Tiếng Việt | English

10/03/2023 - 09:54

Phát triển kinh tế hộ, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống

Phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có; ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào sản xuất; mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm,... giúp các mô hình phát triển kinh tế ở địa phương đạt hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân.

Thay đổi để thành công

Nuôi tôm thường xuyên bị thua lỗ, năm 2021, chị Lê Thị Liên Mai (xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) quyết định chuyển 3 ao nuôi tôm với diện tích 5.000m2 sang nuôi cá chốt trứng. Chị Mai chia sẻ: “Trong 20 năm nuôi tôm, những năm đầu, gia đình tôi cũng thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm nhưng về sau càng thua lỗ. Vì vậy, tôi chuyển sang nuôi cá chốt trứng, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Mỗi năm, tôi thu hoạch khoảng 15 tấn cá, bán với giá 120.000-150.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, còn lãi trên 400 triệu đồng”.

Chị Lê Thị Liên Mai nuôi cá chốt trứng

Theo chị Mai, kỹ thuật nuôi cá chốt trứng không khó nhưng quan trọng nhất là giai đoạn trước thu hoạch 2 tháng cần phải sử dụng thức ăn có tỷ lệ đạm cao 40-45% nhằm tăng trọng cho cá. Ngoài ra, trong quá trình nuôi cần phải xử lý nước ao và diệt cá tạp nhằm tránh hao hụt đầu con cá chốt. Trong quá trình nuôi, cá chốt thường bị nấm, ghẻ, để giảm thiểu cá bị bệnh phải xử lý nước trong ao nuôi định kỳ bằng thuốc diệt khuẩn. Cá chốt nuôi khoảng 6 tháng đạt kích cỡ 30-35 con/kg thì có thể thu hoạch.

Để thành công với mô hình nuôi cá chốt trứng, chị Mai cũng trải qua những tháng ngày khó khăn, vất vả. Chị Mai chia sẻ: “Thấy mô hình nuôi cá chốt hiệu quả, tôi mua 5.000 con giống với số tiền trên 10 triệu đồng. Thế nhưng, con giống kém chất lượng và tôi cũng chưa am hiểu kỹ thuật nên cá nuôi được 1 tháng thì chết hết. Sau đó, qua bạn bè giới thiệu, tôi biết được nguồn con giống tốt, khỏe ở tỉnh Cà Mau nhưng phải đặt cọc trước mấy tháng mới có. Hiện gia đình tôi không chỉ bán cá chốt thương phẩm mà còn cho cá sinh sản, tự tạo con giống. Tôi quyết định gắn bó lâu dài với mô hình nuôi cá chốt trứng, bởi phù hợp với điều kiện kinh tế và sức khỏe của hai vợ chồng”.

Phát huy tiềm năng sẵn có

Vào các ngày lễ, tết, giỗ, người miền Nam thường dâng lên bàn thờ tổ tiên bánh tét, bánh ú, bánh ít,... nhằm thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà; sau đó, để đãi khách và làm quà biếu người thân, bạn bè. Nắm bắt nhu cầu đó, bà Trần Thị Hai (xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh) tập hợp phụ nữ trong xóm thành lập mô hình Làm bánh dân gian. Bà là người đứng ra nhận các đơn hàng, sau đó tổ chức cho các chị em làm bánh.

Mô hình Làm bánh dân gian góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh

Bà Hai chia sẻ: “Trên địa bàn xã dễ tìm các nguyên liệu để gói bánh và có giá tương đối thấp như chuối sứ, chuối xiêm, gạo nếp, lá chuối,... Hiện mô hình có 8 thành viên tham gia, bình quân thu nhập 300.000 đồng/ngày/người. Việc làm bánh cũng khá quen thuộc với phụ nữ nông thôn nên khi bắt tay vào làm, các chị em dễ dàng thích nghi”.

Lúc đầu, mô hình gặp một số khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm nhưng nhờ bánh thơm ngon nên ngày càng được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến. Hiện bà Hai còn chia sẻ đơn hàng cho vợ chồng ông Trang Văn Học và bà Trần Thị Tâm (xã Tân Thành). Bà Tâm bộc bạch: “Trước đây, chồng tôi thường hay tụ tập bạn bè nhậu nhẹt, ít quan tâm đến gia đình, một mình tôi phải gồng gánh mọi chuyện trong nhà. Thấy vậy, bà Hai chia bớt đơn hàng cho vợ chồng tôi làm, nhờ đó gia đình tôi có thu nhập gần 9 triệu đồng/tháng”.

Vợ chồng ông Trang Văn Học có việc làm ổn định nhờ mô hình Làm bánh dân gian được nhân rộng

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

Trồng lúa ƯDCNC là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Khi ƯDCNC, nông dân giảm được chi phí sản xuất, tăng năng suất, lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác và nâng tầm nông sản địa phương. Theo đó, mô hình trồng lúa ƯDCNC đang được các địa phương tích cực triển khai và nhân rộng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng (bên phải) tiếp tục nhân rộng mô hình trồng lúa ứng dụng công nghệ cao

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam huyện Tân Hưng - Đặng Văn Khoa cho biết: “Nhằm tạo điều kiện cho nông dân tham gia vùng lúa ƯDCNC, Hội tranh thủ các nguồn lực từ tỉnh đến địa phương đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống,... ứng dụng vào sản xuất. Riêng năm 2023, thông qua Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh, Hội tạo điều kiện cho 12 hộ tham gia dự án Nông nghiệp ƯDCNC, bình quân mỗi hộ được vay từ 30-50 triệu đồng”.

Anh Lê Văn Thắng (ấp 4, xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng) cho biết: “Tham gia mô hình trồng lúa ƯDCNC, tôi thu lợi nhuận từ 3-5 triệu đồng/ha, cao hơn so với ngoài mô hình. Đặc biệt, tôi áp dụng được phương pháp sạ thưa; sử dụng phân bón hữu cơ, máy bay không người lái để phun thuốc,...”.

Ông Lê Văn Thắng (bên trái) ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa, góp phần tăng năng suất, lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác

“Hiện tôi chuẩn bị trồng 2ha lúa theo hướng hữu cơ và đang tìm đầu ra cho sản phẩm. Khi tham gia mô hình trồng lúa ƯDCNC giúp tôi thay đổi cách nghĩ, cách làm, nhất là cải thiện thu nhập so với trồng lúa theo cách truyền thống” - anh Nguyễn Quốc Hùng (ấp 4, xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng) bày tỏ.

Bằng bàn tay, khối óc cùng sự cần cù, chịu khó của nông dân, hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích