Mô hình Cổng rào an ninh, trật tự góp phần phòng ngừa tội phạm
Thời gian qua, MTTQ các cấp phối hợp các tổ chức thành viên và lực lượng công an trong tỉnh Long An thực hiện Chương trình phối hợp số 09/CTr-BCA-MTTW, ngày 01/8/2013 giữa Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ Công an về “Đẩy mạnh phong trào TDBVANTQ trong tình hình mới”. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, cán bộ hưởng ứng được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú như tư vấn pháp luật, hội thảo, sinh hoạt “Ngày Pháp luật”; “Tiết Pháp luật”; câu lạc bộ pháp luật, hòa giải ở cơ sở, tủ sách pháp luật,...
Các tổ chức, đoàn thể cùng công an địa phương tiếp tục xây dựng và thực hiện nhiều mô hình tự phòng, tự quản hiệu quả như Tiếng kẻng vùng biên; Có đèn trước ngõ, có kẻng trong nhà; Nhà nhà tự quản, Người người phòng, chống tội phạm; Nhà trọ an toàn về ANTT; Nhà trọ công nhân tự quản; Dân phòng liên ranh, đấu tranh chống tội phạm; Tổ an ninh xung kích công nhân; Cổng ANTT; kết hợp mô hình Ánh sáng văn minh, ANTT; Tiếng loa ANTT; Camera giám sát ANTT; Móc khóa an toàn ANTT;…
Theo Thượng tá Nguyễn Minh Sáng - Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh, mô hình Camera giám sát ANTT, đến nay có 178/192 xã, phường, thị trấn lắp đặt 47.783 camera (cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường có 19.732 camera; hộ gia đình 10.161 camera; huyện, xã lắp đặt 2.322 trạm với 17.890 camera và 1.042 biển cảnh báo tuyến đường có Camera ANTT) với tổng kinh phí trên 33,057 tỉ đồng. Trong đó, xã hội hóa 26,2 tỉ đồng, kinh phí địa phương 6,9 tỉ đồng.
Thượng tá Vũ Minh Tùng - Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, thông tin, đến nay, 44/44 ấp biên giới thuộc 20 xã biên giới ở các huyện: Đức Huệ, Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường đều thực hiện mô hình Tiếng kẻng vùng biên.
Theo thông tin từ UBMTTQ Việt Nam tỉnh, phong trào TDBVANTQ huy động được nhiều lượt cán bộ, đoàn viên, hội viên, quần chúng nhân dân tham gia cùng lực lượng nòng cốt ở cơ sở tiến hành nhiều biện pháp giữ gìn ANTT tại chỗ theo phương châm “Tự phòng, tự quản, tự hòa, tự bảo vệ”.
Qua 5 năm thực hiện Chương trình phối hợp số 09 về đẩy mạnh phong trào TDBVANTQ trong tình hình mới giai đoạn 2013-2018, Công an tỉnh phối hợp triển khai 2 kế hoạch chuyên đề về tăng cường tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tập trung ở các xã, thị trấn trên tuyến Quốc lộ N2, 50.
Theo đó, cán bộ và người dân cung cấp cho lực lượng chức năng 10.153 nguồn tin có giá trị, làm rõ, xử lý 6.271 vụ, việc liên quan ANTT; bắt 124 đối tượng có lệnh truy nã; vận động 236 đối tượng phạm tội lẩn trốn ra đầu thú. Đặc biệt, quần chúng tham gia vây bắt 574 đối tượng phạm tội quả tang; quản lý, giáo dục tiến bộ 2.642 trường hợp.
Các cấp, các ngành, đoàn thể tích cực thực hiện công tác hòa giải, góp phần xây dựng mối đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng. Riêng MTTQ các cấp, từ năm 2013 đến 2018, tiếp nhận 12.112 đơn, thư, trong đó hòa giải thành 86,2%.
Theo Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh - Lê Văn Hùng, phong trào TDBVANTQ tiếp tục đi vào chiều sâu và đạt nhiều kết quả quan trọng. Phong trào tiếp tục khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý thức cảnh giác, tinh thần làm chủ trên mặt trận bảo vệ ANTT của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.
“Từ phong trào này đã nâng cao ý thức, trách nhiệm và huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và nhân dân tích cực tham gia đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ vững ANTT. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương” - ông Lê Văn Hùng đánh giá./.
Vũ Quang