Bà Đoàn Thị Út đã phát triển thành Cơ sở Mắm cá lia thia Út Lớn
Thời gian qua, huyện Đức Huệ đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 09 của Huyện ủy về phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đối với cây chanh và con bò giai đoạn 2021-2025. Hiện tổng đàn bò của huyện 10.161 con, trong đó 4.100 con được nuôi theo ƯDCNC. Diện tích chanh toàn huyện 2.845ha; trong đó, ƯDCNC gần 200ha.
Trong phát triển sản xuất nông nghiệp, các cấp, các ngành, đoàn thể có nhiều giải pháp, hỗ trợ, giúp đỡ hội viên, nông dân ở huyện phát triển sản xuất, kinh doanh như hỗ trợ vốn, cây, con giống, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hội thảo, mở lớp dạy nghề,... Từ kiến thức được học, phổ biến có những nông dân ở huyện mạnh dạn thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế với các mô hình hay cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như Hợp tác xã Nông nghiệp - dịch vụ - thủy sản Mỹ Thạnh Tây của anh Lê Văn Thông; Tổ hợp tác trồng lúa ƯDCNC ấp 1, xã Mỹ Thạnh Đông; Tổ hợp tác nuôi bò thịt theo hướng ƯDCNC; trồng chanh sử dụng hệ thống tưới thông minh; nuôi gà công nghệ sinh học.
Đặc biệt, nói đến nông dân Đức Huệ, phải nhắc đến ông Võ Quan Huy với biệt danh “vua chuối” Huy Long An. Ông là người mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp và chinh phục được các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc. Trang trại của ông kết hợp nuôi bò, trồng chuối, măng cụt, bưởi đều được đầu tư khép kín và sử dụng công nghệ trong tất cả các khâu từ làm giống, trồng, thu hoạch và đóng gói xuất khẩu. Vì vậy, trang trại Huy Long An được xem là điểm nhấn trong sản xuất ƯDCNC của tỉnh.
Thời gian qua, các cấp, các ngành, đoàn thể ở huyện phối hợp tìm hướng đi cho nông dân nắm bắt xu hướng vận dụng công nghệ vào sản xuất; tích cực tham gia chuyển đổi số; bán sản phẩm trên sàn thương mại điện tử;...
Đặc biệt, với xu thế hội nhập hiện nay, có những nông dân sáng tạo và chủ động tiếp cận hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng các tiêu chuẩn, thương hiệu nhằm hội nhập, phát triển. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Huệ, đến nay, huyện có 3 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao gồm: Mắm chua cá lia thia Út Lớn, Cơm cháy đáy nồi Bihola Food và Ếch sấy khô 1 nắng Út Tơn. Thời hội nhập, nông dân ở huyện sử dụng Internet, mạng xã hội để cập nhật kiến thức sản xuất, kết nối quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường bán hàng, xây dựng thương hiệu.
Từ chuyện “làm chơi để ăn trong nhà”, bà Đoàn Thị Út phát triển thành Cơ sở Mắm cá lia thia Út Lớn, đạt chuẩn OCOP 3 sao. Hiện cơ sở trong quá trình xây dựng thương hiệu đạt chuẩn OCOP 4 sao. Theo bà Đoàn Thị Út, bên cạnh “chiến lược” quảng bá sản phẩm trực tiếp tại các hội chợ thương mại, triển lãm trong và ngoài tỉnh, bà Út Lớn còn gián tiếp quảng bá sản phẩm thông qua các trang mạng xã hội. Nhờ đó, thị trường mắm cá lia thia Út Lớn “tỏa hương” từ Long An sang Bình Dương, Tây Ninh, TP.HCM,... với số lượng 6.000 hũ/tháng. Hiện mắm cá lia thia Út Lớn có mặt trên sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada,... Ngoài ra, cơ sở của bà Út Lớn xây dựng được kênh bán hàng trên TikTok shop với số lượng đơn hàng bán ra khoảng 1.000 đơn.
Nuôi bò phát triển kinh tế
Chủ hộ kinh doanh sản phẩm Cơm cháy đáy nồi Bihola Food (đã đạt chuẩn OCOP 3 sao) - Đỗ Lý Trường Thọ ở ấp Chánh (xã Bình Hòa Bắc) tận dụng công nghệ 4.0 để tập trung chuẩn bị cho mình các kỹ năng bán hàng online thông qua nền tảng TikTok. Tuy nhiên, theo anh Thọ, có nhiều nông dân đang gặp khó khăn, lạ lẫm với quảng bá, bán hàng online, trên sàn điện tử. Do đó, rất cần ngành chức năng quan tâm tập huấn, hướng dẫn các bước thực hiện, đăng ký để vừa bảo đảm nội dung, vừa đúng theo quy định pháp luật.
Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung đề ra các giải pháp hỗ trợ nông dân. Đó chính là tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức của cán bộ Hội các cấp về chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hội nhập quốc tế; quảng bá hình ảnh quê hương, con người, nông sản hàng hóa và tổ chức Hội Nông dân với bạn bè trong và ngoài nước.
Huyện chủ động phối hợp các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất; triển khai, nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ mới theo chuỗi giá trị bảo đảm đạt tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP, GlobalGAP,…; tiếp tục phát động phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Ngoài ra, huyện còn xây dựng các chuỗi cửa hàng trưng bày, giới thiệu và mua, bán sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện; tổ chức đưa cán bộ, hội viên, nông dân nghiên cứu, học tập các mô hình sản xuất và thương mại nông nghiệp hiệu quả cao ở các địa phương khác, từ đó học hỏi và tìm đầu ra cho sản phẩm./.
"Thực hiện chuyển đổi số, hiện nay, huyện Đức Huệ có khoảng 80% hội viên, nông dân cài đặt, sử dụng nền tảng số nông dân Việt Nam, giúp nông dân nắm bắt kịp thời các thông tin, tuyên truyền và định hướng chỉ đạo, điều hành của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Qua đó, nông dân kết nối, thành lập, tham gia các nhóm hội viên để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh; quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tại địa phương”.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Huệ - Đặng Văn Sinh
|
Lê Đức