Tiếng Việt | English

24/12/2020 - 10:50

Nơi ấm áp yêu thương

Nhiều năm qua, chùa Giác Nguyên (thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) là nơi nuôi dưỡng hơn 20 trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong và ngoài tỉnh.

Thầy Thích Huệ Phát - Trụ trì chùa Giác Nguyên, cho biết, chùa luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ

Thầy Thích Huệ Phát - Trụ trì chùa Giác Nguyên, cho biết, chùa luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ

Từ năm 2012, hàng tuần, chùa Giác Nguyên đều tổ chức sinh hoạt nhóm cho trẻ nhằm mục đích giáo dục, giúp các em tránh xa các trò chơi không lành mạnh, nhưng thời điểm đó, nhà chùa chưa nhận nuôi, chăm sóc trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như hiện tại. Cơ duyên khiến nhà chùa nhận nuôi các em bắt đầu từ năm 2014.

Thầy Thích Huệ Phát - Trụ trì chùa Giác Nguyên, chia sẻ: “Năm 2014, thông qua một người quen tại TP.HCM, tình cờ tôi biết hoàn cảnh đặc biệt của một bé trai, mặc dù đã 6 tuổi nhưng em không có giấy tờ tùy thân, hàng ngày từ 8-18 giờ, em cùng người cô đi bán vé số. Thấy hoàn cảnh của em nên nhà chùa nhận nuôi, làm giấy tờ để em đi học, hiện em học lớp 6. Từ năm 2014 đến nay, nhà chùa đã nhận nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 20 trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong và ngoài tỉnh. Em nhỏ nhất hơn 2 tuổi, lớn nhất gần 18 tuổi”.

Tại chùa Giác Nguyên, các em được nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo, đến tuổi đi học được cho đến trường. Mỗi em có một hoàn cảnh khác nhau, em thì mồ côi, em thì được người thân gửi vào chùa vì một lý do đặc biệt nào đó.

Nụ cười hồn nhiên của các em

Nụ cười hồn nhiên của các em

Chia sẻ với chúng tôi, thầy Thích Huệ Phát cho biết, một khi đã nhận nuôi các em, nhà chùa luôn yêu thương, bảo bọc, xem các em như người thân trong gia đình, tận tình chăm sóc những khi khỏe mạnh và cả những lúc ốm đau. Nhà chùa không chấp nhận cá nhân nào nhận nuôi các em, trừ khi đó là người thân trong gia đình.

“Song, trước khi đưa các em về với gia đình, chúng tôi sẽ đi xác minh thật kỹ để biết rằng các em thật sự được yêu thương, chăm sóc. Nhà chùa luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để nuôi dưỡng, chăm sóc các em, bảo đảm các em được đến trường như bao trẻ em khác. Sau này khi trưởng thành thì các em sẽ tự quyết định hướng đi cho cuộc đời mình” - thầy trụ trì cho hay.

Thời gian qua, cùng với nhà chùa, có rất nhiều phật tử tình nguyện đến chùa để hỗ trợ công việc chăm sóc, nuôi dưỡng các em. Gắn bó với chùa Giác Nguyên từ nhiều năm qua, bà Trần Thị Nga (SN 1968), ngụ thị trấn Cần Giuộc, được những đứa trẻ nơi đây gọi thân thương là má. Bà Nga trải lòng: “Tôi phụ trách công việc nấu ăn, mỗi ngày nấu 3 cữ chính, tuy không cầu kỳ nhưng các món chay vẫn phải bảo đảm đủ dinh dưỡng cho mọi người. Gắn bó với chùa đã rất nhiều năm, từ ngày chùa nhận nuôi các bé, tôi cũng xem chúng như con cháu của mình, nhiều trẻ khó ăn phải ẵm, đút ăn từng muỗng”.

Cũng như bà Nga, ông Thông Văn Ri (SN 1962) tình nguyện đến chùa Giác Nguyên để chăm sóc trẻ. Ông Ri thông tin, trước đây làm xây dựng nhưng vì bị tai nạn lao động nên không còn tiếp tục công việc được nữa, hàng ngày, từ 6-19 giờ, ông đến chùa để phụ giúp dọn vệ sinh, đưa rước các em học. Mỗi ngày, ông tìm được niềm vui trong chính công việc của mình.

Sân chơi dành cho trẻ tại chùa Giác Nguyên

Sân chơi dành cho trẻ tại chùa Giác Nguyên

Công việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại chùa đòi hỏi rất nhiều tình thương và sự kiên nhẫn. Ông Lê Phát Phước (SN 1970), ngụ thị trấn Cần Giuộc, trải lòng: “Mỗi bé một hoàn cảnh khác nhau nên tính cách cũng khác nhau, đòi hỏi chúng ta phải hết lòng yêu thương, dạy bảo, đặc biệt, phải kiên trì, nhẫn nại. Thời gian sẽ giúp các cháu trưởng thành và sống chan hòa với nhau. Hàng ngày, tôi nhắc nhở các cháu chuyện học hành, giáo dục các cháu trong cách cư xử. Ở đây, mỗi người sẽ phụ trách một việc”.

Hy vọng tình yêu thương, sự chăm sóc của mọi người sẽ giúp các em có thêm niềm tin, nghị lực vào cuộc sống, lớn lên trở thành người có ích cho xã hội./.

Nguyễn Dung

Chia sẻ bài viết