu thích mà thôi”.
Ngoài thời gian sinh hoạt định kỳ, một số thành viên Câu lạc bộ Văn nghệ, đờn ca tài tử ấp Long Bình, xã Long Trì, huyện Châu Thành còn họp mặt cùng nhau đờn, ca
Hiện CLB văn nghệ, ĐCTT ấp Long Bình có hơn 10 thành viên, trong đó, có những thành viên gắn bó từ những ngày đầu thành lập.
Ông Phan Văn Vui, một trong những thành viên tham gia thành lập CLB, nói: “Hiện nay, do một số lý do, thời gian sinh hoạt của CLB không dày như trước nhưng thỉnh thoảng cũng ngồi lại cùng nhau đờn, ca. Là CLB văn nghệ, ĐCTT nên khi sinh hoạt, chúng tôi hát cả ca nhạc, vọng cổ, trích đoạn cải lương,... nhưng ĐCTT là không thể thiếu”.
Kỳ vọng ở tương lai
ĐCTT Nam Bộ vốn là loại hình nghệ thuật âm nhạc dân gian hình thành từ cuối thế kỷ XIX. Long An là một trong những chiếc nôi của nhạc tài tử Nam Bộ, là nơi Nghệ nhân, nhạc sư Nguyễn Quang Đại lưu lại và đào tạo nên nhiều thế hệ tài năng của nhạc tài tử.
Sau hàng trăm năm phát triển, ĐCTT trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người dân miền Nam nói chung và Long An nói riêng. Bộ môn nghệ thuật truyền thống này nhận được sự quan tâm, gìn giữ của cả người dân lẫn các cấp chính quyền.
Hàng năm, giao lưu ĐCTT Nam Bộ được tổ chức tại đình Vạn Phước - nơi thờ phụng đức Nghệ nhân, nhạc sư Nguyễn Quang Đại như một lời tri ân đối với bậc tiền nhân và cũng là dịp các tài tử, nghệ nhân trong và ngoài tỉnh gặp gỡ, giao lưu. Suốt 28 năm, giao lưu ĐCTT Nam Bộ tại đình Vạn Phước được duy trì liên tục và trở thành truyền thống, nét văn hóa của Long An.
“Giao lưu không chỉ là cơ hội cho giới tài tử học hỏi, trau dồi kinh nghiệm mà còn là sân chơi để thế hệ trẻ tiếp nối và phát triển nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ trong tương lai” - Nghệ nhân Ưu tú Trung Dung nhận định.
Tại Câu lạc bộ văn nghệ, đờn ca tài tử ấp Long Bình, xã Long Trì, huyện Châu Thành, có những thành viên gắn bó từ năm 1999 đến nay
Khi chương trình giao lưu diễn ra, có không ít người dân trong vùng và lân cận sắp xếp việc gia đình để đến xem. Cùng vợ đến xem suốt 2 đêm giao lưu, ông Lê Văn Cư (xã Phước Tuy, huyện Cần Đước) cho biết, năm nào vợ chồng ông cũng đến xem giao lưu ĐCTT.
Ông Cư nói: “Từ ngày nhỏ, tôi đã được nghe ĐCTT nên rất yêu thích. Mình là người Nam Bộ, nghe và chơi ĐCTT là điều hay vì đó là loại hình nghệ thuật dân gian của quê hương”.
Trong bối cảnh Long An đang tiếp tục triển khai, thực hiện cam kết với UNESCO sau 10 năm Nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cũng như thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Long An đến năm 2030 và những năm tiếp theo, các hoạt động quan tâm, phát triển nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ tiếp tục được chú trọng để giai điệu ngũ cung mãi ngân vang trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Long An./.
Quế Lâm