Cần siết chặt quản lý trò chơi điện tử
Hoạt động nhạc sống phải theo quy định
Kinh tế phát triển, đời sống tinh thần của người dân tăng lên. Vui chơi, giải trí là nhu cầu chính đáng của con người. Tuy nhiên, gần đây, tình trạng các dàn nhạc karaoke di động, nhạc sống với nhiều dàn loa, ampli “khủng” hoạt động khắp nơi. Điều đáng nói, các dàn nhạc này hát, diễn bất kể giờ giấc, âm thanh rất lớn làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Chị Trương Thái Ngọc Châu, ngụ phường 4, TP.Tân An bức xúc: “Nhà tôi ở gần Quốc lộ 1, hằng ngày, nghe tiếng xe chạy nhức đầu, vậy mà, các hộ dân xung quanh còn thường xuyên thuê dàn nhạc về hát, lại mở hết công suất; có nhà còn mua nguyên dàn nhạc sống về hát. Theo tôi, thỉnh thoảng cuối tuần hát thì không sao; chứ hát bất kể giờ giấc như thế này thì làm phiền mọi người xung quanh lắm!”.
Còn anh NVN - cán bộ huyện Tân Thạnh, ngụ thị trấn Tân Thạnh cho hay, nhạc sống luôn là nỗi ám ảnh của gia đình anh. Bất kể trưa, chiều, tối ngày thường hay cuối tuần, cả nhà anh không được một phút nghỉ ngơi. Buổi trưa, anh không dám về nhà vì sợ âm thanh ầm ĩ của nhạc sống. Tại khu anh ở, hầu như nhà nào cũng có dàn karaoke, khi nhà này mở thì nhà kia phải bật lớn hơn. Có lần, 2 nhà “kình nhau”, không ai nhường ai và xảy ra xích mích, phải nhờ chính quyền địa phương can thiệp.
Hiện nay, huyện Tân Thạnh có khoảng 100 hộ kinh doanh dàn nhạc sống nhưng chưa đăng ký, chủ yếu hoạt động tự phát. Theo Trưởng phòng VH - Thông tin huyện - Võ Hồng Dũng, ngày 29/11/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 5015 về quy định quản lý hoạt động nhạc sống trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có những quy định cấm trong hoạt động nhạc sống; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ này; trách nhiệm của người tổ chức hoạt động nhạc sống cũng như ban vận động ấp, khu phố, UBND huyện, thị xã, thành phố,... Qua 3 tháng thực hiện, hoạt động nhạc sống tại địa phương có chuyển biến tích cực hơn trước.
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, tuy có quy định trên nhưng vẫn gặp khó khăn trong xử lý vi phạm. Địa phương chưa được trang bị đầy đủ phương tiện đo tiếng ồn. Hơn nữa, khi tiến hành đo cũng khó vì còn sự cộng hưởng của các tạp âm xung quanh. Không những vậy, khi thấy đoàn đến kiểm tra, người chơi điều chỉnh âm thanh nhỏ nên không có cơ sở để xử lý vi phạm. Vì vậy, xử lý vấn đề này chủ yếu vẫn là vận động, tuyên truyền.
Tại TP.Tân An vẫn xuất hiện các trường hợp vừa hát nhạc sống, vừa bán kẹo
Trước đó, tại cuộc họp thường kỳ HĐND tỉnh, có đại biểu chất vấn Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần về việc nhiều cử tri bức xúc về hoạt động kinh doanh karaoke di động. Ông Trần Văn Cần trả lời bằng văn bản: Hoạt động karaoke di động thực chất là hoạt động nhạc sống, một trong các loại hình hoạt động VH nơi công động (không phải là hoạt động kinh doanh karaoke trong phòng kín quy định tại Nghị định số 103/2009/NĐ-CP, ngày 06/11/2009 của Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động VH và kinh doanh dịch vụ VH công cộng). Trước mắt, tỉnh vận dụng các văn bản pháp quy liên quan trong quản lý, kiểm tra ở các địa phương.
Cụ thể, ngành VH quản lý về nội dung bài hát; ngành Công an kiểm tra, xử lý về giờ giấc hoạt động, an ninh, trật tự; ngành Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xử lý về tiếng ồn,... Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đối với các hoạt động VH và kinh doanh dịch vụ VH công cộng bằng các hình thức phù hợp. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống VH ở khu dân cư” qua việc tuyên truyền, vận động sâu, rộng đến nội bộ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân tự giác, nghiêm túc thực hiện nếp sống văn minh, gia đình VH trong việc cưới, việc tang, lễ hội, trong các đám tiệc của hộ gia đình ở khu dân cư. Nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung đưa vào quy ước, hương ước tại ấp, khu phố các hoạt động VH văn minh, lành mạnh để người dân thực hiện. Xem đây là một trong những tiêu chí đánh giá, công nhận gia đình VH ở địa phương.
Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của ban chủ nhiệm ấp, khu phố VH trong tuyên truyền, vận động người dân ở khu dân cư. Tăng cường công tác quản lý nhà nước các hoạt động VH và kinh doanh dịch vụ VH công cộng. Củng cố tổ chức và hoạt động của đội kiểm tra liên ngành về VH và tệ nạn xã hội; kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động.
Trẻ nhỏ không nên chơi quá nhiều trò chơi điện tử vì ảnh hưởng đến việc học tập
Siết chặt quản lý trò chơi điện tử
Gần đây, tại nhiều cơ sở kinh doanh TCĐT tổ chức loại hình TCĐT có thưởng (thực chất là đánh bạc) trên máy: Đua ngựa, đua chó, quay số, bắn bi,...; phổ biến nhất là trò chơi bắn cá. Đó là hoạt động trái pháp luật, ảnh hưởng đến việc lao động, học tập của một bộ phận thanh, thiếu niên, học sinh và người dân, gây bức xúc trong xã hội. Đây là loại hình TCĐT đánh bạc bị nghiêm cấm hoạt động theo quy định tại khoản 3 Điều 35 Quy chế hoạt động VH và kinh doanh dịch vụ VH công cộng (ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP, ngày 06/11/2009 của Chính phủ).
Trước tình hình đó, tháng 02/2014, UBND tỉnh ban hành Công văn số 455/UBND-VX về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh TCĐT mang tính chất đánh bạc. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, kiểm tra các cơ sở kinh doanh TCĐT mang tính chất đánh bạc. Do có sự tập trung kiểm tra, xử lý nên TCĐT, cụ thể là game bắn cá có giảm xuống. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng này lại tiếp diễn và số cơ sở kinh doanh dịch vụ trên gia tăng.
Theo số liệu chưa đầy đủ từ UBND tỉnh, hiện, toàn tỉnh có 135 cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử, tập trung hầu hết ở các huyện, thị xã, thành phố (trừ Tân Hưng và Mộc Hóa). Trong đó, nhiều nhất là huyện Cần Giuộc với 28 cơ sở; Bến Lức và Tân Trụ, mỗi địa phương 20 cơ sở; TP.Tân An 14 cơ sở,...
Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Phước Hùng thông tin, Cần Giuộc có một số xã giáp ranh TP.HCM, khi 2 địa phương phối hợp siết chặt kiểm tra, chủ cơ sở TCĐT di chuyển đến các xã khác, thậm chí các xã vùng sâu, vùng xa nên rất khó khăn trong việc xử lý. Phần lớn, đối tượng chơi game bắn cá dưới hình thức cờ bạc thường là những người nhàn rỗi, tụ tập theo thời điểm nên khó quản lý. Vì vậy, các ngành chức năng liên quan cần có sự phối hợp, nhất là ngành Công an tăng cường kiểm tra, rà soát, quản lý chặt loại hình “núp bóng” cờ bạc.
Theo lãnh đạo UBND huyện Bến Lức, việc quản lý TCĐT còn nhiều bất cập, nhất là “lấn cấn” giữa việc cấp giấy phép cho các cơ sở và chủ hộ đăng ký kinh doanh loại hình này giữa Sở Kế hoạch - Đầu tư và UBND huyện. Vì vậy, rất khó xử lý vi phạm. Hơn nữa, khi huyện ra quân thí điểm kiểm tra TCĐT tại xã Phước Lợi thì những cơ sở trên địa bàn này lại di chuyển đến những địa điểm khác nên khó xử lý.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh vừa có cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành liên quan và các địa phương tìm giải pháp ngăn chặn TCĐT mang tính chất đánh bạc. Cuộc họp này giải quyết được những vướng mắc, khó khăn trong công tác phối hợp, nhất là về mặt thủ tục hành chính, dễ dàng tiếp cận và kiểm soát TCĐT. Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Lê Tấn Dũng nhấn mạnh, Công văn số 455 của UBND tỉnh ban hành vào năm 2014, nay không còn phù hợp. Vì vậy, ông yêu cầu phải nhanh chóng có một công văn khác thay thế để có sự chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, quy định cụ thể giúp các địa phương thuận lợi trong xử lý vi phạm. Trước mắt, các địa phương cần kiểm tra các cơ sở tập trung gần trường học, kiên quyết xử lý nếu phát hiện hành vi vi phạm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thủ Thừa - Đinh Văn Sáu: Trước đây, tình trạng nhạc sống gây tiếng ồn thường xảy ra tại địa phương. Từ khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện có văn bản gửi các xã, thị trấn cùng việc tuyên truyền, vận động người dân về giờ giấc ca hát,... đến nay, tình hình này tạm lắng. Hiện toàn huyện có 41 cơ sở kinh doanh karaoke, nhạc sống di động. Phó Giám đốc Sở Tư pháp - Phan Thị Mỹ Dung: TCĐT là loại hình kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, để quản lý và hạn chế cờ bạc “núp bóng” TCĐT, theo tôi, cần có sự kết hợp giữa các địa phương, các chủ cơ sở phải cam kết theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 và Nghị định số 103/2009/NĐ-CP, ngày 06/11/2009 của Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động VH và kinh doanh dịch vụ VH công cộng (chú ý đến Điều 35 về điều kiện và hoạt động kinh doanh TCĐT cách điểm trường từ 200m trở lên; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông,...). Yêu cầu doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh loại hình này phải nghiên cứu địa điểm, địa chỉ rõ ràng để tỉnh, huyện dễ quản lý và kiểm soát. Anh Phan Văn Linh, giảng viên Trường Trung cấp Nghề Đồng Tháp Mười: Tôi nghĩ, TCĐT là hình thức giải trí khá hấp dẫn, nhất là với các bạn trẻ. Chỉ có những cơ sở kinh doanh TCĐT lạm dụng nó và tổ chức đánh bạc trá hình mới vi phạm quy định của pháp luật. Bởi, bên cạnh mặt tích cực, TCĐT cũng có những tiêu cực. Vì vậy, bản thân người chơi và người kinh doanh cần tự chủ và nhận thức đúng đắn. Phải biết suy nghĩ, đừng vì nó mà khiến bản thân mắc những sai lầm không đáng có. Chị Lê Thị Ngọc Ánh, ngụ xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng: Gia đình tôi có 2 đứa con gái nhỏ nên cần sự yên tĩnh. Không nhân dịp gì cả nhưng hàng xóm thích là mướn nhạc sống về hát ầm ầm, hết nhà này đến nhà khác, khiến 2 đứa nhỏ không thể nghỉ ngơi. Tôi nghĩ, đây là vấn đề tế nhị nên không tiện nhắc nhở hoài; nhưng vui chơi, ca hát cũng cần theo giờ quy định, hạn chế buổi trưa hoặc đêm khuya sau 22 giờ, không nên mở âm thanh quá lớn,... để hàng xóm nghỉ ngơi./. |
Nguyệt Nhi