Bạo hành gia đình về tâm lý, tình cảm và bạo lực tinh thần gần đây phổ biến hơn. Tuy không đánh đấm thô bạo, chửi mắng to tiếng nhưng nỗi đau do bạo hành tinh thần gây ra đau đớn không khác gì bạo hành thể xác. Đau nhất là nạn nhân bị bạo hành tinh thần phải giấu nỗi đau của mình, không dám chia sẻ cùng ai vì sợ “vạch áo cho người xem lưng”.
Chấn thương tâm lý do bạo lực tinh thần gây ra lâu dài hơn cơn đau thể xác, ảnh hưởng đến đời sống tình cảm, tâm lý của các nạn nhân nhưng lại rất khó xử lý, vì chúng vô hình, không tang chứng, vật chứng để cấu thành tội phạm hình sự. Bạo lực tinh thần không chỉ gây tổn thương cho người trong cuộc mà còn ảnh hưởng đến con trẻ. Không khí trong gia đình căng thẳng không bao giờ là môi trường tốt để tâm lý trẻ phát triển ổn định.
Hầu hết bạo lực tinh thần vẫn nằm trong “bóng tối” bởi chính sự im lặng, che giấu của nạn nhân. Khi phải chịu đựng bạo lực tinh thần khiến họ không thể thoát ra được, phụ nữ sẽ đối mặt với bệnh trầm cảm dẫn đến thể chất suy nhược, tổn hại không chỉ về tinh thần mà còn cả về thể chất.
Nguyên nhân tình trạng này xảy ra một phần do bản tính chịu đựng của nữ giới. Do vậy, nạn nhân trong trường hợp này thường không muốn lên tiếng để tránh điều tiếng cho gia đình, gây khó khăn trong việc ngăn chặn và xử lý.
Biện pháp tốt nhất để phòng, chống bạo lực gia đình hiện nay là tăng cường tuyên truyền, giáo dục để người phụ nữ hiểu được mình đang bị bạo hành, thấy được trách nhiệm của bản thân cần phải lên tiếng và trình báo chính quyền địa phương khi bị bạo lực. Khi bị bạo hành, nạn nhân phải tự mình phản kháng, đừng để tình hình trở nên quá tồi tệ. Hơn ai hết, mỗi nạn nhân phải biết tự cứu lấy mình và các con mình khỏi bạo lực tinh thần./.
Lệ Quyên