Thủ tướng Phạm Minh Chính thông qua Tuyên bố chung về thiết lập Đối tác chiến lược xanh với Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen vào ngày 01/11 - Ảnh: VGP
"Việc giảm phát thải không chỉ là cam kết của các quốc gia mà còn có cả doanh nghiệp. Một số công ty thuộc EuroCham có chiến lược nội bộ là đến năm 2030, 2035 hoặc 2040 thì 100% nguồn điện họ sử dụng phải là điện sạch.
Với những gì Việt Nam đang thể hiện, tôi tin rằng các bạn đang đi đúng hướng" - ông Gabor Fluit, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, chia sẻ với Tuổi Trẻ.
Thiết lập đối tác xanh với nhiều nước
Tháng 11/2021, khi Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố tại Hội nghị COP26 rằng Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thế giới đã bất ngờ.
Bởi đó là một lời hứa lớn với đất nước đang phát triển như Việt Nam. Nhưng hai năm trôi qua, Việt Nam đã cho thấy tinh thần "nói là làm", đặc biệt trong năm 2023.
Tháng 12/2022, Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với nhóm đối tác quốc tế gồm các nước G7, Na Uy, Đan Mạch, Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU).
Các nước cam kết huy động ít nhất 15,5 tỉ USD cho mục tiêu Việt Nam đặt ra tại COP26, chuyển dần từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Kể từ đó, Việt Nam đã thiết lập thêm nhiều quan hệ vì phát triển xanh và bền vững với nhiều nước khác.
Tháng 5/2023, Việt Nam và Singapore công bố quan hệ Đối tác kinh tế số - kinh tế xanh. Đến ngày 01/11, Việt Nam và Đan Mạch, một đối tác trong JETP, ra tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược xanh.
Và trong chuyến thăm Việt Nam lần thứ ba vừa qua, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng đã thể hiện sự ủng hộ đối với kế hoạch phát triển kinh tế xanh - kinh tế số của Việt Nam.
Cũng tại một sự kiện có thủ tướng Hà Lan tham dự vào ngày 2-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh Việt Nam xác định phát triển nhanh nhưng bền vững, bao trùm, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.
Ông cũng kêu gọi các bên nước ngoài tiếp tục chia sẻ, giúp đỡ Việt Nam trên tinh thần cùng thắng khi phát triển xanh.
Ý tưởng chuỗi cung ứng điện gió
Chia sẻ thêm với Tuổi Trẻ, ông Gabor Fluit cho biết rất nhiều đoàn doanh nghiệp EU đã đến Việt Nam tìm hiểu môi trường kinh doanh.
Ngoài mong muốn về cải thiện thủ tục hành chính, một điều mà các doanh nghiệp này vẫn còn băn khoăn là liệu Việt Nam có thực hiện được Quy hoạch điện VIII và cam kết phát thải ròng bằng 0 kịp với chiến lược phát triển nội bộ và các cam kết của họ với khách hàng hay không.
Theo ông Gabor Fluit, những gì Việt Nam đã thể hiện thời gian qua là rất đáng kể, ngoài các mối quan hệ đối tác phát triển xanh và Quy hoạch điện VIII, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng.
"Tôi cũng nói với họ là Việt Nam có lợi thế là một đất nước 100 triệu dân và nguồn nhân sự trong lĩnh vực công nghệ, điện tử khá tốt. Những tập đoàn Samsung, LG hay Intel đã đầu tư vào Việt Nam và thành công là một bảo chứng quan trọng", ông nói.
Tuy nhiên, để tạo thêm sự an tâm hơn nữa cho các nhà đầu tư, theo chủ tịch EuroCham, Việt Nam cần tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo hơn nữa, trong đó có các nguồn như điện gió và điện mặt trời. Việt Nam cũng cần xây dựng thêm hệ thống lưới điện truyền tải, kết nối với các nhà máy điện gió và điện mặt trời.
Đan Mạch cũng đang rất quan tâm đến phát triển điện gió ở Việt Nam, theo chia sẻ của Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz trong cuộc gặp báo chí ngày 03/11. Quan hệ Đối tác chiến lược xanh giữa hai nước sẽ mở đường cho các đầu tư vào lĩnh vực này, nhưng năng lượng sạch là điều kiện tiên quyết và không chỉ doanh nghiệp Đan Mạch mà các nước khác cũng thế.
Do đó, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển hơn nữa điện gió ngoài khơi, vốn có tiềm năng lớn và Đan Mạch đang hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực này. Việc đầu tư vào ngành điện gió, theo ông Troels Jakobsen - trưởng Bộ phận thương mại của Đại sứ quán Đan Mạch, không chỉ tạo ra việc làm và phát triển kinh tế Việt Nam mà còn giúp Việt Nam có được những kinh nghiệm, thực tiễn tốt.
"Đan Mạch có hai trong số những nhà phát triển điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới. Và trong số các thiết bị thuộc những hợp đồng hàng trăm triệu USD của họ, có nhiều thiết bị đang được sản xuất tại Việt Nam", ông Troels Jakobsen khẳng định.
Khoảng 40% nguồn cung các tuốc bin điện gió của Việt Nam hiện nay đến từ Vestas. Tập đoàn này vừa khai trương văn phòng mới tại TP.HCM hồi tháng 11/2022, nhân chuyến thăm Việt Nam của Thái tử Đan Mạch Frederik.
Hay như Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC), đối tác trong dự án xuất khẩu điện gió ngoài khơi từ Việt Nam sang Singapore, cũng đã có hợp tác với các công ty Đan Mạch trong lĩnh vực điện gió.
Trong tương lai, với những kinh nghiệm đã có, Đại sứ Nicolai Prytz gợi ý Việt Nam nên phát triển chuỗi cung ứng điện gió trong nước không chỉ phục vụ nhu cầu quốc gia mà còn xuất khẩu sang các nước khác trong khu vực./.
Đi liền với kinh tế số
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tại Diễn đàn kinh tế xanh ngày 02/11 rằng việc phát triển kinh tế xanh phải đi liền với kinh tế số.
Cả hai có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau, muốn phát triển xanh thì phải phát triển kinh tế số và ngược lại. Đây cũng là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.
Còn Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte khi chia sẻ trên Twitter cùng ngày thì khẳng định biến đổi khí hậu, số hóa và an ninh là những vấn đề không nước nào giải quyết được một mình mà phải làm cùng nhau.
Ông cũng khẳng định "lợi ích an ninh và kinh tế là hai mặt của một đồng xu". Khoa học và công nghệ, nói như bà Brigit van Dijk - giám đốc điều hành của Cơ quan phát triển Brabant, dẫn đầu đoàn doanh nghiệp Hà Lan đi cùng ông Mark Rutte - sẽ đưa ra những giải pháp bền vững cho chuyển đổi năng lượng, nền kinh tế tuần hoàn và biến đổi khí hậu.
|
Duy Linh (Theo Tuổi Trẻ)
Nguồn: https://tuoitre.vn/phat-trien-xanh-viet-nam-noi-la-lam-20231104075832523.htm