Tiếng Việt | English

14/01/2021 - 09:09

Siết chặt quản lý an toàn thực phẩm dịp tết

Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang đến gần, đây cũng là thời điểm sức tiêu thụ nông sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh tăng cao nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP). Vì vậy, các cấp, các ngành, địa phương tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ ngộ độc thực phẩm cũng như bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm TP.Tân An kiểm tra các mặt hàng tại cửa hàng tạp hóa Út Phượng (phường 3, TP.Tân An)

Chú trọng an toàn thực phẩm

Hiện nay, thực phẩm bẩn, hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng vẫn len lỏi lưu thông trên thị trường khiến người tiêu dùng lo lắng. Nhằm tạo sự cạnh tranh lành mạnh cũng như tạo niềm tin, uy tín với người tiêu dùng, nhiều cơ sở sản xuất, cửa hàng kinh doanh chú trọng bảo đảm vệ sinh và ATTP.

Chủ cơ sở sản xuất lạp xưởng Tư Cam (phường 3, TP.Tân An) - Trương Thị Cam chia sẻ: “Từ khi bắt đầu kinh doanh (năm 2002) đến nay, chúng tôi luôn chú trọng giữ gìn vệ sinh cơ sở sạch sẽ. Những ngày cận tết, cơ sở sản xuất tăng số lượng so với ngày thường do đơn đặt hàng nhiều. Trong sản xuất, tôi chọn nguyên liệu đầu vào chất lượng từ cơ sở kinh doanh có uy tín, có giấy tờ chứng nhận đủ điều kiện về ATTP để bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng”.

Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm TP.Tân An kiểm tra các mặt hàng tại cửa hàng tạp hóa Út Phượng (phường 3, TP.Tân An)

Dịp tết, các mặt hàng được sử dụng nhiều là thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm,... Đây là các mặt hàng tiềm ẩn nguy cơ cao mất ATTP nếu không được kiểm soát chặt chẽ.

Chủ cửa hàng tạp hóa Phượng Tỵ (khu phố 3, thị trấn Thạnh Hóa) - Lưu Thị Kim Hoàng cho biết: “Tôi kinh doanh cửa hàng tạp hóa trên 30 năm. Hàng năm, tôi đều tham dự lớp tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng phân biệt thực phẩm sạch và bẩn. Trong kinh doanh, tôi lựa chọn sản phẩm có chất lượng để bán cho người tiêu dùng. Các loại bánh, mứt, kẹo, nước giải khát, phụ gia thực phẩm,… bán trong dịp tết đều được tôi lấy từ công ty lớn, có thương hiệu, uy tín, có thông tin về tổ chức, cá nhân, có công bố hợp quy sản phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường”.

Cửa hàng tạp hóa Phượng Tỵ (thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa) chú trọng chọn lựa sản phẩm có chất lượng để bán cho người tiêu dùng

Công tác truyền thông thời điểm này cũng được chú trọng nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức trong việc chọn mua thực phẩm an toàn. Chị Đặng Thị Phi (ấp Bến Kè, xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa) bộc bạch: “Nhằm bảo vệ sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, tôi lựa chọn cửa hàng có uy tín, thương hiệu để mua thực phẩm. Khi mua sắm, tôi thường xem kỹ địa chỉ nhà sản xuất, hạn sử dụng và điều kiện bảo quản, kinh doanh thực phẩm”.

Siết chặt quản lý

Nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP, Ban Chỉ đạo liên ngành và chuyên ngành về ATTP từ tỉnh đến huyện, xã tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu và Lễ hội Xuân 2021. Tại TP.Tân An, công tác quản lý nhà nước về ATTP luôn được chú trọng, nhất là dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội.

Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Tân An - bác sĩ Lê Văn Tuấn cho biết: “Chúng tôi tăng cường phối hợp thanh, kiểm tra từ nguyên liệu đầu vào đến các khâu sơ chế, chế biến và tiêu thụ thực phẩm trên thị trường. Qua đó, nhằm kịp thời phát hiện hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nếu phát hiện vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ sẽ áp dụng xử phạt hành chính theo quy định”.

Để người dân đón tết vui tươi, an toàn, huyện Bến Lức thành lập đoàn liên ngành thanh, kiểm tra ATTP trước, trong và sau Tết Nguyên đán. “Ngoài siết chặt quản lý nhà nước về ATTP, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP huyện đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm kịp thời cảnh báo nguy cơ mất ATTP đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP; các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng” - Trưởng khoa ATTP, Trung tâm Y tế huyện Bến Lức - Phan Tấn Trí chia sẻ.

Cũng như các địa phương khác, huyện Thạnh Hóa thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP từ tuyến huyện đến xã, thị trấn, tập trung thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh các nhóm sản phẩm sử dụng nhiều trong dịp tết. Việc tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các làng nghề chế biến thực phẩm, các xã giáp ranh biên giới cũng được chú trọng nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm về ATTP. Trưởng khoa ATTP, Trung tâm Y tế Thạnh Hóa - Nguyễn Thị Phê thông tin: “Đây là hoạt động nhằm siết chặt quản lý về ATTP. Việc thanh, kiểm tra nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm xảy ra trên địa bàn”.

Để đón Tết Cổ truyền an toàn, vui tươi, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện nghiêm các quy định về vệ sinh, ATTP. Người dân nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc phát hiện, tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh có những biểu hiện vi phạm quy định về vệ sinh, ATTP. Người tiêu dùng nên chọn mua những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng và kiểm định chất lượng rõ ràng nhằm bảo vệ sức khỏe cho các thành viên trong gia đình. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương và ý thức của người tiêu dùng, tin rằng nguy cơ mất ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và Lễ hội Xuân 2021 sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi.

Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa Lễ hội Xuân 2021. Theo đó, tuyến tỉnh thành lập các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành về an toàn thực phẩm. Tuyến huyện, tuyến xã, thị trấn thành lập các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành cấp huyện và cấp xã. Thời gian thanh, kiểm tra từ ngày 01-01 đến hết 13/3/2021.

Các đoàn tập trung thanh, kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp tết và mùa lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các địa phương có cửa khẩu và nơi tập trung đông dân cư. Đây là hoạt động nhằm không để các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường. Đồng thời, không để các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố không bảo đảm an toàn thực phẩm hoạt động./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích