"Thời gian ơi xin dừng lại đừng trôi
Cho chúng con khoanh tay cúi đầu lần nữa
Gọi tiếng thầy với tất cả tin yêu..." (Thầy)
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường hay giảng đường đại học, trước công ơn sâu nặng của thầy, cô, không phải ai cũng nhận ra và biết tỏ lòng tri ân. Để rồi, khi rời xa trường xưa, thầy cũ, bao kỷ niệm chợt ùa về, có khi cả sự hối lỗi muộn màng và bao tiếng giá như... lại thốt lên. Những người đưa đò thầm lặng ấy vẫn dõi theo từng bước đi của học trò mình.
"Lương sư hưng quốc", chính thầy, cô giáo là người góp công lớn vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Vị trí của người thầy trong xã hội luôn được tôn vinh. Xã hội phong kiến, trong ba ngôi "Quân, Sư, Phụ", người thầy chỉ đứng sau vua, trước cả cha mẹ, cho thấy tôn trọng sự học đến dường nào. Ngày nay, vị trí của người thầy luôn được đề cao, bởi nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Để xứng đáng với sự tin yêu ấy, đội ngũ thầy, cô giáo, những người làm công tác giáo dục luôn nỗ lực hết mình, là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.
Ôn lại truyền thống Ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng ta rất đỗi tự hào về sự đóng góp của đội ngũ thầy, cô giáo vì sự nghiệp "trồng người". Làm sao có thể quên được, mới bập bẹ tiếng "mẹ", "cha", cô giáo chính là người mẹ thứ hai chăm lo miếng ăn, giấc ngủ và dạy bảo các em. Vào bậc tiểu học, thầy, cô nắn nót từng nét chữ, luyện cách phát âm, dạy từng phép tính để học trò của mình chuẩn bị cho hành trình chinh phục tri thức. Bao kiến thức có được suốt quãng đời học sinh, sinh viên đều mang đậm dấu ấn người thầy, bởi "Mẹ ru em ngủ tròn đêm/ Thầy ru khi mặt trời lên mỗi ngày" (Lời ru của thầy).
Sâu nặng như thế, nhưng không phải học trò nào cũng hiểu được. Sự tinh nghịch của cái tuổi "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” cùng sự nông cạn trong suy nghĩ và hành động không khỏi làm thầy, cô buồn lòng. Thế nhưng, với tấm lòng bao dung của một người mẹ, người cha, bao lỗi lầm ấy đều được thứ tha.
Thầy, cô là vậy đó, luôn vì học trò thân yêu của mình. Dẫu bao lớp học trò đến rồi đi, người thầy vẫn gắn bó với bảng đen, phấn trắng để gieo tri thức, trồng nhân cách cho thế hệ tương lai: "Bao năm rồi? Đã bao năm rồi hở? Thầy ơi.../ Lớp học trò ra đi, còn thầy ở lại/ Mái chèo đó là những viên phấn trắng/ Và thầy là người đưa đò cần mẫn/ Cho chúng con định hướng tương lai" (Thầy). Ơn thầy sâu nặng, có cả sự hy sinh nhưng không đòi hỏi sự đáp đền, chỉ mong các lớp học trò của mình được lớn thành người.
Đối với thầy, cô, chính sự trưởng thành của học trò, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và trở thành người có ích cho xã hội là món quà tri ân, niềm hạnh phúc lớn nhất. Nhớ ơn thầy, cô, những ai từng ngồi trên ghế nhà trường hãy biến những tri thức có được thành hoa thơm trong cuộc sống, để những người mà chúng ta mang nặng thâm ân luôn tự hào về các thế hệ học sinh của mình.
"Cuộc đời cho dẫu về muôn nẻo
Vẫn nhớ thầy ơi! Chẳng thể quên!!!" (Bụi phấn xa rồi).
Long An