Cô Lại Thị Hóa kiên nhẫn, chậm rãi hướng dẫn học sinh viết chữ
Hạnh phúc với con đường mình lựa chọn
Ân cần cầm tay bé gò từng nét chữ yếu ớt, thơ ngây là hình ảnh đầu tiên chúng tôi bắt gặp ở cô Lại Thị Hóa (54 tuổi) - giáo viên lớp 1A1 NN - người có 36 năm gắn bó với nghề, trong đó, 26 năm gắn bó với trẻ khuyết tật từ ngày trường được thành lập đến nay.
Lớp học chỉ có 8 học sinh bị khiếm thính. Giờ học, có em đeo máy trợ thính, có em không nhưng ai nấy đều hiểu và chăm chỉ thực hiện nhiệm vụ cô Hóa giao. Trò cắm cúi luyện chữ dù đôi lúc nét viết có nguệch ngoạc cũng không ai bỏ dở, cô lặng lẽ đến từng bàn dõi theo từng con chữ được viết ra. Em nào viết chưa được, cô tận tình hướng dẫn lại đến khi em viết được mới thôi. Vài nét chữ thế thôi nhưng có khi các em phải luyện rất lâu, cô vẫn cứ chậm rãi và kiên nhẫn. Những con chữ hoàn thành là lúc lớp náo nhiệt nhất, từng em lần lượt mang tập đến bàn giáo viên khoe thành quả của mình. Ngay lúc đó, chúng tôi nhận thấy niềm vui xen lẫn sự tự hào hiện rõ trong ánh mắt cô Hóa.
Cô Hóa tâm sự: “Sinh ra các em chịu khiếm khuyết thì cuộc đời sẽ đáp lại các em một điều tốt đẹp hơn. Và, tôi muốn là người được mang những điều tốt đẹp ấy cho các em. Đó là lý do tôi xin chuyển về Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật khi trường vừa thành lập. Ngày ngày tiếp xúc với các em, tôi càng yêu quý và hạnh phúc với con đường mình lựa chọn”.
Đến với học sinh bằng sự chân thành nên cô Hóa cũng nhận lại bằng chính sự chân thành ấy của các em. Không chỉ kiên nhẫn dạy các em kiến thức các môn học, cô còn dạy các em ngôn ngữ ký hiệu, cách thể hiện tình cảm, thích nghi với môi trường mới. Những ký hiệu “em giỏi lắm”, “cô yêu em”, “em yêu cô” thường xuyên được xuất hiện ở lớp cô Hóa. Đặc biệt, cô còn quan tâm, trò chuyện giúp các em rèn luyện kỹ năng nói, đọc khẩu hình và cảm nhận tình yêu thương.
“Những ngày đầu của năm học là cực nhất, không gian mới, người lạ nên các em khóc rất nhiều. Kỹ năng nghe, nói của các em yếu nên rất khó dỗ dành. Do đó, giáo viên cần kiên nhẫn và nhẹ nhàng, từ từ làm quen với các em. Tạo được lòng tin và sự gần gũi, giáo viên dạy trẻ những kỹ năng cơ bản đầu tiên. Cứ như thế đến khi các em cảm nhận được sự quan tâm chân thành thì việc dạy các em sẽ trở nên thuận lợi hơn. Trong hành trình đó, tính kiên nhẫn, sự dịu dàng và tình yêu trẻ là yếu tố then chốt quyết định thành công của giáo viên dạy trẻ khuyết tật” - cô Hóa chia sẻ kinh nghiệm.
26 năm gắn bó với trẻ khuyết tật, biết bao thế hệ học trò được chính tay cô dìu dắt trưởng thành và hòa nhập cộng đồng. Nhiều người trong số ấy tham gia lao động, sản xuất để tự nuôi sống bản thân. Và, nhiều học trò cũ vẫn giữ liên lạc với cô như người thân trong gia đình.
Cô Lại Thị Hóa tận tình hướng dẫn học sinh
Trẻ tiến bộ là món quà vô giá
Ở một lớp học khác, cô Nguyễn Thị Thanh Trúc (32 tuổi) - giáo viên lớp Can thiệp, cũng hăng say với công việc của mình. 1 cô, 1 trò, đôi lúc 1 cô 2 trò cùng học, cùng chơi và trò chuyện như những người trong gia đình.
Lớp cô Trúc là lớp học khá đặc biệt, trẻ là những bé dưới 6 tuổi và tự kỷ. Nhiệm vụ của cô Trúc là can thiệp đúng hướng để trẻ có thể phát triển như những đứa trẻ bình thường khác. Theo đó, khi tiếp nhận, cô tìm hiểu và xác định mức độ về ngôn ngữ, sự hiểu biết, hành vi, giác quan của trẻ dựa trên phổ tự kỷ. Tùy theo mức độ, cô chọn phương pháp can thiệp phù hợp và tốt nhất cho trẻ.
Cô Trúc chia sẻ: “Đối với trẻ tự kỷ, giáo viên bên cạnh yêu trẻ, kiên nhẫn, nhẹ nhàng, còn phải có chuyên môn vững. Do đó, ngoài có kiến thức nền tảng từ ngành Giáo dục đặc biệt, tôi còn tham gia các lớp tập huấn chuyên sâu về giáo dục trẻ tự kỷ và đặc biệt là tự học hỏi, trau dồi kinh nghiệm để bản thân có nhiều kiến thức, phương pháp hay giúp can thiệp kịp lúc, đúng hướng đối với các bé tự kỷ”.
Mỗi trẻ là một sự tận tâm, chân thành của cô Trúc. Đặc biệt, những ngày mới tiếp xúc, làm quen, cô dành nhiều thời gian quan sát và tiếp cận trẻ. Dựa vào những đặc điểm, hành động thường xuyên của trẻ, cô đánh giá kỹ hơn mức độ tự kỷ của trẻ. Theo đó, cô thường bắt chước những hành động thường xuyên của trẻ để gây sự chú ý, bước vào thế giới của các em. Tạo được sự tin tưởng của trẻ, cô bắt đầu áp dụng phương pháp can thiệp của mình.
“Trẻ tiến bộ, dù một chút thôi cũng là món quà vô giá đối với tôi. Đó không chỉ thể hiện phương pháp can thiệp hiệu quả mà còn là tấm lòng của người mẹ dành cho con của mình. Đồng thời, đó cũng là động lực lớn để giáo viên dạy trẻ khuyết tật như tôi yêu nghề hơn, cống hiến nhiều hơn nữa để chữa lành những tâm hồn tổn thương của những đứa trẻ đặc biệt ấy” - cô Trúc thổ lộ.
Mỗi trẻ là một sự tận tâm chân thành của cô Nguyễn Thị Thanh Trúc
Cô Trúc cho biết thêm, ngoài cô giáo can thiệp, phụ huynh cũng nên phối hợp thực hiện các phương pháp can thiệp đơn giản ở nhà để trẻ tiến bộ rõ nét và sớm hòa nhập cộng đồng. Trẻ tự kỷ càng được can thiệp sớm càng tốt nên phụ huynh cần sớm phát hiện để cho trẻ đi kiểm tra, đánh giá tình trạng sức khỏe và giúp trẻ được can thiệp sớm nếu tự kỷ.
Vất vả là vậy nhưng các cô luôn yêu đời, yêu trẻ và tìm thấy niềm vui trong công việc. Đó là sự tiến bộ, trưởng thành của các em. Và niềm vui ấy còn được nhân lên rất nhiều lần khi các em hòa nhập cộng đồng, tham gia lao động, sản xuất, tự nuôi sống bản thân./.
Ngọc Thạch