Người dân hãy tiêm ngay khi đến lượt, đừng chần chừ mà bỏ qua cơ hội vàng để trang bị “lá chắn an toàn”, bảo vệ sức khỏe trước nguy cơ dịch bệnh
PV: Tính đến thời điểm này, tỉnh được cấp bao nhiêu liều vắc-xin phòng Covid-19, gồm những loại nào, thưa BS?
BS Huỳnh Hữu Dũng: Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh được phân bổ 21/27 đợt theo quyết định của Bộ Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) hỗ trợ với tổng liều cấp là 1.654.400 liều, gồm 782.420 liều AstraZeneca, 264.300 liều Pfizer, 102.480 liều Moderna và 505.200 liều Sinopharm (bao gồm 500.000 liều của HCDC).
Tỉnh đã nhận tổng liều là 1.404.400 liều (đang nhờ kho HCDC lưu giữ 250.000 liều Sinopharm để tiêm mũi 2) và cấp về huyện để thực hiện các chiến dịch.
PV: Hiện nay, tiến độ tiêm vắc-xin của tỉnh như thế nào, thưa BS?
BS Huỳnh Hữu Dũng: Tỉnh cơ bản đã tiêm mũi 1 cho 5 địa phương, gồm: TP.Tân An, Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức và Đức Hòa, đang triển khai phủ mũi 1 cho các địa phương còn lại. Tính đến hết ngày 05/9/2021, tỉnh thực hiện tiêm vắc-xin phòng Covid-19 được 1.222.806 mũi tiêm, gồm 1.160.197 mũi 1 và 62.609 mũi 2.
Mới đây, Bộ Y tế có Công điện 1316/CĐ-BYT đến Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, TP.HCM, các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, yêu cầu tổ chức tiêm chủng cho tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên (bao gồm cả phụ nữ có thai) sinh sống và làm việc trên địa bàn theo Nghị quyết 21/NQ-CP, ngày 26/02/2021 của Chính phủ; các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 3355/QĐ-BYT, ngày 08/7/2021 của Bộ Y tế và hoàn thành tiêm mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi trước ngày 15/9/2021; tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian. Theo đó, tại cuộc họp Sở Chỉ huy Phòng, chống dịch Covid-19 sáng ngày 06/9/2021, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út yêu cầu các địa phương trong tỉnh phải tăng tốc, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin nhằm bảo đảm hoàn thành tiêm chủng mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi trước ngày 10/9/2021.
PV: Kế hoạch bảo đảm mục tiêu bao phủ vắc-xin phòng Covid-19 cho toàn dân của tỉnh ra sao, thưa BS?
BS Huỳnh Hữu Dũng: Những ngày sắp tới, tỉnh sẽ tăng tốc tiêm mũi 1 cho các địa phương để hoàn thành tiêm đủ mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi trước ngày 10/9/2021 theo chỉ đạo từ Chủ tịch UBND tỉnh.
Đồng thời, tỉnh tiếp tục triển khai tiêm mũi 2 cho công nhân tại 5 địa phương trọng điểm đã tiêm mũi 1 trước đó, dự kiến tiêm trên 73.000 người.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiêm mũi 2 cho “vùng đỏ” khi được Bộ Y tế cấp vắc-xin với nhu cầu gồm 554.000 liều AstraZeneca, 92.640 liều Pfizer và 88.340 liều Moderna.
PV: Những biểu hiện sau tiêm thường gặp là gì? BS có những lưu ý gì đối với người được tiêm vắc-xin phòng Covid-19?
BS Huỳnh Hữu Dũng: Không chỉ riêng vắc-xin phòng Covid-19 mà các loại vắc-xin khác đều có những biểu hiện thường gặp sau tiêm như đau đầu, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, sưng tại chỗ tiêm, buồn nôn, mẩn đỏ chỗ tiêm, nổi hạch, mất ngủ, khó chịu, ngứa chỗ tiêm,... Đây là những triệu chứng thông thường và có thể tự khỏi sau vài ngày.
Trong quá trình tiêm chủng, việc bảo đảm an toàn tiêm chủng là yếu tố hàng đầu, từ công tác khám sàng lọc trước tiêm, tổ chức buổi tiêm, theo dõi biến cố bất lợi sau tiêm và xử trí cấp cứu. Cán bộ y tế khám sàng lọc rất kỹ, khai thác tiền sử dị ứng, suy giảm miễn dịch, bệnh mạn tính, sử dụng thuốc,... và các tiền sử khác để đánh giá đúng tình trạng người tiêm chủng. Qua ghi nhận, đến thời điểm hiện tại, các mũi tiêm đều bảo đảm an toàn, đa phần là các phản ứng thông thường và chưa ghi nhận tình trạng phản ứng nặng sau tiêm.
Một số lưu ý với người tiêm chủng: Với AstraZeneca có lịch tiêm 2 mũi, mũi 2 sẽ sau mũi đầu tiên từ 4-12 tuần. Với Moderna, lịch tiêm 2 mũi, khoảng cách 1 tháng (28 ngày). Sinopharm có lịch tiêm 2 mũi, cách nhau từ 21-28 ngày. Pfizer có lịch tiêm 2 mũi, cách nhau 3-4 tuần.
Trong đó, những người đã tiêm mũi 1 AstraZeneca có thể tiêm mũi 2 Pfizer. Tỉnh cũng vừa đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho phép được triển khai tiêm mũi 2 vắc-xin Pfizer cho công nhân đã tiêm vắc-xin AstraZeneca mũi 1 từ sau 4 tuần trở lên để các doanh nghiệp an tâm phục hồi sản xuất theo kế hoạch của tỉnh.
Người được tiêm vắc-xin cần uống đủ nước, tăng cường các thực phẩm giàu vitamin A, C, E, D, thực phẩm giàu kẽm và không nên nhịn đói trước khi đi tiêm cũng như giữ bình tĩnh, tâm trạng thoải mái khi tiêm vắc-xin. Đặc biệt, không nên uống rượu, bia, chất kích thích trước và sau tiêm vắc-xin.
PV: Với phương châm vắc-xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất, đối với việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19, BS khuyến cáo gì với người dân?
BS Huỳnh Hữu Dũng: Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, quan điểm xuyên suốt của chiến lược vắc-xin là “Vắc-xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm sớm nhất”. Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 chính là quyền lợi và trách nhiệm với cộng đồng của người tiêm chủng. Các vắc-xin phòng Covid-19 có cơ chế giống nhau là sinh kháng nguyên để giúp cơ thể có thể chống lại virút SARS-CoV-2. Người được tiêm phòng đủ liều vắc-xin sẽ hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Người đã được tiêm vắc-xin không may bị nhiễm bệnh thì các triệu chứng sẽ nhẹ, thời gian điều trị ngắn và sức khỏe cũng được hồi phục nhanh chóng. Tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân Covid-19 đã được tiêm ngừa vắc-xin rất thấp so với nhóm chưa được tiêm. Qua thống kê trên địa bàn tỉnh, tất cả ca tử vong do mắc Covid-19 đều chưa được tiêm vắc-xin.
Để đẩy lùi đại dịch, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới thì thực hiện nghiêm thông điệp “5K” và tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là 2 yếu tố quan trọng nhất. Do đó, người dân hãy tiêm ngay khi đến lượt, đừng chần chừ mà bỏ qua cơ hội vàng để trang bị “lá chắn an toàn”, bảo vệ sức khỏe trước nguy cơ dịch bệnh.
PV: Xin cảm ơn BS!
Phạm Ngân (thực hiện)