Tiếng Việt | English

29/03/2023 - 10:39

Sản xuất nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Theo đó, nông dân, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp buộc phải quan tâm ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới để thích ứng với tình hình BĐKH.

Nông dân trồng rau trong nhà màng để hạn chế sâu, bệnh và tác động của biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng lớn đến sản xuất

Những năm gần đây, khí hậu ngày càng cực đoan hơn, tình hình sâu, bệnh cũng diễn biến phức tạp, gây hại đến năng suất cây trồng. Mất mùa do ảnh hưởng của thời tiết thất thường trở thành nỗi lo thường trực của nông dân. Thời gian qua, nông dân trên địa bàn tỉnh chặt bỏ cây mít Thái ngoài nguyên nhân giá bán không ổn định, thường xuyên ở mức thấp, còn có lý do thời tiết thất thường khiến loại cây trồng này liên tiếp mất mùa. Nông dân trồng mít đối mặt với cảnh thua lỗ vì vừa mất mùa, vừa mất giá. Theo nhiều nông dân trồng mít Thái trên địa bàn tỉnh, vài năm trở lại đây, cây mít thường bị mất mùa do ảnh hưởng của BĐKH; thu nhập theo đó cũng thấp hơn so với trồng các loại cây khác.

Không chỉ cây mít, thanh long cũng từng là loại cây mang lại lợi nhuận rất cao cho nông dân. Tuy nhiên, hơn 2 năm trở lại đây, loại cây trồng này gặp khó về đầu ra, nhiều nông dân bỏ vườn, không chăm sóc làm cho vườn thanh long xuất hiện nhiều loại dịch bệnh. Cùng với đó, biến động thất thường của thời tiết cũng gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cây thanh long. Ông Nguyễn Thanh Tuấn (xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Trước đây, thanh long mang về lợi nhuận rất cao, nhiều nông dân lãi vài trăm triệu đồng/ha/vụ. Thế nhưng, những năm gần đây, thời tiết thất thường làm cho năng suất thanh long giảm đáng kể. Cùng với đó, giá liên tục giảm, nông dân đua nhau chặt bỏ cây vì thua lỗ”.

Thời tiết biến động cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng cao rủi ro lây lan dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Từ đầu năm 2023 đến nay, thời tiết lạnh kèm mưa trái mùa là điều kiện thuận lợi để các dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi, viêm da nổi cục, lở mồm long móng, tai xanh,... dễ phát sinh và lây lan. Dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 11 hộ thuộc 9 xã của các huyện: Tân Hưng, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng và TP.Tân An với tổng số lượng heo phải tiêu hủy là 320 con, tổng trọng lượng 20.604kg. Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò cũng xảy ra tại 4 hộ thuộc 3 xã của huyện Tân Hưng và Mộc Hóa với tổng số trâu, bò bị bệnh là 4 con.

Còn trên lĩnh vực thủy sản, từ đầu năm 2023 đến nay, diện tích tôm bị thiệt hại là 53,97ha, bằng 3,6% diện tích thả nuôi. Nguyên nhân chủ yếu do sốc môi trường, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, bệnh đốm trắng, hoại tử gan, tụy cấp tính. Trong đó, thiệt hại mất trắng là 3,97ha và thiệt hại có thu hoạch 50ha.

Tăng cường ứng phó, thích nghi

Để ứng phó với BĐKH khiến thời tiết biến động thất thường, nông dân tích cực sử dụng những giống mới có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với điều kiện thời tiết. Ngoài ra, các mô hình sản xuất an toàn trong nhà màng, nhà lưới ngày càng được nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Rau an toàn Phước Hiệp (huyện Cần Giuộc) - Trần Thanh Minh cho biết: “HTX hiện có trên 110 thành viên và trên 60 hộ tham gia liên kết sản xuất với tổng diện tích canh tác gần 100ha. Nhiều thành viên đã mạnh dạn đầu tư nhà lưới, nhà màng trồng rau sạch, rau hữu cơ để thích ứng với BĐKH, nâng cao hiệu quả sản xuất”. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, những năm gần đây, tình hình BĐKH đã tác động không nhỏ đến đời sống, lao động, sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Trước tình hình đó, Sở chỉ đạo các đơn vị chuyên môn chủ động phối hợp các ngành chức năng, địa phương thực hiện nhiều giải pháp; sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sử dụng những giống mới có năng suất, chất lượng, thời gian sinh trưởng ngắn, thích ứng với điều kiện thời tiết và canh tác.

“Một trong những nhiệm vụ, giải pháp mà ngành quan tâm hàng đầu hiện nay là đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Cụ thể, ngành tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chuyên canh tập trung, nâng cao giá trị gia tăng gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với BĐKH. Đồng thời, ưu tiên phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm OCOP và nhân rộng các diện tích ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, tỉnh đang chú trọng đưa các trang trại chăn nuôi ra khỏi khu dân cư; phát triển các vùng chuyên canh tập trung, vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu; hỗ trợ phát triển các loại hình doanh nghiệp nông thôn; hình thành và phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái. Ngành cũng nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; nâng cao năng lực dự báo thị trường; kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, chuỗi tiêu thụ sản phẩm, thị trường xuất khẩu, chuỗi giá trị toàn cầu;...” - ông Nguyễn Chí Thiện thông tin./.

B.Tùng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích