Thai phụ được khám sàng lọc kỹ lưỡng trước tiêm chủng
Bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em
Việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho các thai phụ và PN đang cho con bú trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp là rất cần thiết nhằm bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Ngày 21/8/2021, Bộ Y tế ban hành Công văn số 6866/BYT-BMTE về ưu tiên tiêm vắc-xin cho PN mang thai và cho con bú. Theo đó, PN đang cho con bú và PN mang thai từ 13 tuần trở lên vẫn có thể tiêm vắc-xin phòng Covid-19, trừ vắc-xin
Sputnik V vì theo hướng dẫn, vắc-xin này chống chỉ định cho PN mang thai và cho con bú. Đây là tin vui cho hàng triệu PN đang chuẩn bị làm mẹ, vừa bắt đầu hành trình nuôi con nhỏ đang rất quan tâm đến vấn đề tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Thực hiện Công văn số 6866/BYT-BMTE, ngày 21/8/2021 của Bộ Y tế, ngành Y tế tỉnh khẩn trương tổ chức tiêm vắc-xin cho các đối tượng này. Lý giải về nguyên nhân chọn mốc 13 tuần để đưa thai phụ vào nhóm thận trọng tiêm chủng vắc-xin Covid-19, bác sĩ CKI Lê Thị Kim Xuyến - Trưởng khoa Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Quá trình mang thai được chia thành 3 giai đoạn gồm: 3 tháng đầu thai kỳ, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Trong đó, giai đoạn đầu thai kỳ là quá trình phôi hình thành những cơ quan, rất dễ gây ra các dị dạng thai. Vì vậy, các chuyên gia thường khuyến cáo PN mang thai nên tiêm vắc-xin sau giai đoạn này. Trước đây, Bộ Y tế thận trọng trong việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho PN mang thai. Tuy nhiên, sau thời gian triển khai tiêm cho cộng đồng cho thấy tính an toàn và hiệu quả của vắc-xin không gây ảnh hưởng đến quá trình mang thai nên Bộ Y tế đã điều chỉnh và hướng dẫn tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho PN mang thai, từng bước sẽ mở rộng cho tất cả PN mang thai có thể tiêm chứ không hẳn là PN mang thai trên 13 tuần”.
Việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho các thai phụ trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, khó lường là rất cần thiết
Những điều cần lưu ý
Những trường hợp tạm hoãn tiêm là PN mang thai trên 13 tuần có tiền sử mắc Covid-19, đang mắc bệnh cấp tính và PN mang thai dưới 13 tuần. Trường hợp thai phụ đã tiêm mũi 1, chưa đủ thời gian tiêm mũi 2 nhưng đã chuyển dạ sanh thì sau khi sanh vẫn tiếp tục tiêm mũi 2 theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Tác dụng phụ sau tiêm tùy theo cơ địa mỗi người, trên 10% người sau tiêm sẽ có triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau vết tiêm. Có trường hợp sốt, mệt mỏi, đau nhức mình, biếng ăn,... Trường hợp phản ứng nặng hơn thì sốt, lạnh run hoặc tiêu chảy kèm theo biếng ăn,...
“Nhiều trường hợp PN sau khi tiêm ngừa về mới phát hiện mang thai nên lo sợ ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, vắc-xin được sử dụng để tiêm chỉ có tính kháng nguyên, không sử dụng vắc-xin có virút sống để giảm độc lực, do đó không ảnh hưởng đến thai nhi. Vắc-xin phòng Covid-19 không ảnh hưởng đến vấn đề tiết sữa, nuôi con ở PN đang cho con bú. Chính vì thế, PN đang cho con bú nên tiêm ngừa Covid-19. Người mẹ đang cho con bú không cần tạm ngừng cho con bú sau khi tiêm vắc-xin” - bác sĩ CKI Lê Thị Kim Xuyến cho biết thêm.
Để công tác tiêm chủng trên địa bàn tỉnh diễn ra an toàn, hiệu quả, Sở Y tế yêu cầu thủ trưởng các đơn vị bảo đảm cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc sản khoa và trẻ sơ sinh an toàn và liên tục. Căn cứ vào tình hình dịch bệnh tại địa phương cũng như lượng vắc-xin đã được cấp, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố chủ động tham mưu ban chỉ đạo phòng, chống dịch của địa phương xem xét tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho đối tượng PN mang thai, bà mẹ đang cho con bú trên địa bàn. Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định số 4355/QĐ-BYT, ngày 10/9/2021 về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19.
Tiêm vắc-xin mang lại hiệu quả rất lớn trong việc bảo vệ tính mạng cho mẹ và con. Nếu bỏ qua hoặc trì hoãn tiêm vắc-xin sẽ không còn cơ hội thay đổi nếu chẳng may mắc bệnh. So với những phản ứng phụ này thì lợi ích mang lại từ việc tiêm vắc-xin lớn hơn rất nhiều so với nguy cơ. Do đó, người dân, nhất là PN đang mang thai và cho con bú cần nắm chắc thông tin và thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế./.
Tại Việt Nam hiện nay, Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành cho 8 loại vắc-xin: AstraZeneca, Gam-COVID-Vac (tên khác là Sputnik V), Vero Cell, Comirnaty của Pfizer/BioNTech, Spikevax (tên khác là Moderna), Janssen, Hayat-Vax và Abdala. |
Ngọc Mận - Huỳnh Hương