Tiếng Việt | English

21/01/2016 - 06:45

Rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp gây ít nhất 30 bệnh

Ngày 19/1, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp gây ít nhất 30 bệnh và nguyên nhân gián tiếp gây 200 loại bệnh tật, chấn thương.

 

Ảnh minh họa. (Nguồn: netdoctor.co.uk)

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), rượu, bia gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong với những người mắc bệnh không lây nhiễm như: bệnh tim mạch, đái tháo đường và ung thư; tiếp theo là chấn thương (chủ yếu là tai nạn giao thông) và bệnh đường tiêu hóa (xơ gan).

Trước thực trạng trên, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo trong dịp Tết Bính Thân sắp tới, nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, phòng chống nguy cơ bệnh tật, tai nạn nguy hiểm và các hậu quả xã hội khác, người dân không nên lạm dụng rượu bia, đặc biệt không uống khi tham gia điều khiển các phương tiện giao thông, khi vận hành máy móc, có thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn hoặc có bệnh lý phải tránh đồ uống có cồn.

Cục Y tế dự phòng nêu rõ hiện nay cũng có một số ý kiến cho rằng nếu uống bia thì ít gây hại cho sức khỏe hơn so với uống rượu. Đây là quan niệm không đúng bởi vì tác hại chủ yếu là do chất cồn (ethanol) trong đồ uống gây ra. Vì vậy tác hại do rượu, bia không phụ thuộc vào loại đồ uống (là bia hay rượu) mà phụ thuộc vào lượng uống (tiêu thụ bao nhiêu gam cồn) và cách thức uống (tần suất sử dụng).

Một vấn đề đáng quan tâm khác đó là rượu, bia gây lệ thuộc làm cho người uống không tự kiểm soát được hành vi uống của bản thân. Chất cồn là một chất hướng thần gây nghiện nếu uống thường xuyên sẽ làm cho người uống phải gia tăng liều dùng và tái sử dụng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trên thực tế, không có tiêu chuẩn cho mức độ tiêu thụ cồn bao nhiêu là có hại do nguy cơ và hậu quả khi sử dụng rượu bia phụ thuộc vào tuổi, giới tính và các đặc tính sinh học khác của từng người, hoàn cảnh và cách thức uống.

Một số nhóm đối tượng nguy cơ cao hoặc cá nhân dễ bị tổn thương còn bị tăng tính nhạy cảm đối với tính độc, kích thích tâm thần và gây nghiện của rượu, bia. Nói một cách khác, không có mức độ uống rượu, bia nào là an toàn. Các bằng chứng khoa học cho thấy uống một lượng rất nhỏ rượu, bia cũng có thể gây ra nguy cơ và hậu quả sức khỏe nhất định.

Theo các số liệu nghiên cứu công bố trong “Báo cáo về sử dụng rượu, bia tại cộng đồng châu Âu năm 2012,” nguy cơ tử vong do bệnh tật và tai nạn thương tích sẽ tăng lên đáng kể nếu một người uống nhiều hơn 2 đơn vị cồn trong một ngày và nguy cơ tử vong tăng tương quan với mức độ uống.

Thông thường có thể chia các mức độ nguy cơ đối với sử dụng rượu, bia như sau: Mức nguy cơ thấp là không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam giới, một đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày trong một tuần.

Đặc biệt, người dân không nên sử dụng rượu, bia trong các trường hợp: Điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, có thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu, bia làm cho nặng lên.

Mức có hại là mức độ, cách thức sử dụng làm tăng nguy cơ gây hại đối với sức khỏe và hậu quả xã hội. Mặc dù có thể chưa chịu các tác hại trực tiếp về sức khỏe nhưng có nguy cơ mắc các bệnh mãn tính (ung thư, bệnh tim mạch...), nguy cơ chấn thương, bạo lực hay các hành vi liên quan đến pháp luật, giảm khả năng làm việc, các vấn đề xã hội do nhiễm độc rượu, bia gây nên.

Mức nguy hiểm là mức độ, cách thức sử dụng gây ra các hậu quả có hại đối với sức khỏe về thể chất hay tâm thần hoặc các hậu quả xã hội.

Mức độ sử dụng này gây ra những tổn thương cấp tính hoặc lâu dài đối với sức khỏe về thể chất (tổn thương gan, suy chức năng gan, xơ gan, bệnh tim mạch,…) hay tâm thần (trầm cảm, loạn thần,…) hoặc các hậu quả xã hội khác (tai nạn thương tích, bạo lực, giảm khả năng làm việc)./.

Nguồn: Thu Phương/TTXVN-VN+

Chia sẻ bài viết