Tiếng Việt | English

06/05/2021 - 08:39

Quyết tâm ngăn chặn thực phẩm không an toàn, kém chất lượng

Thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc luôn là mối quan tâm hàng đầu của mỗi người, mỗi gia đình vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh Long An có nhiều nỗ lực trong công tác kiểm tra, quản lý các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống,... nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý vi phạm, bảo đảm sức khỏe người dân.

Với bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, cần có sự chung tay hợp tác, trách nhiệm để bảo đảm an toàn sức khỏe cộng đồng

Tăng cường kiểm tra

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 515 bếp ăn tập thể, 219 cơ sở chế biến suất ăn sẵn, 6.253 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (tuyến tỉnh quản lý 86 cơ sở, tuyến huyện quản lý 6.167 cơ sở), trong đó có 3.078 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có điểm chung là cung cấp thực phẩm cho số đông. Do đó, việc bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) tại các đơn vị này phải được chú trọng, nhất là tại các nhà máy, xí nghiệp, trường học.

Hiệu trưởng Trường THCS Long Trì (huyện Châu Thành) - Nguyễn Việt Tân cho biết: “Ngay từ đầu năm, nhà trường thành lập Ban An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), phân công trách nhiệm từng thành viên. Đối với bếp ăn cho học sinh và căng tin, nhà trường có nhiều yêu cầu, điều kiện ràng buộc trong hợp đồng nhằm bảo đảm ATTP. Hàng ngày, trường cử cán bộ kiểm tra, giám sát thường xuyên bếp ăn và căng tin để khi có vấn đề xảy ra thì kịp thời xử lý, khắc phục, tuyệt đối không để ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh. Hàng tháng, nhà trường tổ chức họp rút kinh nghiệm, đề ra các biện pháp khắc phục tồn tại, hạn chế nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo đảm ATTP”.

Trong Tháng hành động Vì An toàn thực phẩm năm 2021, các đoàn liên ngành, chuyên ngành tăng cường tổ chức kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm

Theo Chi cục ATVSTP tỉnh, năm 2020 và từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra ngộ độc thực phẩm. Thời gian qua, công tác ATTP được bảo đảm nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp; sự nỗ lực, phối hợp có hiệu quả của các sở, ngành, đoàn thể. Theo Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh - Đoàn Thanh Chiến, công tác ATTP trong thời gian qua nói chung và đối với bếp ăn tập thể, suất ăn sẵn và thức ăn đường phố nói riêng về cơ bản được bảo đảm, thể hiện qua kết quả kiểm tra, giám sát. Cụ thể, năm 2020, trong việc quản lý, kiểm tra chung, quản lý 9.129 cơ sở, kiểm tra 8.924 cơ sở, đạt 8.027 cơ sở (89,9%); đối với dịch vụ ăn uống, kiểm tra 6.448 lượt cơ sở, đạt 5.781 lượt cơ sở (89,7%). Ngoài ra, qua lấy 400 mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm, có 394 mẫu đạt (đạt 98,5%).

Tuy nhiên, còn một số vấn đề cần quan tâm nhiều hơn, đối với bếp ăn tập thể tại các nhà máy, xí nghiệp ở các khu, cụm công nghiệp tự tổ chức bữa ăn mà không thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP (theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP) đôi khi điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người, nguồn nguyên liệu chưa bảo đảm theo quy định; hoặc các nhà máy, xí nghiệp nhận cung cấp từ suất ăn bên ngoài đôi khi lựa chọn chưa kỹ, chất lượng bữa ăn cho công nhân chưa được bảo đảm.

Tại một số bếp ăn tập thể trường học (đặc biệt là trường tiểu học) đôi khi còn hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất và trang thiết bị, dụng cụ so với yêu cầu theo quy định về ATTP. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẻ (hộ kinh doanh) chủ yếu sử dụng mặt bằng có sẵn để kinh doanh, quy mô nhỏ nên thiếu các điều kiện về ATTP theo quy định; các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố do thường xuyên thay đổi địa điểm và thời gian hoạt động gây khó khăn cho việc quản lý. Ngoài ra, cán bộ quản lý ATTP tại tuyến huyện, xã chủ yếu là kiêm nhiệm, số lượng còn thiếu so với yêu cầu,…

Thời gian tới, rất mong Trung ương sớm ban hành các văn bản hướng dẫn công tác quản lý ATTP phù hợp với tình hình thực tế và có tính thống nhất giữa các ngành, các cấp và các địa phương trong cả nước. Các địa phương cần có biện pháp bảo đảm nguồn nước sản xuất, chế biến thực phẩm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Ngoài ra, tuyến huyện, xã bố trí nhân sự và kinh phí để bảo đảm thực hiện tốt công tác quản lý ATTP trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về ATTP; kiên quyết không để tình trạng buông lỏng quản lý, vi phạm pháp luật về ATTP xảy ra, đặc biệt là tại tuyến huyện, tuyến xã. Các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND cấp huyện tăng cường trách nhiệm quản lý ATTP theo Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 11/CT-UBND của UBND tỉnh và phối hợp các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về bảo đảm ATTP nhằm nâng cao nhận thức và thực hành của người quản lý, người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm, chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ, lẻ ở tuyến huyện, xã.

Hãy luôn là người tiêu dùng thông minh

Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ thường xuyên về bảo đảm ATTP, trong Tháng hành động Vì ATTP năm 2021, tỉnh có các đoàn liên ngành, chuyên ngành các cấp tổ chức kiểm tra các cơ sở từ ngày 15/4 đến 15/5/2021. Tuy nhiên, việc bảo đảm ATTP không chỉ là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, cơ quan chức năng mà chính người tiêu dùng phải có ý thức trong việc tự bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, nói “không” với thực phẩm bẩn, không an toàn. Chị Huỳnh Thị Trà My (phường 2, TP.Tân An) cho biết: “Tôi thường mua thực phẩm tại các cửa hàng rau an toàn; đi chợ sớm lựa thịt, cá tươi tại những sạp quen, có chứng nhận bảo đảm ATTP. Ngoài ra, tôi trồng thêm rau để phục vụ bữa ăn gia đình. Cả nhà tôi cũng hạn chế sử dụng thức ăn đường phố để tránh nguy cơ ngộ độc do thực phẩm không rõ nguồn gốc”.

Bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cung cấp thực phẩm cho số đông, do đó, việc bảo đảm an toàn thực phẩm cần được đặc biệt chú trọng

Ngoài ý thức cá nhân, với bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, rất cần có sự chung tay hợp tác, trách nhiệm từ các cơ sở để bảo đảm an toàn sức khỏe cộng đồng. Tổng Giám đốc Công ty (Cty) TNHH Thức ăn dinh dưỡng Kim Quang Food - Nguyễn Thị Kim Quang cho biết: “Chúng tôi cung cấp suất ăn cho trên 30 trường học trên địa bàn tỉnh (tại các huyện: Châu Thành, Tân Trụ, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Mộc Hóa và TP.Tân An) và cung cấp thực phẩm cho 1 điểm trường tại TP.Tân An. Cty hoạt động trên 4 năm, được các trường tin tưởng nên cố gắng thực hiện thật tốt các quy định về bảo đảm ATTP. Cty luôn nhập các mặt hàng tươi sống, nguyên liệu đạt tiêu chuẩn ATTP. Khi nhận hàng, nhân viên sẽ kiểm tra, nếu không đạt sẽ trả lại cơ sở. Cty có đầy đủ các giấy tờ, hồ sơ theo quy định. Ngoài ra, Cty có nhân viên y tế kiểm tra chất lượng các suất ăn nhằm bảo đảm ATTP, hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm để giữ uy tín lâu dài”.

Ông Đoàn Thanh Chiến khuyến cáo, người tiêu dùng “hãy luôn là người tiêu dùng thông minh”, cần tăng cường tiếp nhận các nguồn tin từ cơ quan thông tin, tuyên truyền để cập nhập kiến thức về ATTP; lựa chọn sản phẩm của các cơ sở kinh doanh cố định, có địa chỉ rõ ràng. Đối với những thực phẩm bao gói, cần nhận diện thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác đầy đủ, rõ ràng trên sản phẩm, cơ sở sản xuất, kinh doanh, thông tin về chất lượng, hướng dẫn bảo quản sử dụng, hạn sử dụng trên nhãn; không mua những đồ hộp bị rách bao bì, hở, móp méo, các thông tin cần thiết trên sản phẩm bị tẩy xóa hoặc mờ nhạt;... Người tiêu dùng cũng phải chung tay cùng các cơ quan chức năng tăng cường phát hiện các tổ chức, cá nhân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm không an toàn. Nếu phát hiện thì phản ánh về đường dây nóng của ngành Y tế để được ngành phối hợp các ngành chức năng kiểm tra, có biện pháp xử lý theo quy định.

Việc bảo đảm ATTP cần sự triển khai đồng bộ, phối hợp từ cơ quan quản lý, người sản xuất; đồng thời, phải có sự quan tâm, ý thức từ mỗi người dân. Do đó, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, cơ sở chế biến thực phẩm cũng như mỗi cá nhân cần có trách nhiệm, lương tâm và ý thức cao hơn nữa nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết