Tiếng Việt | English

22/06/2023 - 11:23

Những nông dân điển hình thay đổi tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế

Trước thực trạng sản xuất không bảo đảm được nhu cầu của thị trường, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An vận động hợp tác xã (HTX), nông dân chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế. Qua đó, nhiều nông dân mạnh dạn thay đổi tư duy, chủ động thích ứng với nhu cầu thị trường, mở ra những hướng đi mới, hiệu quả và bền vững.

Xây dựng thương hiệu cho chanh không hạt

Những năm qua, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức (xã Lương Hòa, huyện Bến Lức) áp dụng sản xuất chanh không hạt theo hướng sạch. Nhờ đó, sản phẩm của HTX từng bước có đầu ra ổn định, khẳng định thương hiệu trên thị trường.

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức - Trần Duy Thuận nỗ lực xây dựng thương hiệu chanh không hạt Bến Lức

Để sản phẩm của HTX có được sự tin cậy của khách hàng trong và ngoài nước phải nhắc đến sự tận tâm của Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức - Trần Duy Thuận. Ông chính là người thay đổi tư duy và nhận thức của các thành viên HTX trong canh tác chanh từ truyền thống sang canh tác theo tiêu chuẩn sạch, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

“Ban đầu, HTX chỉ có 7 thành viên, quy mô canh tác 50ha chanh không hạt. Đến nay, diện tích canh tác của HTX không ngừng tăng lên. HTX đang liên kết tiêu thụ với HTX Nông nghiệp Thạnh Hòa (huyện Bến Lức), HTX Sản xuất Dịch vụ Nông nghiệp Thuận Bình (huyện Thạnh Hóa), 20 hộ thành viên liên kết ở huyện Bến Lức, hướng đến mục tiêu liên kết sản xuất trên diện tích 300-400ha để chủ động sản xuất, liên kết đầu ra với doanh nghiệp, tạo đầu ra cũng như thu nhập bền vững cho người trồng chanh. Sản lượng chanh của HTX cung cấp cho thị trường ước khoảng 7.200 tấn/năm, trong đó, phần lớn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tươi của doanh nghiệp thu mua” - ông Thuận chia sẻ.

Để sản xuất ra sản phẩm an toàn, đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước, HTX đã áp dụng các tiêu chuẩn canh tác tốt, thân thiện với môi trường vào quá trình canh tác. So với cách làm cũ, mô hình canh tác chanh không hạt theo hướng mới cho năng suất thấp hơn nhưng tiết kiệm chi phí sản xuất trên 10%.

Không chỉ vậy, ông Thuận còn đứng ra ký kết hợp đồng bao tiêu cho các thành viên HTX với giá thu mua trong 6 tháng mùa nắng là 20.000 đồng/kg và trong 6 tháng mùa mưa là 15.000 đồng/kg. Hiện nay, sản phẩm chanh không hạt của HTX có mặt tại nhiều thị trường lớn trên thế giới như châu Âu, Trung Đông,…

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tập trung phối hợp các sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nông dân hiểu rõ trong thời kỳ hội nhập, họ phải là nông dân thời đại 4.0 dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thay đổi phương thức sản xuất, tiếp cận thị trường nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản; đồng thời, tập trung đổi mới tư duy và mô hình tăng trưởng nông nghiệp theo hướng từ bỏ mô hình nông nghiệp gia công sang sản xuất theo đơn đặt hàng, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công nghệ chế biến nông sản tiên tiến, hiện đại vào sản xuất”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền

Tìm đầu ra ổn định cho trái thanh long

Đến thăm vườn thanh long đang trong giai đoạn xử lý sau thu hoạch của gia đình anh Trương Minh Trung (xã An Lục Long, huyện Châu Thành), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Trên nền đất ruộng được lên liếp, từng hàng thanh long thẳng tắp, xanh tốt.

Anh Trương Minh Trung (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và tìm đầu ra ổn định cho trái thanh long

Anh Trung cho biết, năm 2005, gia đình anh chuyển 1ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng thanh long. Thời điểm đó, do kinh nghiệm còn hạn chế, năng suất, chất lượng thanh long chưa cao nhưng lợi nhuận vẫn gấp nhiều lần so với trồng lúa. Năm 2010, phong trào trồng thanh long theo quy trình VietGAP, GlobalGAP và ứng dụng công nghệ cao tại địa phương ngày càng phổ biến. Với số vốn tích lũy được, anh mạnh dạn đầu tư hạ thế điện để xông đèn cho thanh long ra hoa trái vụ và vận hành hệ thống tưới nước thông minh. Từ 1ha thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP ban đầu, đến nay, anh Trung có trên 3ha thanh long đạt chuẩn GlobalGAP và được bao tiêu để xuất khẩu với giá ổn định. Ước tính mỗi năm, anh Trung có lợi nhuận trên 1 tỉ đồng.

Đặc biệt, năm 2011, anh Trung còn đứng ra thành lập HTX Thanh long Long Hội. Ban đầu, HTX chỉ có 26 thành viên, đến nay, có hơn 60 thành viên với tổng diện tích đất canh tác thanh long trên 50ha. Anh Trung cho biết thêm, lúc mới thành lập HTX, rất nhiều hộ dân trong vùng cũng đua nhau trồng thanh long và chỉ sau một thời gian ngắn, diện tích trồng thanh long tại xã An Lục Long tăng lên nhanh chóng, sản lượng vì thế cũng tăng cao. Do đó, nông dân liên tục bị ép giá nên không khỏi lo lắng về tương lai của loại trái cây này. Từ khi HTX đi vào hoạt động, nhờ quy trình sản xuất đúng chuẩn, nguồn nguyên liệu ổn định, HTX ký được hợp đồng thu mua với các đối tác lớn, giúp các thành viên HTX an tâm sản xuất.

Quyết tâm cống hiến cho quê hương

Anh Dương Hoài Ân (xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh) tốt nghiệp ngành Bảo vệ thực vật của Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM và có công việc ổn định trong một doanh nghiệp với mức lương khá cao. Tuy nhiên, anh luôn muốn trở về quê hương phát triển ngành lúa, gạo, mang đến cho người dân nguồn thu nhập ổn định và không còn gặp tình trạng “được mùa, mất giá” hoặc ngược lại.

Anh Dương Hoài Ân (thứ 3, phải qua) luôn tâm huyết, trách nhiệm với ngành lúa, gạo

Dù ấp ủ ý định nhưng anh không nóng vội, trong quá trình làm việc, anh tìm tòi, nghiên cứu nhiều giống lúa mới và trồng thử nghiệm để xem có đáp ứng được thổ nhưỡng của địa phương, nhu cầu của thị trường hay không. Trong đó, anh chọn lúa tím và nếp cẩm về trồng thử nghiệm. Sau thời gian trồng, anh nhận thấy lúa tím có giá trị dinh dưỡng cao, rất tốt cho sức khỏe người tiêu dùng nhờ có hàm lượng cao vitamin nhóm B, Canxi, Magie, Omega 3-6-9,...

Cuối năm 2017, anh Ân mạnh dạn tham gia HTX Dịch vụ Nông nghiệp Kiến Bình với mục đích giúp thành viên HTX tìm hướng đi riêng và tạo ra sản phẩm mang thương hiệu của quê hương. Với sự tâm huyết, trách nhiệm, anh vinh dự được bầu làm Giám đốc HTX. Khi đưa lúa tím về trồng trên đất Kiến Bình, anh Ân phải nỗ lực tuyên truyền, vận động nông dân rất nhiều, bởi trước đây, họ đã quen sử dụng phân bón, thuốc hóa học và quan tâm đến năng suất; còn trồng lúa tím phải chuyển dần từ hóa học sang hữu cơ, năng suất (dưới 4,5 tấn/ha) thấp hơn lúa sản xuất theo hướng hóa học. Đặc biệt, thời điểm bấy giờ, người tiêu dùng còn đánh đồng giá giữa sản phẩm sản xuất theo hữu cơ và hóa học mà không quan tâm đến chất lượng, giá trị dinh dưỡng mà sản phẩm hữu cơ đem lại.

Trước những khó khăn trên, anh Ân phải kiên trì giải thích và mạnh dạn bao tiêu lợi nhuận cho nông dân với vụ Đông Xuân 28-30 triệu đồng/ha, vụ Hè Thu 18-20 triệu đồng/ha. Hơn hết, anh chủ động tìm kiếm khách hàng, xây dựng thương hiệu thông qua các hội nghị xúc tiến thương mại, các kênh bán hàng online,... Nhờ đó, thương hiệu Gạo tím Kiến Bình ngày càng được khách hàng ưa chuộng và mang lại nhiều lợi ích cho thành viên HTX.

Anh Ân chia sẻ: “Hiện HTX trồng gần 15ha lúa tím hữu cơ, bình quân cung cấp cho thị trường trên 80 tấn gạo/năm. Ngoài ra, HTX còn trồng 23ha lúa hữu cơ và trên 50ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ. Thời gian tới, HTX sẽ mở rộng quy mô sản xuất, liên kết thêm với nhiều nông dân và đầu tư nhà máy xay xát, chế biến,... với hy vọng mang nhiều lợi ích cho người dân và nâng tầm nông sản địa phương”.

Bằng sự năng động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, nhiều nông dân thích ứng nhanh với nền nông nghiệp hiện đại. Đây là tín hiệu đáng mừng, góp phần cho nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại và bền vững./.

Lê Ngọc - Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết