Tặng quà cho người nghèo
Sôi nổi với hoạt động từ thiện xã hội
Những ngày đầu hạ, chúng tôi có dịp về huyện Cần Giuộc và cảm nhận không khí Phật đản tươi vui đang tràn ngập nơi đây. Hàng loạt lá cờ Phật giáo đang tung bay trong gió, những băng rôn, khẩu hiệu, biểu ngữ kính mừng ngày Đức Phật đản sinh được treo khắp các nẻo đường.
Điểm sáng của đồng bào Phật giáo trên địa bàn huyện Cần Giuộc trong thời gian qua là rất mực quan tâm đến công tác nhân đạo, từ thiện xã hội. Nhiều vị trụ trì đã vận động phật tử đóng góp để hỗ trợ mổ mắt, đục thủy tinh thể ở trẻ em, người già neo đơn; tặng quà, trao học bổng cho học sinh vượt khó, xây tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương; phối hợp các đoàn y, bác sĩ đến khám, điều trị bệnh và phát thuốc miễn phí cho người nghèo trên địa bàn huyện. Theo Hòa thượng Thích Huệ Bạch - Trưởng ban Trị sự Phật giáo huyện, để làm được những việc làm ý nghĩa trên, Ban Trị sự đã tích cực tuyên truyền, vận động phật tử tiếp tục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Nhờ đó, chỉ trong năm qua, Ban Trị sự và tăng, ni, phật tử đã vận động hỗ trợ xây dựng được 22 căn nhà tình thương; 13.000 phần quà cho hộ nghèo; 60.000 phần quà cho thiếu nhi,... với tổng kinh phí trên 9,5 tỉ đồng.
Cùng với tín đồ Phật giáo huyện Cần Giuộc, các chư tăng, ni, phật tử ở các chùa, tịnh xá trên địa bàn tỉnh, như: Tịnh xá Ngọc Tâm (TP.Tân An), chùa Phật Bửu (huyện Tân Thạnh), chùa Linh Nguyên (huyện Đức Hòa),... đã tích cực duy trì bếp ăn từ thiện, mở phòng thuốc Nam từ thiện, khám và điều trị bệnh bằng phương pháp châm cứu, bấm huyệt, qua đó mang lại sức khỏe và niềm vui cho nhiều bệnh nhân nghèo. Từ lâu, chùa Bửu Vân (xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ) do Thượng tọa Thích Huệ Vân làm trụ trì được dân nghèo biết đến giống như “chiếc phao cứu sinh” giúp đỡ họ trong những lúc nguy khốn. Cứ vào thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, chùa tổ chức nấu, phát miễn phí hàng trăm suất cơm chay cho bệnh nhân nghèo, khó khăn tại Bệnh viện Nguyễn Văn Tuyên (thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ); vận động hàng ngàn phần quà, lồng đèn tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, với tổng kinh phí gần 100 triệu đồng. Đặc biệt, các tăng, ni, phật tử và tín đồ tôn giáo chùa Bửu Vân còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội mang giá trị nhân văn sâu sắc như phục vụ hậu cần tại Khu di tích Vàm Nhựt Tảo nhân dịp tổ chức lễ giỗ và kỷ niệm chiến thắng Vàm Nhựt Tảo của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.
Ngoài ra, nhiều chùa còn quan tâm đến công tác giáo dục, chăm sóc thế hệ thanh thiếu niên, nhi đồng. Điển hình như Trường Tiểu học & THCS Bồ Đề Phương Duy của chùa Long Thạnh (huyện Thủ Thừa), nhiều năm qua đã tích cực nuôi dưỡng, dạy học cho hàng trăm trẻ em cơ nhỡ, mồ côi nên người; chùa Ấn Chứng (huyện Đức Hòa) đã vận động hỗ trợ hàng trăm triệu đồng và nhiều dụng cụ học tập cho học sinh nghèo hiếu học hằng năm; chùa Bửu Vân (huyện Tân Trụ) duy trì 2 lớp học vi tính tình thương với trên 40 trẻ em nông thôn tham gia. Đặc biệt, chùa Giác Nguyên (Cần Giuộc), chùa Long Phước (TP.Tân An) thường xuyên tổ chức các khóa tu mùa hè cho thanh thiếu niên. Đến với khóa học này, các em sẽ được các sư thầy giảng dạy về đạo lý nhà Phật, qua đó giúp các em rèn luyện về nhân cách, biết hiếu thảo với cha mẹ, lễ phép với ông bà; không trộm cắp, không lừa đảo, không nói dối. Những trẻ quá hiếu động sẽ được các thầy dạy ngồi thiền để tâm trí được tĩnh hơn,...
Chung tay xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới
Song song với các hoạt động từ thiện xã hội như nấu cơm, khám bệnh từ thiện, vận động xây tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương,... các chư tăng, ni, phật tử trên địa bàn tỉnh còn quan tâm đến các hoạt động hưởng ứng phong trào xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới mà chính quyền địa phương phát động. Theo đó, rất nhiều công trình, phần việc có ý nghĩa thiết thực đã được Phật giáo tỉnh nhà mang lại cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới còn nhiều khó khăn. Cho đến bây giờ, bà Tô Thị Hồng Thủy, người dân xã biên giới Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng vẫn còn giữ nguyên vẹn niềm vui của những ngày đầu khánh thành chiếc cầu treo bắc ngang đôi bờ sông Vàm Cỏ Tây. Theo bà, trước đây, người dân khu vực chùa Nổi (Cổ Sơn Tự), muốn đến trung tâm xã phải lụy đò. Có những lúc trời mưa, gió lớn, hành khách và xe như muốn rơi cả xuống sông. Thương nhất là thấy các em học sinh, ngày qua ngày phải đi qua chốn nguy hiểm này để đến trường. Trong khi đó, nguồn ngân sách địa phương không đủ sức để đầu tư. Hiểu được nỗi khổ của người dân, nhiều tăng, ni, phật tử gần xa đã vận động xây dựng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Chiếc cầu “ý Đảng, lòng dân” ấy nhanh chóng được hoàn thành với kinh phí trên 1 tỉ đồng, giúp người dân đi lại dễ dàng hơn.
Cũng nhờ có những công trình phục vụ dân sinh, những hoạt động thiện nguyện của các “kỹ sư áo nâu” chùa Giác Hoa mà xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh bây giờ đã được công nhận xã nông thôn mới. Trước đây, một trong những tiêu chí gây trở ngại lớn nhất trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương chính là cầu, đường nông thôn đi lại còn hạn chế. Hưởng ứng lời phát động của Nhà nước, Đại đức Thích Lệ Tấn - Trụ trì chùa Giác Hoa đã vận động hàng chục tỉ đồng thực hiện công tác xã hội, trong đó dành khoảng 10 tỉ đồng bắc trên 50 cây cầu bêtông cốt thép trong và ngoài xã. Đặc biệt, cuối năm 2013, công trình cầu treo bắc qua kinh Dương Văn Dương được khởi công xây dựng với chiều dài 80m, rộng 3m, tải trọng 3,5 tấn, tổng giá trị 1,6 tỉ đồng (trong đó, ngân sách địa phương chi khoảng hơn 700 triệu đồng, số còn lại do các phật tử, nhà hảo tâm, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân đóng góp). Điều đáng nói là những chiếc cầu giá thành rẻ nhưng bền, đẹp, được ngành Xây dựng cấp phép mang thương hiệu “kỹ sư áo nâu” - Đại đức Thích Lệ Tấn không chỉ xuất hiện ở những vùng quê nghèo ở huyện Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Tân Trụ, Châu Thành mà còn đến một số tỉnh lân cận như Tiền Giang, Đồng Tháp,...
Không chỉ tham gia xây dựng cầu, đường, các chư tăng, ni, phật tử trên địa bàn tỉnh còn tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nhất là tham gia giữ gìn an ninh, trật tự xã hội xóm, ấp. Chùa Khánh Ninh, xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc là một điển hình về giáo dục, thuyết phục tăng, ni, phật tử, tín đồ trong và ngoài cơ sở thờ tự về lòng yêu nước, tự hào dân tộc, lòng bác ái, vị tha, chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước, sống tốt đời, đẹp đạo. Đặc biệt, các tăng, ni, phật tử của chùa còn có chung một tấm lòng tích cực hưởng ứng tốt mô hình “Mỗi công dân là một an ninh viên” do Công an huyện phát động. Nhờ đó, thời gian qua, tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn dân cư luôn được giữ vững, nhân dân yên tâm lao động sản xuất, làm giàu chính đáng.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Thị Nhanh, trong những năm qua, cùng với các tôn giáo, Phật giáo trong tỉnh đã đóng góp tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước, sống “Tốt đời - đẹp đạo”, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc nói chung và khối đại đoàn kết đồng bào các tôn giáo, Phật giáo nói riêng trong thời kỳ mới, qua đó, góp phần xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Một mùa Phật đản lại về, mong cho các tăng, ni, phật tử phát huy tinh thần từ bi của Đức Phật và truyền thống "hộ quốc an dân" của Phật giáo Việt Nam để góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc theo tinh thần phụng sự lợi ích Giáo hội, gắn liền với lợi ích của dân tộc,...
Theo Đại đức Thích Lệ Trí - Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An, toàn tỉnh hiện có 307 chùa, 1.300 tăng, ni. Trong những năm qua, hoạt động nhân đạo, từ thiện xã hội luôn được đồng bào Phật giáo trên địa bàn tỉnh rất mực quan tâm. Trung bình mỗi năm, có hơn 50 tỉ đồng được vận động xây dựng cầu, đường, nhà tình thương, nhà tình nghĩa; khám, chữa bệnh, tặng quà,... cho người nghèo trong và ngoài tỉnh.
Hữu Bằng