Giám sát và phản biện xã hội là chức năng cơ bản của báo chí. Nếu chỉ thông tin con số, thống kê, nhận định, hình ảnh rập khuôn trên mặt báo thì tin, bài đó sẽ nhạt và sang hôm sau, người đọc sẽ quên. Nhưng nếu sự kiện, con số đó được phản biện sâu sắc, có tình, có lý dưới góc nhìn đa chiều, phát hiện những điều mới mẻ, khác lạ thì không chỉ nâng tầm của tờ báo mà còn góp phần rất lớn cho sự thay đổi xã hội.
Phản biện xã hội góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn, các chính sách hoàn thiện hơn khi đi vào cuộc sống. Những phản biện, bình luận tốt sẽ tác động đến những người làm chính sách, làm thay đổi quan niệm cũ, lỗi thời, thậm chí là những quyết định đã được xác quyết ở cấp cao nhất tưởng chừng như “đinh đóng cột”.
Thông qua báo chí, người dân có thể phát biểu ý kiến, nguyện vọng của mình về các vấn đề trong đời sống xã hội, qua đó, thể hiện sự giám sát và phản biện xã hội của mình. Bởi thế, vai trò, chức năng phản biện của báo chí ngày càng được khẳng định và niềm tin của công chúng đối với cơ quan truyền thông cũng được nâng lên.
Nhà báo thực hiện các đề tài phản biện xã hội gặp nhiều khó khăn. Bởi vẫn có một số cơ quan, lãnh đạo chưa xem báo chí là đối tác mà là một thách thức. Để báo chí thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, người làm báo cần nâng tầm tri thức để nhìn nhận, đánh giá sự việc thấu đáo, tổ chức thông tin chính xác và định hướng dư luận đúng đắn, phù hợp.
Cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí với các cơ quan chủ quản báo chí và từng cơ quan báo chí; nâng cao hiệu quả hoạt động giao ban báo chí theo hướng bảo đảm đúng thành phần; giữ vững kỷ luật thông tin; tăng cường cung cấp thông tin, đối thoại, trao đổi giữa cơ quan chỉ đạo, quản lý, cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan báo chí.
Nước ta rất cần xây dựng một cơ chế phản biện xã hội tốt nhằm giúp Đảng, Nhà nước sâu sát đời sống thực tiễn, đưa ra các quyết định đúng đắn, phù hợp với lợi ích dân tộc cũng như tâm tư, nguyện vọng của người dân. Phản biện của báo chí góp phần làm cho hoạt động của Đảng, Chính phủ hiệu quả và thiết thực hơn, tránh được những sai lầm do chủ quan, duy ý chí khi đưa ra quyết sách lớn mà không có sự tham gia của phản biện xã hội./.
Lệ Quyên