Còn nhiều khó khăn
Tiểu vùng ĐTM trải rộng trên 3 tỉnh: Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp, với tổng diện tích NTTS hơn 14.000ha. Riêng tại Long An, diện tích NTTS chiếm hơn 9.170ha và đang là ngành mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, những năm gần đây, người dân ồ ạt chuyển diện tích đất trồng lúa sang NTTS không theo quy hoạch, cùng với việc không ứng dụng khoa học - kỹ thuật dẫn đến dịch bệnh, cộng thêm thị trường giá cả không ổn định nên nhiều nông dân bị thua lỗ nặng với nghề này.
Nghề nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn
Phân Viện trưởng Phân viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản phía Nam - Trần Hoài Giang cho biết: “NTTS tại tiểu vùng ĐTM đã có từ lâu đời, với thế mạnh là nuôi thủy sản trong mùa lũ, các mô hình nuôi lồng, vèo trên sông hoặc nuôi trong ao hay nuôi cá trên ruộng lúa. Các đối tượng nuôi chính là các loại cá đồng: Lóc, trê vàng, rô, tra, thát lát, mùi, rô phi, sặt rằn, điêu hồng, chép,... Bên cạnh đó, các đối tượng thủy đặc sản khác như ếch, ba ba, lươn,... cũng có xu hướng phát triển nhanh, vì chi phí đầu tư ít, phù hợp với quy mô nông hộ nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, việc phát triển ngành NTTS ở vùng này vẫn còn nhiều hạn chế, khoa học - kỹ thuật lạc hậu, thiếu vật chất kỹ thuật, ô nhiễm môi trường, thị trường tiêu thụ bấp bênh,...”.
Ở tỉnh Long An, hiện nông dân chủ yếu nuôi tôm nước lợ ở các huyện vùng hạ và nuôi thủy sản nước ngọt khắp các địa phương trên địa bàn. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh thả nuôi khoảng 2.755ha tôm nước lợ, đạt 41,7% kế hoạch, tăng 9,7% so cùng kỳ; 1.025,5ha thủy sản nước ngọt, đạt 40,6% kế hoạch. Tổng diện tích ươm cá tra giống trên địa bàn khoảng 3.464,48ha (huyện Tân Hưng 1.799,32ha, Tân Thạnh 1.294,96ha, Vĩnh Hưng 149,5ha, Thạnh Hóa 84,3ha, Mộc Hóa 86ha và thị xã Kiến Tường 50,4ha). 3 tháng đầu năm 2019, cá tra giống bán với giá từ 35.000-45.000 đồng/kg nên người nuôi có lãi cao. Tuy nhiên, hiện nay, giá cá tra giống giảm nhiều, chỉ còn từ 18.000-20.000 đồng/kg nên những người ươm cá bị lỗ; tại một số địa phương, người dân đã “treo” ao, cải tạo ao nuôi, xử lý triệt để mầm bệnh, có một vài hộ ươm thất bại nên san lấp ao nuôi cá để trồng lúa. Theo Thạc sĩ, bác sĩ thú y Vũ Văn Vượng (thị xã Kiến Tường), NTTS nước ngọt ở khu vực này từng bước phát triển cả về diện tích, sản lượng và đối tượng nuôi cũng đa dạng. Tuy nhiên, nghề nuôi này còn mang tính tự phát, thiếu sự quản lý đồng bộ, thiếu quy hoạch cụ thể nên NTTS vẫn còn nhiều bất cập: Dịch bệnh phát triển nhanh, đầu ra không ổn định (tháng 5 vừa qua, giá cá tra giống mẫu 30 con chỉ có 20.000 đồng/kg - thấp hơn giá cá thịt). Điều đó làm cho sản xuất của nông dân gặp nhiều khó khăn. Khi dịch bệnh xảy ra thì nông dân sẽ trắng tay và lâm vào cảnh nợ nần.
Ông Nguyễn Minh Xuân (xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh) chia sẻ: “Hiện nay, việc phát triển thủy sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh không theo quy hoạch, nhiều nông dân chuyển từ đất trồng lúa sang NTTS, đặc biệt là mô hình ươm cá tra giống. Việc phát triển tự phát hạn chế khoa học - kỹ thuật dẫn đến tình hình dịch bệnh phức tạp, cung vượt cầu, giá cả không ổn định nên nhiều hộ nuôi thua lỗ nặng, phải bỏ ao chuyển sang trồng lúa trở lại”.
“Bên cạnh đó, chất lượng con giống không bảo đảm, nông dân bị hao hụt trong quá trình ươm con giống. Hiện gia đình tôi có 4 ao nuôi, mỗi ao khoảng 5.000m2 nhưng vụ vừa qua không đạt năng suất cộng với giá thấp nên đành chịu lỗ khoảng 60 triệu đồng/ao” - ông Xuân nói thêm. Cũng như ông Xuân, ông Lê Thanh Nhi (xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng) là một trong những người đi đầu trong phong trào ươm cá tra giống trên địa bàn. Ông Nhi nói: “Thật ra nuôi cá tra giống rủi ro rất cao. Tôi có kinh nghiệm nuôi hơn 3 năm mà đôi lúc còn thất bại. Đối với nghề này, người nuôi tự tìm thị trường tiêu thụ, tình trạng “được mùa - rớt giá”, “được giá - mất mùa” cũng thường xuyên xảy ra”.
Nghề ươm cá giống cũng bấp bênh
Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Bồ Đề Bạc Liêu - Nguyễn Thị Hằng cho biết: “Trong xu thế hội nhập kinh tế thị trường sâu, rộng như hiện nay thì sự cạnh tranh về giá và chất lượng hàng hóa diễn ra rất khốc liệt, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, nông dân NTTS đang phải đối mặt trực tiếp với các nguy cơ, thách thức: Sự cạnh tranh về giá, chất lượng nông sản trên sân nhà và quốc tế; sự biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, nhiễm phèn, nước mặn xâm nhập và ô nhiễm môi trường; vấn đề khoa học - kỹ thuật và công nghệ; sự cạnh tranh về vốn đầu tư cho sản xuất nông nghiệp; sự cạnh tranh về thương hiệu. Vì vậy, để người nuôi có hiệu quả, cần có sự liên kết trong sản xuất”.
Để phát triển bền vững
Để NTTS ở tiểu vùng ĐTM nói chung và trên địa bàn tỉnh Long An nói riêng đạt hiệu quả, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh - Phạm Phú Hùng cho biết: “Tỉnh đã điều chỉnh và thông qua Quy hoạch phát triển thủy sản của tỉnh Long An đến năm 2030; quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung để đầu tư hạ tầng: Điện, thủy lợi, giao thông,... Các cấp, các ngành cần quản lý chặt vật tư, thuốc thú y thủy sản; tăng cường kiểm soát chặt chẽ con giống từ nơi sản xuất và kiểm dịch nhằm bảo đảm chất lượng con giống, hạn chế dịch bệnh, nâng cao hiệu quả sản xuất; chủ động cảnh báo quan trắc môi trường, cập nhật thông tin để nhanh chóng phát hiện và thông báo những biến động xấu về môi trường trong điều kiện hạn, mặn và biến đổi khí hậu như hiện nay; khuyến cáo người nuôi tuân thủ các biện pháp phòng bệnh cho vật nuôi thủy sản; thành lập các tổ tư vấn tại vùng nuôi, tăng cường công tác khuyến nông và dạy nghề cho nông dân. Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản, đẩy mạnh các chương trình quảng bá sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm; tổ chức các hoạt động tiếp thị, xúc tiến thương mại, coi trọng thị trường nội địa, đồng thời hướng mạnh đến xuất khẩu”.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh - Đinh Thị Phương Khanh cho rằng: “Vùng ĐTM có lợi thế phát triển nuôi thủy sản nước ngọt. Tuy nhiên, để phát triển thủy sản vùng ĐTM, cần đẩy mạnh nuôi trồng theo hướng tập trung trên các diện tích ao với các đối tượng nuôi chủ lực: Cá tra, cá rô phi, cá lóc, cá trê,... Các tỉnh tiểu vùng này phải liên kết và hỗ trợ người dân phát triển nuôi cá mùa nước nổi với mô hình nuôi lồng, bè, vèo trên sông, kênh theo hướng bảo vệ môi trường’’.
Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia - Trần Văn Khởi nhấn mạnh: “Không riêng gì Long An mà cả tiểu vùng ĐTM có lợi thế phát triển thủy sản nhưng thiếu bền vững vì chưa có định hướng chiến lược. Chúng ta cần có một đề án nuôi thủy sản nước ngọt kết hợp du lịch trong mối liên kết vùng ĐTM. Hiện nay, mới chỉ có quy hoạch NTTS cho từng tỉnh mà chưa có quy hoạch NTTS chung cho cả vùng, vì vậy mà tính liên kết vùng còn yếu. Một số địa phương có quy hoạch chung diện tích NTTS cả tỉnh nhưng không có quy hoạch chi tiết khu vực cụ thể nên việc nông dân tự phát đào ao chuyển từ sản xuất lúa sang nuôi thủy sản, rất khó xử lý. Vì vậy, cần có sự liên kết toàn diện trong sản xuất - tiêu thụ - chế biến để có thể triển khai hiệu quả tiềm năng sẵn có về tự nhiên, KT-XH trên tiểu vùng”./.
"Không riêng gì Long An mà cả tiểu vùng Đồng Tháp Mười có lợi thế phát triển thủy sản nhưng thiếu bền vững vì chưa có định hướng chiến lược. Chúng ta cần có một đề án nuôi thủy sản nước ngọt kết hợp du lịch trong mối liên kết vùng Đồng Tháp Mười”
Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia - Trần Văn Khởi
|
Lê Huỳnh