Tiếng Việt | English

30/06/2016 - 14:29

Phụ nữ mang thai cần chủ động phòng bệnh do vi-rút Zika

Vi-rút Zika có thể gây nên hội chứng đầu nhỏ ở trẻ em. Đây hiện là mối quan tâm hàng đầu của những người chuẩn bị mang thai và đang mang thai. Để giúp bạn đọc có thêm thông tin về cách phòng, chống bệnh do vi-rút Zika ở phụ nữ mang thai, chúng tôi có cuộc trao đổi với Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản - Võ Thị Định về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Xin bác sĩ vui lòng giải thích cho bạn đọc hiểu rõ “Hội chứng đầu nhỏ ở trẻ” là gì?

Bs. Võ Thị Định: Hội chứng đầu nhỏ, hay còn gọi là hội chứng teo não, là dị tật bẩm sinh hiếm gặp khi trẻ sinh ra có chu vi đầu nhỏ hơn bình thường, do não không phát triển thích hợp hay ngừng phát triển. Đầu nhỏ có thể xảy ra một mình hoặc đồng thời với các dị tật bẩm sinh khác. Chứng đầu nhỏ có thể được chẩn đoán trong khi mang thai hoặc sau khi em bé ra đời.

Nguyên nhân gây chứng đầu nhỏ chưa được xác định hoàn toàn, nhưng các nhà khoa học phát hiện một số nguyên nhân chủ yếu như: Bất thường nhiễm sắc thể, bất thường gen; nhiễm trùng trong thời kỳ mang thai như rubella, toxoplasmosis, cytomegalovirus; suy dinh dưỡng nặng; tiếp xúc với các chất độc hại như rượu, các loại thuốc hoặc hóa chất độc hại; nhiễm xạ; hội chứng phenylketone niệu của mẹ; thai phụ bị nhiễm vi-rút Zika hay thủy đậu.

Trẻ mắc hội chứng đầu nhỏ có thể mắc một loạt các vấn đề khác, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng. Trẻ có thể bị động kinh, chậm phát triển, khuyết tật trí tuệ (giảm khả năng nhận thức với các vấn đề hằng ngày), gặp khó khăn trong việc cân bằng và đi lại, khó nuốt, mất thính lực, thị lực, thậm chí đe dọa đến tính mạng.

PV: Đối với phụ nữ mang thai hoặc chuẩn bị mang thai, cần phòng bệnh này như thế nào, thưa bác sĩ?

Bs. Võ Thị Định: Các biện pháp phòng, chống lây nhiễm cho phụ nữ mang thai cũng giống như những khuyến cáo cho người dân nói chung, tuy vậy cần đặc biệt chú ý:

Phụ nữ có thai hoặc dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thật sự cần thiết.

Các cặp vợ chồng, bạn tình đang sống tại vùng có dịch hoặc trở về từ vùng dịch, nếu có ý định mang thai, cần đến cơ sở y tế để khám và tư vấn trước khi quyết định mang thai.

Phụ nữ có thai cần đi khám thai định kỳ.

Những phụ nữ có thai sống tại vùng dịch hoặc đi, về từ vùng dịch, nếu có các triệu chứng như: Sốt, phát ban hoặc các dấu hiệu khác của bệnh, cần đến cơ sở y tế chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn.

Người chồng hoặc bạn tình của người phụ nữ mang thai, sống trong vùng dịch hoặc từ vùng dịch trở về, cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) để tránh những biến chứng có thể xảy ra đối với thai nhi.

PV: Một trong những biến chứng của bệnh do vi-rút Zika là chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, vậy các cơ sở chăm sóc sức khỏe sinh sản cần làm gì để phát hiện sớm bệnh này trên thai phụ?

Bs. Võ Thị Định: Các cơ sở khám và điều trị liên quan bao gồm cả cơ sở tư nhân cần thực hiện Quyết định 1223/QĐ-BYT, ngày 5-4-2016 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn tạm thời chăm sóc phụ nữ mang thai trong bối cảnh dịch bệnh do vi-rút Zika.

Các bộ phận như: Khoa sản, phòng khám thai, phòng siêu âm khi thực hiện chăm sóc, quản lý thai, khám thai, siêu âm,... tăng cường tư vấn, cung cấp thông tin bằng nhiều hình thức cho thai phụ về các nguy cơ lây nhiễm, cách phòng, chống, ngăn chặn vi-rút Zika; tư vấn, hướng dẫn phụ nữ đang hoặc có ý định mang thai hạn chế đi đến khu vực có dịch; nhắc nhở thai phụ, ngoài việc khám thai định kỳ, phải đến cơ sở y tế khám ngay khi có các dấu hiệu bất thường, đặc biệt có sốt, phát ban, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, viêm kết mạc mắt,... Thực hiện đúng và đầy đủ các bước khám thai, lưu ý hỏi kỹ tiền sử để phát hiện kịp thời các thai phụ nghi ngờ bị nhiễm bệnh do vi-rút Zika; siêu âm xác định chính xác tuổi thai và khảo sát hình thái học thai nhi để phát hiện hội chứng đầu nhỏ ở thai nhi hoặc các dị tật khác, đặc biệt là những đối tượng đi/đến/đi qua vùng có vi-rút lưu hành.

Thực hiện nghiêm túc việc đo và ghi chép vòng đầu cho tất cả các trẻ sơ sinh sau đẻ vào sổ sách, hồ sơ bệnh án để ghi nhận trẻ sơ sinh có đầu nhỏ.

Khi phát hiện thai phụ nghi ngờ bị nhiễm bệnh do vi-rút Zika, thai nhi/trẻ sơ sinh có đầu nhỏ phải được quản lý, báo cáo, thực hiện lấy mẫu máu của mẹ xét nghiệm theo quy định hiện hành.

PV: Chúng ta điều trị bệnh do vi-rút ZiKa như thế nào, thưa bác sĩ?

Bs. Võ Thị Định: Điều trị triệu chứng là chủ yếu, bao gồm: Nghỉ ngơi, hạ sốt bằng Paracetamol. Bù nước và điện giải. Vệ sinh mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý. Theo dõi các biểu hiện tổn thương thần kinh như yếu, liệt cơ,...

Đối với phụ nữ có thai, cần hội chẩn với chuyên khoa sản để theo dõi bất thường về thai nhi: Theo dõi siêu âm thai mỗi 2 tuần/lần để phát hiện sớm tình trạng đầu nhỏ hoặc vôi hóa não ở thai nhi. Phụ nữ có thai trên 15 tuần bị nhiễm vi-rút Zika có thể chỉ định chọc ối làm xét nghiệm RT-PCR hoặc lấy máu cuống rốn để làm xét nghiệm huyết thanh.

Trẻ bị dị tật đầu nhỏ hoặc có tiền sử mẹ nhiễm vi-rút Zika khi mang thai cần được theo dõi sự phát triển về tinh thần, vận động, đánh giá thị lực và điều trị các rối loạn như co giật, động kinh nếu có.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ!

Thanh Bình

Chia sẻ bài viết