Tiếng Việt | English

03/05/2018 - 17:55

Sản xuất rau sạch đáp ứng nhu cầu thị trường

Theo Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Long An phấn đấu đến năm 2020 có 2.000ha rau màu

Hàng năm, toàn tỉnh trồng khoảng 13.506ha rau, năng suất 164,1 tạ/ha, sản lượng 221.609 tấn/năm. Để đáp ứng nhu cầu rau sạch trên thị trường, hiện nay, tỉnh cơ bản hình thành vùng sản xuất rau (ƯDCNC). Nhìn chung, nông dân sản xuất trong các mô hình ƯDCNC đạt hiệu quả, lợi nhuận cao hơn so với sản xuất ngoài mô hình.

Nông dân sản xuất trong các mô hình ứng dụng công nghệ cao

Nông dân sản xuất trong các mô hình ứng dụng công nghệ cao

Theo Đề án Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Long An phấn đấu đến năm 2020 có 2.000ha rau màu, tập trung tại các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và TP.Tân An. Huyện Cần Giuộc hiện có trên 1.800ha chuyên canh rau, chủ yếu là rau ăn lá (65%), rau gia vị (25%), rau ăn quả (10%), năng suất đạt từ 20-22 tấn/ha/vụ, sản lượng ước đạt 125.000 tấn/năm; 22 tổ sản xuất rau an toàn và 6 hợp tác xã (HTX), 1 liên hiệp HTX với 739 nông dân tham gia. Đến nay, huyện có 341ha sản xuất rau an toàn, 3 HTX được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP. Theo Đề án Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, toàn huyện có 950ha rau an toàn.

Ông Nguyễn Văn Năm, ngụ xã Phước Hậu, chia sẻ: “Gia đình tôi có 0,8ha đất sản xuất nông nghiệp. Trước đây, tôi trồng lúa nhưng hiệu quả không cao. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, vài năm gần đây, tôi chuyển sang trồng rau màu (chủ yếu là rau gia vị các loại). Hiện, tôi có 1.000m2 rau an toàn đạt chứng nhận VietGAP”.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Đồng Quang Đôn, rau là cây trồng chủ lực ở các xã vùng thượng của huyện. Nhiều vùng chuyên canh được hình thành nhưng tổ chức sản xuất còn manh mún, quy mô nhỏ, lẻ, phân tán. Việc tham gia của doanh nghiệp, trang trại quy mô vừa và lớn còn hạn chế. Chính vì vậy, việc quy hoạch sản xuất rau ƯDCNC là vô cùng cần thiết. Huyện đang vận động người dân xây dựng nhà màng, nhà lưới, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn nông dân trồng theo phương pháp thủy canh và sử dụng phân hữu cơ,... Đến nay, huyện xây dựng được 20 nhà lưới trồng rau ăn lá, rau gia vị ở các xã vùng thượng, nhiều nhất là ở xã Phước Hậu.

Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc - Nguyễn Văn Thiệp cho biết: “Chủ trương của huyện là củng cố lại các HTX, phát huy tối đa tổ liên kết các hộ nông dân, cùng sản xuất những sản phẩm có chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chú trọng vấn đề an toàn thực phẩm. Trước mắt, huyện sẽ xây dựng nghị quyết chuyên đề về rau an toàn theo chỉ tiêu tỉnh giao để quán triệt trong toàn Đảng bộ, nhân dân cùng thực hiện; tập trung phát động sản xuất an toàn, sản phẩm có thương hiệu để cung cấp theo hợp đồng. Song song đó, huyện đầu tư nạo vét hệ thống kênh, mương nội đồng để trữ nước ngọt trong mùa mưa, phục vụ sản xuất”.

Nhu cầu rau sạch của người tiêu dùng ngày càng cao

Nhu cầu rau sạch của người tiêu dùng ngày càng cao

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh đánh giá: Chương trình sản xuất rau ƯDCNC được các ban, ngành ở các địa phương quan tâm triển khai, thực hiện và sự hưởng ứng tích cực của các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ. Công tác chỉ đạo sản xuất rau theo chuỗi thực phẩm an toàn bước đầu đạt kết quả đáng kể. Các đối tác tham gia chuỗi từng bước nắm bắt đầy đủ các quy định, kiến thức về quản lý chuỗi, an toàn thực phẩm, quy trình sản xuất an toàn, quy định giám sát an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi, quy định truy xuất nguồn gốc, nhận diện sản phẩm an toàn được kiểm soát theo chuỗi./.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết