Tiếng Việt | English

14/12/2022 - 08:59

Nỗi lo hàng giả, hàng nhái trong dịp tết

Cuối năm, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao. Đây cũng là thời điểm kích cầu mua sắm, nhiều doanh nghiệp (DN) tung ra các chương trình khuyến mãi nhằm đẩy mạnh quảng bá thương hiệu cũng như giúp người tiêu dùng (NTD) tiếp cận hàng hóa chất lượng với mức giá phù hợp. Tuy nhiên, đây cũng là lúc các gian thương trà trộn vào thị trường những sản phẩm giả, nhái, kém chất lượng để đánh lừa NTD nhằm trục lợi.

Theo Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, trong 10 tháng năm 2022, lực lượng chức năng cả nước phát hiện, xử lý gần 100.000 vụ việc vi phạm. Trong đó, có 12.275 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 82.678 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; 1.866 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách nhà nước 7.666 tỉ đồng (tăng 1,5% so cùng kỳ năm 2021); khởi tố 380 vụ (giảm 76,47% so cùng kỳ năm 2021) và 472 đối tượng (giảm 78,03% so cùng kỳ năm 2021).

Dự báo, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 có chiều hướng gia tăng, nhất là tại các thành phố lớn, địa phương có cửa khẩu. Long An có đường biên giới hơn 134km với 3 cửa khẩu và 1 lối mở để thực hiện trao đổi, mua bán hàng hóa gồm: Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp; Cửa khẩu chính Mỹ Quý Tây; Cửa khẩu phụ Hưng Điền A và lối mở kênh 28. Vào dịp cuối năm, mặc dù lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát nhưng tình trạng buôn lậu không có dấu hiệu hạ nhiệt mà diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Do đó, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Trong đó, thường xuyên kiểm tra các sản phẩm bánh, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm,...

Hiện nay, nhiều người có xu hướng chuyển từ mua sắm trực tiếp sang mua qua trực tuyến… vì tính tiện lợi nhưng chính kênh phân phối này rất dễ bị trà trộn hàng gian, hàng giả. Nhiều loại hàng hóa được bán qua mạng không được nhập khẩu chính ngạch, không có hóa đơn chứng từ; hàng hóa giả mạo các thương hiệu nổi tiếng núp bóng “hàng xách tay”, thường là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, giày dép,…

Với tâm lý “sính ngoại”, nhiều người thích mua “hàng xách tay” và tin tưởng hoàn toàn vào những người bán hàng qua mạng. Có trường hợp phải chi một số tiền khá lớn cho “hàng xách tay” lại mua nhầm hàng giả nhưng NTD vẫn không biết. Việc mua bán hàng trực tuyến hầu như chưa được quản lý, kiểm soát từ khâu thanh toán, giao hàng, kiểm tra tính hợp pháp và chất lượng hàng hóa. Nhiều trường hợp hàng giả có mẫu mã, bao bì đẹp hơn cả hàng thật khiến NTD dễ nhầm lẫn. Khi mua nhầm hàng giả, trước hết, NTD bị ảnh hưởng về sức khỏe, thiệt hại về cả vật chất lẫn tinh thần. Kế đến, việc hàng giả xâm nhập sẽ gây nhiễu loạn thị trường, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến uy tín của DN.

Tuy nhiên, bên cạnh những người mua nhầm hàng giả thì vẫn còn nhiều NTD muốn sử dụng hàng giả, hàng nhái vì mẫu mã tương tự các thương hiệu nổi tiếng nhưng giá rẻ hơn rất nhiều. Những loại hàng hóa này thường là quần áo, túi xách, đồng hồ, nước hoa,... nhái các thương hiệu và được giới thiệu là hàng F1, like auth (loại hàng cao cấp nhất trong các loại hàng giả). Người bán hàng giả khi bị phát hiện sẽ bị xử lý nhưng với NTD cố tình sử dụng hàng giả chưa có trường hợp nào bị xử lý. Vấn đề được đặt ra là để bảo vệ NTD và DN, cần công bằng trong vấn đề xử lý với cả người bán lẫn người mua.

Để ngăn chặn, đẩy lùi hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, ngoài sự nỗ lực của lực lượng chức năng, NTD cũng phải nâng cao nhận thức, chọn mua sản phẩm từ những kênh phân phối uy tín, chính ngạch. Chung tay đẩy lùi hàng gian, hàng giả nhằm bảo vệ NTD, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, góp phần bình ổn thị trường./.

Tâm An

Chia sẻ bài viết