Tiếng Việt | English

12/03/2018 - 21:47

Phụ nữ Bình Thạnh hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững

Với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An thực sự trở thành chỗ dựa vững chắc cho hội viên (HV) trong phát triển kinh tế, từng bước nâng cao vị thế của PN trong gia đình và xã hội.

Tận dụng thời gian nhàn rỗi, hội viên, phụ nữ ấp Sậy Giăng cải thiện thu nhập với nghề làm lông mi giả

Dạy nghề, tạo việc làm ổn định

Toàn xã hiện có 13 hộ nghèo do PN làm chủ hộ. Để giúp HV, PN giảm nghèo bền vững, hàng năm, hội phối hợp các ban, ngành, đoàn thể khảo sát, phân loại đối tượng để có biện pháp hỗ trợ phù hợp.

“Nhiều HV, PN gặp khó khăn do thiếu vốn, kinh nghiệm sản xuất. Mặt khác, có những chị em do bận việc gia đình hoặc trình độ thấp nên không thể đi làm tại các công ty, xí nghiệp. Vì vậy, hội hướng dẫn, giới thiệu chị em học một số nghề phi nông nghiệp, vừa giúp cải thiện thu nhập, vừa có thời gian lo cho gia đình” - Chủ tịch Hội LHPN xã - Nguyễn Ngọc Khánh cho biết.

Một trong những hộ nghèo được hỗ trợ là gia đình chị Nguyễn Thị Mơ (SN 1973), HVPN ấp Sậy Giăng. Chị Mơ bộc bạch: “Gia đình tôi hiện có 5 nhân khẩu. Các con đang độ tuổi đi học, trong đó có một cháu bị bệnh máu loãng, phải thường xuyên nhập viện để chữa trị. Gia đình chỉ có 2.000m2 đất sản xuất nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Thấy vậy, Hội LHPN xã tạo điều kiện cho tôi học nghề làm lông mi giả và vay vốn nuôi bò. Hiện nay, chăn nuôi tương đối thuận lợi, thu nhập của gia đình cũng được cải thiện”.

“Nghề làm lông mi giả rất dễ học, vừa giúp chị em tận dụng được thời gian nhàn rỗi, vừa có thêm thu nhập. Công việc này khá nhẹ nhàng, đầu ra sản phẩm lại ổn định, rất phù hợp với lao động nông nhàn” - chị Văn Thị Bảo Trân - Chi hội trưởng PN ấp Sậy Giăng, chia sẻ.

Bên cạnh nghề làm lông mi giả, năm 2017, hội còn phối hợp mở lớp dạy nghề đan lục bình để chị em tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương làm nên nhiều sản phẩm, kiếm thêm thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình. Cùng với đó, hội duy trì tổ may gia công túi xách tại ấp Gò Vồ Nhỏ nhằm tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 12 HVPN với thu nhập từ 70.000-120.000 đồng/ngày.

“Hiệu quả từ những mô hình phát triển kinh tế tạo niềm tin cho PN để chị em tham gia tổ chức hội ngày càng nhiều. Toàn xã hiện có 556 HVPN, các chi hội đều nỗ lực xây dựng tổ chức vững mạnh với nhiều hoạt động thiết thực. Từ đó, công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho HVPN ngày càng tốt hơn, giúp chị em phấn khởi, tự tin vươn lên trong cuộc sống” - Chủ tịch Hội LHPN xã - Nguyễn Ngọc Khánh vui mừng thông tin.

Tạo điều kiện vay vốn sản xuất

Không chỉ dạy nghề, tạo việc làm tại chỗ cho HV, Hội LHPN xã còn giúp HVPN tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để phát triển kinh tế. Hiện nay, hội quản lý 6 tổ tiết kiệm vay vốn từ nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách Xã hội với 240 hộ vay, tổng dư nợ trên 8,2 tỉ đồng. Năm 2017, hội hỗ trợ 2 trường hợp hộ nghèo do nữ làm chủ hộ là chị Nguyễn Thị Thu Nga, ngụ ấp Gò Vồ Nhỏ, vay vốn mở quán giải khát, nuôi bò và chị Nguyễn Thị Thúy Lanh, ngụ ấp Mây Rắc, vay vốn sản xuất nông nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Mum chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cây ăn trái để tăng thêm thu nhập cho gia đình

Dù điều kiện kinh tế tương đối khá nhưng với bản tính cần cù, chịu khó, bà Nguyễn Thị Mum (SN 1964), ngụ ấp Gò Vồ Nhỏ, vẫn mạnh dạn vay vốn đầu tư, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để tăng thêm thu nhập. Trong năm qua, bà cải tạo 4ha đất ruộng để trồng dừa, chanh và bưởi da xanh. Lấy ngắn nuôi dài, bà trồng xen ổi Đài Loan, nữ hoàng vừa không để đất trống, vừa tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động nữ tại địa phương. Ngoài ra, bà còn đào ao thả cá, nuôi vịt, nuôi dê và tận dụng ủ phân gia súc bón cho cây nhằm tiết kiệm chi phí.

Tuy bận rộn với việc gia đình nhưng bà Mum vẫn dành thời gian tham gia các hoạt động, phong trào do Hội LHPN xã phát động, bởi bà nhận thấy: Tham gia sinh hoạt đoàn thể có rất nhiều lợi ích. Chị em trong chi hội không chỉ quan tâm chia sẻ chuyện gia đình mà còn hỗ trợ nhau về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, qua đó, tình làng, nghĩa xóm càng thêm gắn kết. Hiện, bà là Tổ trưởng Tổ Vay vốn ấp Gò Vồ Nhỏ, quản lý nguồn vốn hơn 1,8 tỉ đồng, với 49 hộ vay.

“Hầu hết HVPN trong tổ đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và trả nợ đúng hạn, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, HVPN trong tổ còn duy trì mô hình góp vốn xoay vòng, giúp chị em trang trải cuộc sống gia đình” - bà Mum cho biết.

Với những kết quả tích cực trong thời gian qua, phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững của Hội LHPN xã Bình Thạnh ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, được cán bộ, HVPN nhiệt tình hưởng ứng, góp phần quan trọng vào chương trình xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới của địa phương./.

Kỳ Nam

Chia sẻ bài viết