Tiếng Việt | English

13/07/2018 - 09:29

Sạt lở kênh Dương Văn Dương, nhiều ngôi nhà bị sụp lún

Sụp lún xảy ra bất ngờ, 6 căn nhà kiên cố tại ấp 2, xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An phút chốc không còn. Hiểm nguy rình rập hàng chục hộ dân khác vì khu vực sụp lún cặp kênh Dương Văn Dương lan rộng với chiều dài gần 270m.

Bà Huỳnh Ngọc Lượm tiếc nuối khi toàn bộ tài sản của gia đình phút chốc tan tành do bất ngờ bị sụp lún

Bà Huỳnh Ngọc Lượm tiếc nuối khi toàn bộ tài sản của gia đình phút chốc tan tành do bất ngờ bị sụp lún

Bất ngờ bị sụp lún

Chiều 07/7/2018, khu vực cặp kênh Dương Văn Dương, thuộc ấp 2, xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa bất ngờ bị sụp lún. Đến ngày 10/7, 6 hộ dân chịu ảnh hưởng nặng nhất buộc phải di dời để bảo đảm an toàn. Theo các hộ dân sinh sống tại đây, từ trước đến nay, khu vực này chưa từng xảy ra sụp lún hay sạt lở. Ông Nguyễn Văn Trải, một trong những hộ chịu ảnh hưởng nặng nhất, cho biết: “Nền đất, nhà không có dấu hiệu bị sụp lún nhưng ngày 07/7, khu vực này xuất hiện một vết nứt nhỏ, cách mặt đường Quốc lộ 62 khoảng 5m, sau đó dần lan rộng. Chiều 07/7, khu vực vết nứt ra mé kênh Dương Văn Dương có dấu hiệu sụp lún với độ chênh lệch khoảng 0,2m. Chúng tôi vẫn sinh hoạt bình thường. Nhưng ngày 09/7, sụp lún diễn ra rất nhanh, tường và cột bêtông trong nhà bị nứt, gia đình phải di dời khẩn cấp”.

“Sụp lún diễn ra rất nhanh, chúng tôi không kịp trở tay” - bà Huỳnh Ngọc Lượm, 1 trong 6 hộ dân chịu thiệt hại nặng, buộc phải di dời, nói.

6 hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề nhất, gồm: Ông Nguyễn Văn Trải, ông Nguyễn Tấn Thọ, bà Đặng Thị Hoài, ông Trần Văn Hải, bà Huỳnh Ngọc Lượm và ông Đỗ Hoàng Phương. Qua ghi nhận, nền nhà bị nứt, sụp lún nặng, tường gạch, cột bêtông bị đứt gãy, nghiêng về một phía,... Các hộ này tháo dỡ phần còn lại, di dời sang nhà hàng xóm hoặc che bạt sống tạm bên lề đường.

Đang dọn đống đổ nát sau khi ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Tấn Thọ, bà Huỳnh Thị Bé bị sụp lún, ông Huỳnh Trung Vũ (em bà Bé) cho biết: “Toàn bộ tài sản của gia đình phút chốc biến mất bên bờ kênh Dương Văn Dương. Gia đình tôi phải di dời, sống nhờ nhà người thân”. Còn bà Huỳnh Thị Bé buồn bã nói: “Tài sản còn lại của gia đình chỉ có chút đồ đạc cá nhân”.

Cách đây khoảng 8 tháng, ông Nguyễn Văn Trải sửa chữa ngôi nhà với số tiền hơn 100 triệu đồng nhưng nay xảy ra sụp lún, chẳng còn lại gì. Gia đình ông cũng di dời qua nhà hàng xóm ở tạm. Khó khăn nhất là gia đình bà Huỳnh Ngọc Lượm, sau khi nhà bị sụp lún phải dựng chiếc lều nhỏ ở tạm qua ngày. Bà Lượm cho biết: “Cuộc sống của mấy bà cháu vốn khó khăn, giờ căn nhà không còn, cuộc sống phía trước chẳng biết ra sao. Tôi mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ những người bị thiệt hại để sớm ổn định cuộc sống”.

Cần có biện pháp di dời, bảo đảm an toàn

Trước tình trạng này, ngày 10/7/2018, Chi cục Thủy lợi phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan khảo sát trực tiếp hiện trường sạt lở tại khu vực kênh Dương Văn Dương, xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa.

Theo đánh giá của Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vị trí sạt lở nằm cặp bờ kênh Dương Văn Dương với Quốc lộ N2 mở rộng (Quốc lộ 62), đoạn từ ngã ba Tuyên Nhơn đến cầu Bún Bà Của. Hiện, đất bị rạn nứt với chiều dài 266m, vết nứt có chỗ rộng khoảng 0,2m, đất sụp lún sâu khoảng 0,8m so với hiện trạng ban đầu nên có nguy cơ sạt lở bất ngờ. Hiện, có 27 hộ dân và 6 trụ điện trung thế nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, sụp lún đất. Nguyên nhân ban đầu được xác định là nền đất cặp kênh Dương Văn Dương yếu, ảnh hưởng bởi các cơn mưa lớn và giông lốc dẫn đến nhà bị rạn nứt, sụp lún.

Sạt lở mất nhà cửa, người dân phải sống cảnh tạm bợ

Sạt lở mất nhà cửa, người dân phải sống cảnh tạm bợ

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh - Võ Kim Thuần, để bảo đảm an toàn, trước mắt phải di dời khẩn cấp người và tài sản của 6 hộ dân bị sụp lún nghiêm trọng đến nơi an toàn; đồng thời phân công, cử cán bộ chuyên môn thường xuyên kiểm tra, theo dõi các khu vực có nguy cơ sạt lở; khoanh vùng sạt lở nguy hiểm, cắm biển cảnh báo để người và phương tiện không đi vào những khu vực này.

Theo Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Văn Tạo, hiện, các ngành chức năng báo cáo chi tiết với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh để có hướng khắc phục, xử lý kịp thời. UBND huyện kiến nghị, Chi cục Quản lý đường bộ IV.2 quản lý tuyến đường này xem xét, gia cố khu vực sạt lở. Huyện và xã hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại nặng di dời, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản. Về lâu dài, huyện xin chủ trương của tỉnh cho người dân đấu giá các khu vực nền đất trên tuyến dân cư để vào ở, ổn định cuộc sống./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích