Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL chủ động phòng, chống sạt lở, xâm nhập mặn để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại cho người dân
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường, do bùn cát từ thượng nguồn đổ về ngày càng giảm, khai thác cát ngày càng gia tăng những năm gần đây, cùng tình trạng biến đổi khí hậu, thay đổi dòng chảy khiến tình trạng sạt lở càng nghiêm trọng hơn.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Nguyễn Xuân Cường đề xuất một số nội dung đối với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các địa phương ở khu vực ĐBSCL
Đến nay, các tỉnh ĐBSCL có tổng cộng trên 500 điểm sạt lở ven sông, biển với tổng chiều dài hơn 800 km.
Mỗi năm, xói lở làm mất khoảng 300ha đất, rừng ngập mặn ven biển, hơn 19.000 hộ dân ven sông cũng đã được di dời khỏi vùng nguy hiểm. Trong vòng 10 năm qua, tỉnh và Trung ương đã bố trí kinh phí hơn 16.000 tỉ đồng xây dựng công trình phòng, chống sạt lở. Đồng thời, các tỉnh đã trồng trên 4.300ha rừng ngập mặn, sẽ tiếp tục triển khai trồng thêm hơn 3.000ha.
Hiện Trung ương đang tiếp tục rà soát, dự kiến hỗ trợ gần 4.500 tỉ đồng cho công tác phòng chống sạt lở tại khu vực ĐBSCL.
Tại hội nghị, Bộ NN&PTNT cũng thông qua tình hình mưa lũ năm 2019.
Theo đó, mùa mưa lưu vực sông Mê Kông đến muộn, gần kết thúc, lượng mưa đạt trị số thấp. Dự báo lượng mưa sắp tới ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn trung bình nhiều năm. Do vậy, tổng lượng dòng chảy về đồng bằng thời gian tới sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm.
Theo dự báo, đỉnh lũ năm nay sẽ xuất hiện vào đầu tháng 10, ở mức trên báo động 1 khoảng 0,2 m, sau đó sẽ giảm nhanh.
Với tình hình mưa và dòng chảy sông Mê Kông, dự báo sẽ xảy ra hạn hán, xập nhập mặn mùa khô ở mức sớm và nặng hơn so với trung bình nhiều năm. Tại sông Vàm Cỏ, ranh mặn 4g/l cao nhất từ 65-67 km, cao hơn trung bình nhiều năm 5-7 km.
Xâm nhập mặn khả năng ảnh hưởng đến khoảng 100.000ha lúa vụ Đông Xuân. Khoảng 50.000 hộ dân sẽ bị thiếu nước, trong đó Long An, Tiền Giang, Bến Tre là một trong các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng.
Bình quân, diện tích lúa Đông Xuân ở ĐBSCL khoảng 1,6 triệu ha, để giảm thiểu thiệt hại, Bộ NN&PTNT đề xuất giảm diện tích xuống còn 1,55 triệu ha. Ngoài ra, nông dân cần chủ động gieo sạ sớm ngay từ tháng 10, đắp đập tạm ngăn mặn trữ ngọt, nạo vét, khơi thông dòng chảy.
Về nước sinh hoạt, Bộ Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương chủ động trữ nước ngọt, hỗ trợ thiết bị chứa nước cho người dân, với tinh thần không để người dân thiếu nước sinh hoạt.
Đại biểu dự hội nghị
Bộ NN&PTNT đề xuất Bộ Tài chính mua dự trữ quốc gia 200.000 tấn gạo ngay từ đầu tháng 3/2020 tại vùng ĐBSCL góp phần ổn định giá. Bộ NN&PTNT cũng đề xuất Bộ Tài Nguyên và Môi trường làm việc với các nước thượng nguồn sông Mê Kông, thu thập thông tin, điều tiết các hồ chứa thủy điện ngoài lãnh thổ phục vụ công tác dự báo xâm nhập mặn.
Đại diện 13 tỉnh, thành ĐBSCL cũng trình bày một số khó khăn trong công tác chống sạt lở, hạn mặn thời gian qua như thiếu nguồn vốn, sự phối hợp giữa các địa phương chưa đồng bộ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các ban, ngành bố trí đủ vốn, áp dụng khoa học-kỹ thuật cho công tác chống sạt lở, tuyên truyền người dân thay đổi tập quán sống ven sông. Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương rút kinh nghiệm từ hậu quả hạn hán, xâm mặn những năm trước, không được chủ quan, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của Trung ương để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại cho người dân./.
Thanh Nga-Thụy Du