Nhiều mô hình mới, hiệu quả
Để phát huy điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển một số mô hình nông nghiệp dựa trên thế mạnh của từng địa phương. Từ đó, nhiều mô hình được triển khai hiệu quả, góp phần thay đổi mạnh mẽ về tư duy cũng như kỹ thuật canh tác của người dân địa phương.
Được xem là một trong những mô hình sản xuất nông nghiệp mới được triển khai hiệu quả, vườn sầu riêng gần 1ha của gia đình ông Lương Văn Út, ngụ ấp Kênh Tè, xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An tạo hiệu quả tốt trong việc nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Theo ông Út, sau thời gian trồng lúa không hiệu quả, năm 2016, ông quyết định chuyển sang loại cây trồng khác. Ban đầu, ông tự tìm tòi, học hỏi trên sách, báo nhiều mô hình. Sau một thời gian cân nhắc, ông quyết định cải tạo đất lúa thành vườn sầu riêng.
Ông Út cho biết: “Sau thời gian tham khảo, nghiên cứu mô hình trồng sầu riêng ở tỉnh Bến Tre, tôi quyết định về địa phương cải tạo ruộng thành vườn. Giống sầu riêng được tôi chọn trồng là Monthong”.
Mô hình trồng sầu riêng bước đầu mang lại hiệu quả cao (Ảnh tư liệu)
Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, vườn sầu riêng của ông Út cho năng suất khá cao, giá bán ổn định, dao động từ 40.000-60.000 đồng/kg tại vườn. Vụ vừa rồi, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng giá sầu riêng vẫn đạt trên 40.000 đồng/kg, lợi nhuận mang lại khoảng 80 triệu đồng/ha. Ngoài ra, tận dụng các rãnh nước trông vườn, ông còn thả nuôi thêm các loại cá: Lóc, rô phi,... để cải thiện thu nhập.
Qua quá trình trồng cho thấy, cây sầu riêng cũng tương đối dễ trồng, có khả năng thích nghi tốt trong môi trường nhiễm phèn và mang lại lợi nhuận cao hơn so với một số loại cây trồng khác. Được biết, ông Út đã mở rộng diện tích trồng sầu riêng thêm 2ha, được hơn 1 năm tuổi và đang phát triển tốt.
Cũng là mô hình được đánh giá có triển vọng, mô hình trồng gấc của anh Lê Văn Thảnh, ngụ xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An, bước đầu mang lại hiệu quả. Anh Thảnh cho biết: “Trong một lần đi tham quan mô hình trồng gấc ở tỉnh Tiền Giang, nhận thấy những hiệu quả kinh tế từ gấc đem lại, tôi đã nảy ra ý định đưa mô hình này về địa phương. Để thực hiện mô hình, tôi thường xuyên nghiên cứu các tài liệu trên Internet, tham gia học tập kinh nghiệm tại Tiền Giang và TP.Tân An”.
Gấc là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc (Ảnh tư liệu)
Theo anh Thảnh, trồng gấc không khó, cũng giống như trồng mướp, bầu. Khi mới bắt đầu xuống giống, cũng đào lỗ hoặc rãnh trên nền đất liếp để trồng. Khi gấc lớn, phải thả giàn cho dây bò lan thì trái mới nhiều. Từ trồng đến thu hoạch trái chỉ mất 100-120 ngày. Nếu được chăm sóc tốt, không bị ngập úng, sâu, bệnh gây hại thì khả năng kéo dài thời gian thu hoạch trái có thể lên đến 8-10 năm.
Gấc là loại cây ưa ẩm mát, khá dễ trồng lại không tốn quá nhiều thời gian chăm sóc. Đây cũng là loại cây trồng ít mắc các bệnh vặt, chủ yếu bị sâu hay nấm lá, chỉ cần phun thuốc là trị được. Trồng gấc không tốn nhiều chi phí đầu tư. Được biết, người trồng chỉ cần đầu tư kinh phí giai đoạn ban đầu: Cây giống, giàn leo, phân bón, thuốc,...
Anh Thảnh so sánh: “Nếu nói về hiệu quả kinh tế, so với nhiều loại cây trồng khác mà gia đình đã trồng trên cùng diện tích như lúa, rau,... thì chưa bao giờ có được khoản thu và lợi nhuận như trồng cây gấc”.
Với diện tích khoảng 0,1ha, anh Thảnh trồng 45 gốc gấc (15.000 đồng/gốc) và đầu tư giàn leo với tổng kinh phí chưa đến 20 triệu đồng. Trồng gấc chỉ mất khoảng 5 tháng là thu hoạch, dây càng phát triển lớn, gấc càng cho trái nhiều. Gấc được sử dụng đa dạng trong chế biến thực phẩm nên trái sau khi thu hoạch được thương lái đến tận vườn thu mua. Trung bình mỗi tuần, vườn gấc của anh thu hoạch được khoảng 50kg. Gấc có giá dao động từ 10.000-25.000 đồng/kg, với mức giá này, người trồng đã có lãi cao.
Những năm gần đây, do nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng tăng nhưng nguồn ốc trong tự nhiên dần cạn kiệt nên bà Nguyễn Thị Phượng, ngụ xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng, phát triển mô hình Nuôi ốc bươu đen mang lại nguồn thu nhập ổn định. Bà Phượng chia sẻ: “Con ốc bươu đen rất dễ nuôi bởi bất cứ rau, củ, quả nào ốc cũng ăn được. Nhưng loại ốc thích ăn nhất là mít, đu đủ chín, hai loại trái cây này giúp ốc lớn nhanh và sinh sản lượng trứng nhiều”.
Con ốc bươu đen được nuôi trong vèo lưới cẩn thận (Ảnh tư liệu)
Tính đến thời điểm hiện tại (gần 1 năm nuôi ốc), lượng trứng ốc thu hoạch tầm 0,7-1,5kg/ngày. Theo đó, trứng ốc sau 2 tuần sẽ nở và tiếp theo ốc con được nuôi dưỡng thêm 2 tuần nữa là xuất bán được, giá bán ốc con là 500 đồng/con. Bình quân mỗi tháng, bà Phượng bán ốc con ra thị trường 30.000 con, trứng ốc bán từ 1-3kg/tháng, giá ốc trứng là 1,5 triệu đồng/kg. Còn ốc thương phẩm bán từ 180-250kg/tháng, với giá khoảng 75.000-85.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, bà Phượng có lãi hơn 30 triệu đồng/tháng.
Cũng theo bà Phượng, con ốc bươu đen rất dễ nuôi, hầu như không bị dịch bệnh, chỉ cần nguồn nước sạch và thay nước ao nuôi thường xuyên, cho ốc ăn đầy đủ các loại rau, củ, quả, ốc sẽ tăng trọng nhanh. Bên cạnh đó, nuôi ốc thịt thì nên nuôi mật độ vừa phải, từ 200-250 con/m2, lúc ốc còn nhỏ nên cho ăn bèo cám và tùy theo độ tuổi cho ăn các loại rau, củ, quả,... Bà Phượng dự tính sẽ tăng số lượng đàn ốc sinh sản để thu số lượng trứng mỗi ngày từ 2-3kg cũng như tăng sản lượng đàn ốc thương phẩm lên 300-400kg/tháng để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tạo sức bật cho ngành Nông nghiệp
Thời gian qua, Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” góp phần làm cho cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực. Qua các giai đoạn phát triển, ngành Nông nghiệp vẫn là ngành sản xuất chính với tổng giá trị sản phẩm tăng dần, góp phần tích cực bảo đảm an ninh lương thực và tạo thu nhập cho người dân. Trên địa bàn tỉnh bước đầu cũng đã hình thành một số vùng sản xuất theo hướng hàng hóa, đặc sản có giá trị, nhiều sản phẩm được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý và đã ký kết hợp đồng tiêu thụ ổn định với các doanh nghiệp, hợp tác xã bao tiêu sản phẩm.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện thông tin: Những năm qua, ngành Nông nghiệp nỗ lực triển khai đồng bộ các chương trình để đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật đến người dân như chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên lúa, chương trình bảo vệ thực vật, chương trình khuyến nông,...
Song song đó, hoạt động khoa học và công nghệ có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH. Nhiều thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật được áp dụng rộng rãi vào các lĩnh vực sản xuất và đời sống. Ngoài việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, ngành Nông nghiệp còn tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ về giống cây, con và xây dựng mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên, KT-XH từng địa phương, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị, chất lượng cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững.
“Các mô hình sản xuất nông nghiệp với nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới, cách thức tổ chức sản xuất mới đang chứng minh hiệu quả và cho thấy triển vọng. Qua đó, tạo ra "làn gió mới" trong việc tìm ra những đột phá trong sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục theo dõi và có hướng hỗ trợ các mô hình nông nghiệp mới để chọn ra những mô hình hay, cách làm mới, từ đó nhân rộng, đưa vào sản xuất rộng rãi nhằm góp phần nâng cao đời sống cho người dân” - ông Thiện thông tin thêm./.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục theo dõi và có hướng hỗ trợ các mô hình nông nghiệp mới để chọn ra những mô hình hay, cách làm mới, từ đó nhân rộng, đưa vào sản xuất rộng rãi nhằm góp phần nâng cao đời sống cho người dân”.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện
|
Bùi Tùng