Tiếng Việt | English

17/12/2018 - 14:57

Ông Sơn sáng chế

Không khó để chúng tôi tìm được nhà ông Đinh Văn Sơn (59 tuổi), ngụ ấp 1, xã Long Cang, huyện Cần Đước, tỉnh Long An bởi ở vùng này, ông là người nổi tiếng với những sáng chế máy móc. Người dân ở đây vẫn thường gọi ông là “nhà sáng chế” Đinh Văn Sơn.

Ông Sơn với những máy móc do bản thân sáng chế

Ông Sơn với những máy móc do bản thân sáng chế

Đang bận bịu với công việc lắp ráp những bộ phận cuối cùng của chiếc máy cám viên để giao cho một khách hàng ở tận tỉnh Quảng Ninh nhưng ông Sơn vẫn liên tục dừng lại để nghe những cuộc điện thoại của khách hàng khác gọi tới. Cũng vì nhu cầu thị trường nhiều nên suốt ngày ông cứ bận bịu với gò, hàn, lắp ráp máy móc.

Sáng chế ra đời từ những lần chăn nuôi thua lỗ

Dù hiện nay, mọi người thường gọi ông Sơn là “nhà sáng chế” máy móc nông nghiệp nhưng ông vẫn tự nhận mình là ông nông dân. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê xã Long Cang trong gia đình nông dân nên ông Sơn quá quen thuộc với ruộng đồng, chăn nuôi. Bao vất vả, cực nhọc của người nông dân, ông đều thấu hiểu.

Do ruộng đất ít nên nhiều năm, ông và vợ còn mua một chiếc ghe đi mua lúa, tràm bán kiếm lời ở vùng Đồng Tháp Mười. Sau 20 năm cùng vợ bươn chải mưu sinh dọc ngang vùng sông nước, năm 2006, ông và vợ quyết định bán chiếc ghe lấy 150 triệu đồng về nhà chăn nuôi heo, cá, gà, vịt.

Không dễ như suy tính ban đầu, 2 năm đầu, ông lỗ gần hết vốn. Cũng từ đó, ông suy nghĩ, tính toán lại thì nhận ra rằng, trong chăn nuôi, ngoài giá cả, dịch bệnh thì còn có phần giá thức ăn công nghiệp cao. Thế là, ông bắt đầu suy nghĩ tại sao không tận dụng những phế phẩm: Cơm thừa, rau, củ, quả bị hư, ruột gà, ruột cá, ốc bươu vàng,... để làm thức ăn cho cá, gà, heo?

“Thế nhưng, chăn nuôi không phải vài con mà quy mô hàng trăm con thì làm sao để sử dụng được nguồn phế phẩm này từ ngày này qua ngày khác mà không bị hư? Câu hỏi tự đặt ra và tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện làm ra chiếc máy để ép, sấy khô những phế phẩm đó và xay thành cám để giữ lại lâu dài làm thức ăn cho heo, gà, cá sử dụng được dài ngày” - ông Đinh Văn Sơn chia sẻ.

Nghĩ là làm, năm 2011, ông bắt tay vào sáng chế máy ép, sấy cám làm thức ăn để phục vụ chăn nuôi của gia đình. Ngày này qua ngày khác, người thân cứ thấy ông bận bịu với những đống sắt, thanh nhôm rồi cắt, gò, hàn, tháo ra, lắp vào,... nên thấy làm lạ. Bởi chuyện một nông dân rặt, học chưa hết lớp 9, không qua đào tạo về cơ khí, lắp ráp mà thực hiện đề tài táo bạo là sáng chế, lắp ráp máy móc thì nghe rất lạ lùng. Vợ ông thấy chồng nhiều bữa quên ăn, chỉ làm bạn với sắt, nhôm cũng lo lắng nhưng hiểu được ý tưởng, năng lực của chồng nên cũng động viên.

“Nhiều người thấy tôi suốt ngày “chơi” với sắt thép nên đến coi rồi về mà không hiểu gì cả. Có những người nghe tôi nói sáng chế máy móc đã không nghĩ tôi thành công. Tuy nhiên, bản thân tôi rất tin tưởng mình làm được, miễn sao phải kiên trì và đam mê. Cứ thế, phương châm của tôi là “thua keo này, bày keo khác”, sai thì sửa” - ông Sơn kể.

Đến nhà sáng chế “nổi tiếng”

Với khả năng cơ khí của mình và sự kiên trì lao động, sau 3 năm mày mò, nghiên cứu, lắp đặt, ông sáng chế thành công chiếc máy ép, sấy cám viên làm thức ăn cho gia súc, gia cầm trong sự khâm phục của nhiều người. Máy có chiều cao chưa đến 1m, dài khoảng 2m, nặng 230kg. Khi cắm điện vận hành thì cám gạo, bắp và các phụ phẩm như cơm thừa, rau, củ, quả bị hư, ruột gà, ruột cá, ốc bươu vàng,... bỏ vào sẽ được xay nhỏ, ép, sấy chế biến thành cám viên làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, cá để thay cám công nghiệp.

Những thứ phụ phẩm này rất dễ kiếm, thậm chí xin người ta cũng cho, nhất là ở các chợ. Cám làm từ máy của ông Sơn sáng chế ra cũng nhỏ, mịn, khô, có thể đóng bao để thời gian lâu chẳng khác gì cám công nghiệp. Từ ứng dụng hiệu quả, thiết thực phục vụ chăn nuôi, năm 2013, chiếc máy ép, sấy cám viên của ông Sơn đoạt giải nhì tại hội thi sáng tạo tỉnh Long An và giải tư tại hội thi sáng tạo toàn quốc do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.

Sau khi thấy chiếc máy ứng dụng hiệu quả vì giảm được một nửa chi phí so với mua cám công nghiệp, ông Sơn rủ một số thanh niên, bạn bè ở địa phương có năng khiếu về cơ khí làm máy bán. Kể từ đó, ông chuyển sang lĩnh vực mới là sáng chế, sản xuất máy móc ứng dụng trong nông nghiệp chứ không chỉ là người chăn nuôi.

Ngay khi máy bán ra thị trường, ông nhận được những phản hồi rất tích cực khi có nhiều người gọi điện đặt hàng. Do khách đặt hàng ngày càng nhiều nên kể từ đó, kinh tế gia đình ông cũng khấm khá lên. Năm 2013, ông Sơn mở hẳn một xưởng cơ khí để “sản xuất” máy bán. Thời gian qua, xưởng cơ khí của ông tạo việc làm ổn định cho 10 người ở địa phương làm việc với mức lương từ 6-10 triệu đồng/người/tháng.

Như anh Nguyễn Hoàng Tuấn (SN 1999), ngụ xã Long Cang, do hoàn cảnh gia đình nên phải nghỉ học giữa chừng. Cách đây 4 năm, anh Tuấn đến gặp ông Sơn xin vào làm việc ở xưởng. Chỉ nghe câu nói của người thanh niên trẻ: “Muốn bắt sắt biết cử động”, ngay lập tức, ông Sơn nhận anh vào làm việc. Từ sự kèm cặp, chỉ dẫn của ông Sơn, hiện nay anh Tuấn trở thành thợ có tay nghề “cứng” với mức lương 9 triệu đồng/tháng. Hay trước đó, ông Sơn còn nhận ông Châu Văn Hùng, hơn 60 tuổi, vào làm để ông có thu nhập nuôi con học đại học.

Ông Sơn và thợ cùng lắp đặt máy

Ông Sơn và thợ cùng lắp đặt máy 

Sau khi sáng chế thành công chiếc máy ép, sấy cám viên, trong 2 năm 2013 và 2014, ông Sơn lại tiếp tục sáng chế thành công máy tự động hút rầy, xịt lúa. Chiếc máy này được ông sáng chế từ những lần bản thân phải mang vác bình đi xịt thuốc diệt rầy cho lúa vất vả, có lần bị té ngã bị thuốc đổ vào người. Máy hút rầy được điều khiển bằng hệ thống tự động và bắt rầy đạt tỷ lệ khá cao. Đưa máy này đi thi, ông Sơn được giải nhì tại hội thi sáng tạo nhà nông do Hội Nông dân tỉnh tổ chức và hạng nhì tại hội thi sáng tạo toàn quốc do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức. Chưa dừng lại, năm 2015, ông tiếp tục sáng chế ra máy ép, sấy cám viên cho tôm. Tất cả những chiếc máy trên đều được ông Sơn đăng ký bản quyền. Đặc biệt, trong năm 2018, ông tiếp tục sáng chế và hoàn thành chiếc máy xử lý phân chuồng. Máy có khả năng xử lý nhanh phân chuồng, rút ngắn thời gian rất nhiều so với ủ thông thường; điều đặc biệt, nước thải cũng được xử lý triệt để. Phân chuồng sau khi qua máy ủ, xử lý thì đưa ra đóng bao để khi cần bón cho cây trồng hoặc có thể bán. “Chiếc máy ủ phân tôi sáng chế xuất phát từ một lần nghe nông dân than vãn mùi hôi thối do phân heo, trâu, bò, nước thải từ chuồng trại gây ra nhưng không biết đổ đâu” - ông Sơn cho biết.Trò chuyện với chúng tôi, ông Sơn cho biết, trong 4 máy do ông sáng chế, lắp ráp thì máy ép, sấy cám viên đang thể hiện tính nổi bật nhất vì đã được sử dụng rộng rãi. Đến nay, máy ép, sấy cám viên được ông cải tiến ngày càng hiện đại, tiết kiệm điện năng hơn nhiều so với lúc đầu. Hiện chiếc nhỏ nhất có công suất sấy 0,5 tấn/8 giờ, trong khi đó, loại lớn nhất là 8 tấn/8 giờ. Từ năm 2013 đến nay, ông Sơn bán ra thị trường hơn 2.000 chiếc máy ép, sấy cám viên. Tùy vào công suất của máy mà có giá khác nhau nhưng loại thấp nhất là 32 triệu đồng/máy, còn loại cao nhất là 120 triệu đồng/máy. Khách hàng mua máy của ông có ở khắp mọi miền đất nước từ các tỉnh miền Tây Nam bộ, miền Đông, Tây Nguyên đến các tỉnh miền núi ở phía Bắc. Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Cang - Đặng Thị Thủy nhận xét: “Ông Sơn là hội viên nông dân điển hình ở địa phương. Những sáng chế máy móc của ông không chỉ tự làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn rất thiết thực, giúp ích nhiều cho nông dân. Cũng từ thành tích sáng chế nổi bật mà ông nhiều lần được các cấp, các ngành từ tỉnh đến Trung ương biểu dương. Ông Sơn là tấm gương sáng về tinh thần tự học, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm”./.

Ngoài những sáng chế máy móc ứng dụng trong nông nghiệp, ông Đinh Văn Sơn còn tự sáng chế, thiết kế, lắp đặt các thiết bị cho căn nhà lầu đang ở. Căn nhà được thiết kế, xây dựng theo kiểu vừa hiện đại, vừa truyền thống. Điều đặc biệt, ông còn tự thiết kế và lắp đặt hệ thống thang máy trong nhà và hệ thống điều khiển đóng, mở cổng từ xa.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết