Tiếng Việt | English

27/10/2015 - 11:06

Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm cần có sự chung tay của cộng đồng


Diệt lăng quăng, diệt muỗi vẫn là biện pháp phòng bệnh SXH hữu hiệu nhất

Bệnh sốt xuất huyết 

Tính đến giữa tháng 9-2015, cả nước có hơn 30.000 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH). Dịch SXH đã bùng phát tại 50 tỉnh, thành với 18 ca tử vong, tăng hơn 76% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số tỉnh như: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp và TP.HCM đang là điểm nóng của dịch SXH.

Theo số liệu của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến ngày 18-10-2015, toàn tỉnh có 1.893 trường hợp mắc SXH, trong đó có 2 trường hợp tử vong (1 ở Châu Thành, 1 ở Cần Giuộc). Đức Hòa là huyện có số ca mắc nhiều nhất với 477 trường hợp, tiếp đến là huyện Cần Đước với 333 trường hợp và TP.Tân An với 254 trường hợp.

Hằng năm, nước ta ghi nhận từ 50.000 đến 100.000 trường hợp mắc SXH, trong đó khoảng trên 80% số trường hợp ghi nhận ở các tỉnh khu vực phía Nam. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, so với mọi năm, năm nay, chu kỳ dịch thay đổi rất khó lường, như ở miền Nam dịch kéo dài hơn, ở miền Bắc dịch đến sớm hơn và phức tạp hơn.

PGS.TS Trần Đắc Phu phân tích, có 3 nguyên nhân chính gây dịch SXH đầy phức tạp như năm nay:

Một là, chưa có vắc-xin phòng bệnh - giải pháp được coi là triệt để trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó là chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên khi đã có người mắc, nguy cơ lây lan càng nhanh hơn.

Hai là, tốc độ đô thị hóa nông thôn với các khu công nghiệp, nhà cao tầng mọc lên như nấm, tình trạng di dân đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng, tác động đến những điều kiện gây bệnh làm cho chu kỳ dịch thay đổi không thể lường trước, dẫn đến nguy cơ dịch bùng phát mạnh.

Ba là, biến đổi khí hậu và không có miễn dịch chéo giữa các “tuýp” virus (có 4 tuýp virus) cũng là nguyên nhân làm cho nguy cơ dịch bệnh luôn tiềm ẩn và khi đã diễn ra thì tính chất dịch bệnh càng trở nên phức tạp. Đáng nói nhất chính là ý thức và trách nhiệm tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh của người dân chưa tốt. Đây lại là điều kiện tiên quyết để phòng bệnh SXH.

Do đó, để đẩy lùi bệnh hiệu quả, cần phải có sự chung tay của chính quyền các cấp, các ban, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội và đặc biệt là ý thức trách nhiệm của mỗi người dân.

Bệnh tay- chân - miệng

Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, tính đến ngày 18-10-2015, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 1.794 trường hợp mắc bệnh tay-chân-miệng (TCM), không có ca tử vong. Địa phương có số ca mắc cao nhất là Đức Hòa với 410 ca, TP.Tân An với 201 ca, Bến Lức với 172 ca.

Bệnh TCM tăng do đang bước vào mùa dịch. Mỗi năm, bệnh có 2 lần đỉnh dịch rơi vào tháng 3, 4 và 9, 10. Trong khoảng thời gian này, thời tiết là điểm thuận lợi cho virus phát triển, dịch cũng có thể kéo dài đến cuối năm.

Có 3 biện pháp phòng bệnh TCM chính, mọi người cần thực hiện: Ăn sạch, ở sạch và vệ sinh sạch sẽ đồ chơi của trẻ.


Vệ sinh sạch sẽ đồ chơi của trẻ để phòng bệnh tay-chân-miệng

Bệnh TCM có các biểu hiện ban đầu là sốt, lở miệng, mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, trẻ khóc quấy,... Một số trường hợp khác, trẻ bị run tay, chân, đi đứng không vững, khó thở, da nổi bông vân, tay chân lạnh,... Khi phát hiện trẻ có những triệu chứng này, phụ huynh nên đưa đi khám để phát hiện bệnh sớm. Nếu trong vòng 30 phút, trẻ giật mình 2 lần phải đưa đi bệnh viện ngay. Nếu phát hiện trễ, những trẻ mắc TCM được chữa trị nhưng sẽ để lại những biến chứng nặng như viêm não, chậm phát triển trí tuệ. Đối với những trẻ dưới 3 tuổi, nếu mắc bệnh có nguy cơ diễn tiến nhanh và nặng.

Bệnh MERS-CoV

Ngày 16-6-2015, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2369/QĐ-BYT về việc bổ sung Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do virus corona (MERS-CoV) vào danh mục các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm thuộc nhóm A của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định tại điểm a, khoản 1, điều 3, của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, dịch bệnh Mers-CoV vẫn diễn biến phức tạp tại khu vực Trung Đông. Ổ chứa virus Corona ở lạc đà tiếp tục lây sang người ở một số nước và có các trường hợp lây truyền từ người sang người trong các cơ sở y tế. Trong tháng 9-2015, nhiều nước như Jordan, Kuwait, Ả Rập Xê Út đã liên tục ghi nhận các trường hợp mắc bệnh mới. Tính từ tháng 9 năm 2012 đến ngày 25-9-2015, thế giới đã ghi nhận 1.570 ca nhiễm MERS-CoV, trong đó có ít nhất 555 ca tử vong.

Để phòng, chống bệnh MERS-CoV trong thời điểm hiện nay, khách du lịch tới Trung Đông cần cẩn trọng khi đến các nông trại hoặc những nơi có lạc đà, nhất là khi đang có sẵn các bệnh tiềm tàng; tránh tiếp xúc với động vật hoặc lạc đà bệnh; thường xuyên rửa tay sạch sẽ; thực hiện ăn uống sạch, tránh uống sữa tươi hay ăn các thực phẩm có nguy cơ ô nhiễm hoặc chưa chế biến kỹ. Khách đến từ Trung Đông cần đến gặp bác sĩ và khai báo tiền sử đi lại nếu có các triệu chứng hô hấp cấp tính sau khi trở về từ Trung Đông./.

Thanh Bình

Chia sẻ bài viết