Tiếng Việt | English

29/11/2021 - 16:11

Siêu biến thể mới Omicron: Mức độ nguy hiểm và phản ứng của các nước

Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 lại vừa có thêm một lực cản mới được đánh giá sẽ kéo lùi các nỗ lực trở lại cuộc sống bình thường mới của các quốc gia.

Lực cản với tên gọi “biến thể B.1.1.529” xuất hiện lần đầu tiên tại châu Phi được các nhà khoa học đánh giá là có số lượng đột biến rất cao, có khả năng né tránh các hệ miễn dịch được tạo ra bởi vaccine. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cuối tuần qua đã phải tổ chức cuộc họp khẩn cấp, đặt lại tên cho siêu biến thể là Omicron, đồng thời tuyên bố đây là biến thể đáng quan ngại. Vậy mức độ nguy hiểm của siêu biến thể này ra sao, các nước và khu vực đã ghi nhận chủng mới này đang chuẩn bị những gì để ứng phó với mối nguy mới này?


Ảnh minh họa: Getty

Biến thể mới đáng lo ngại

Trong tuyên bố cuối tuần trước, giới chức Y tế Nam Phi đã trấn an người dân rằng, biến thể mới không gây ra tình trạng bệnh nặng nguy hiểm và vaccine vẫn hiệu quả trước biến thể mới. Bằng chứng ban đầu cho thấy Omicron có nguy cơ nhiễm cao hơn. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng biến thể mới đáng lo ngại. Biến thể này lần đầu tiên được báo cáo cho WHO từ Nam Phi vào ngày 24 tháng 11. Tuy nhiên, WHO cảnh báo các quốc gia không nên vội vàng áp đặt các hạn chế đi lại và nên hướng tới một cách tiếp cận dựa trên rủi ro và khoa học.

Trước những cảnh báo này, nhiều nước đã dừng đường bay thẳng tới Nam Phi cũng như một số nước châu Phi, đồng thời tăng cường kiểm soát dịch do lo ngại sự lây lan nhanh và rộng của biến thể Omicron. Bởi chỉ trong khoảng thời gian hai tuần, biến thể này đã đưa Nam Phi từ giai đoạn lây truyền thấp sang giai đoạn lây truyền cao và nhanh chóng của các ca bệnh mới. Mặc dù con số của quốc gia này vẫn còn tương đối thấp, với gần 3.000 trường hợp nhiễm mới vào ngày 26/11, nhưng tốc độ lây nhiễm bệnh ở lứa tuổi thanh niên cao.

Những người nhiễm Omicron chiếm 65% là những người chưa tiêm chủng và hầu hết số còn lại mới tiêm chủng một mũi ngừa COVID-19. Biến thể mới có một số lượng lớn các đột biến xuất hiện làm dấy lên lo ngại rằng nó có thể rất dễ lây lan, khiến các nhà khoa học phải báo động sớm cũng như cho rằng đột biến Omicron kháng thể cao với hệ thống miễn dịch của cơ thể và khiến vaccine kém hiệu quả hơn.

Trong bối cảnh nhiều nước trong và ngoài khu vực đã đưa Nam Phi vào “danh sách đỏ” và đang gấp rút “dựng các hàng rào chắn, hạn chế hoặc ngừng đi lại đến nước này, Bộ Ngoại giao Nam Phi hôm thứ Bảy đã phản ứng và đã phàn nàn rằng họ đang bị trừng phạt - thay vì được hoan nghênh vì đã phát hiện ra chủng mới Omicron. Người đứng đầu Hiệp hội Y tế Nam Phi Tiến sĩ Angelique Coetzee nói rằng các trường hợp được phát hiện cho đến nay ở Nam Phi - nơi chỉ có khoảng 24% dân số được tiêm chủng đầy đủ - không nghiêm trọng, nhưng cho biết các cuộc điều tra về biến thể này vẫn còn ở giai đoạn rất sớm. Ông Angelique Coetzee cho biết các bệnh nhân hầu hết có biểu hiện cơ thể đau nhức và mệt mỏi cũng như ca nhiễm phần lớn ở người trẻ chứ không phải những người lớn tuổi.

Trong khi chờ những đánh giá khoa học và chính xác về mức độ nguy hiểm của sự lây lan của chủng Omicron, chính phủ Nam Phi và các nhà khoa học nước này kêu gọi người dân tiếp tục cảnh giác với COVID-19, tăng cường bảo vệ bản thân cũng như cộng đồng bằng cách tiêm vắc xin bởi biến thể mới dường như lây lan nhanh nhất ở những người chưa được tiêm chủng. Các chuyên gia khuyến cáo hãy thận trọng nhưng không hoảng sợ. Cùng với việc tiêm phòng, việc đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên hoặc vệ sinh tay, giữ khoảng cách với xã hội và tránh tụ tập vẫn là những biện pháp hữu hiệu ngăn chặn hoặc làm chậm sự lây lan của biến thể Omicron.

Viện Quốc gia về Các bệnh truyền nhiễm Nam Phi đang tham gia sâu vào tất cả các hệ thống giám sát đã được thiết lập để hiểu về biến thể mới và những tác động tiềm ẩn có thể. Đáng chú ý biến thể này có thể được phát hiện bằng một xét nghiệm PCR cụ thể và các phòng thí nghiệm có thể nhanh chóng xác định biến thể này dựa vào giải trình tự toàn bộ bộ gen.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa sẽ triệu tập Hội đồng chỉ huy COVID-19 quốc gia (NCCC) để đánh giá đại dịch, bao gồm các cập nhật khoa học xung quanh biến thể Omicron. Hội đồng này giúp chính phủ ra các quyết định hành pháp. Chính phủ sẽ phối hợp chặt chẽ với các đối tác xã hội để đảm bảo duy trì sự cân bằng giữa phòng dịch và duy trì cuộc sống cũng như tạo điều kiện cho nền kinh tế nói chung phục hồi và phát triển. Kết quả của các cuộc thảo luận và tham vấn thêm của NCCC Nam Phi sẽ được thông báo trong những ngày tới.

Biến thể mới chưa thể gây các tác động lớn đến Trung Quốc

Sau Nam Phi, chủng biến thể mới Omicron cũng đã xuất hiện tại Hong Kong (Trung Quốc). Mặc dù mới đây ông Chung Nam Sơn, chuyên gia hàng đầu về dịch tễ học của Trung Quốc cảnh báo biến thể mới Omicron mang một lượng lớn đột biến có thể đặt ra nhiều thách thức hơn đối với công tác ngăn chặn và kiểm soát đại dịch, nhưng nhìn chung, cho đến thời điểm này, các chuyên gia Trung Quốc nhận định, biến thể mới chưa thể gây các tác động lớn đến nước này.

Họ cho rằng không cần phải hoảng sợ vì số lượng đột biến lớn không đồng nghĩa với khả năng lây nhiễm cao và bởi vì “Trung Quốc, với hệ thống phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt và có kinh nghiệm, có thể bảo vệ người dân trong nước khỏi biến thể mới này”.

Ngoài ra, theo phán đoán của ông Trương Văn Hồng, một chuyên gia uy tín về bệnh truyền nhiễm của Thượng Hải, sự xuất hiện của biến thể virus ở Nam Phi là một sự tình cờ, nhưng liệu nó có đe dọa đến hàng rào miễn dịch cộng đồng yếu ớt vừa mới được thiết lập hay không, sẽ mất khoảng hai tuần để theo dõi.

Tuy vậy, chính quyền Hong Kong – vùng lãnh thổ đầu tiên phát hiện các ca bệnh nhiễm biến thể Omicron ở Trung Quốc đã ra thông báo tăng cường kiểm dịch đối với người dân vùng lãnh thổ này đến Hong Kong từ 8 quốc gia miền Nam châu Phi, gồm Nam Phi, Botswana, Eswatini, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia và Zimbabwe từ 27/11. Những người không phải là cư dân Hong Kong từng ở các quốc gia này trong vòng 21 ngày sẽ bị cấm nhập cảnh.

Chính quyền đặc khu hành chính Ma Cao cũng ra quyết định tương tự khi tuyên bố, từ 0h ngày 28/11 cấm các chuyến bay dân dụng đưa người từng đến 8 quốc gia trên trong vòng 21 ngày tới vùng lãnh thổ này.

Sinovac - một trong hai nhà sản xuất vaccine COVID-19 bất hoạt lớn nhất Trung Quốc – cũng cho biết, “rất lo ngại” trước thông tin về biến thể mới và đã khởi động việc thu thập thông tin và mẫu của biến thể này thông qua mạng lưới đối tác toàn cầu. Theo công ty này, việc đánh giá và nghiên cứu sẽ được thực hiện sớm nhất có thể để nắm được các tác động của chủng Omicron đối với vaccine COVID-19 bất hoạt hiện có và sự cần thiết của việc nghiên cứu, bào chế vaccine chống lại biến thể này.

Châu Âu bằng mọi giá làm chậm lại đà lây lan của biến thể Omicron

Còn tại châu Âu, Bỉ cũng đã trở thành quốc gia đầu tiên của khu vực ghi nhận ca mắc biến thể mới Omicron. Ngay lập tức, giới chức châu Âu cũng như nhiều nước trong khu vực đã có các động thái ngừng đi lại tới Nam Phi, bất chấp WHO kêu gọi không nên vội vàng áp đặt các hạn chế và phía Nam Phi cũng chỉ trích hành động này.

Châu Âu hiện đang vô cùng lo ngại sự xuất hiện của biến thể Omicron. Liên tiếp trong vài ngày qua, quan chức lãnh đạo Liên minh châu Âu cũng như các nước liên tục cảnh báo rằng châu Âu đang phải chạy đua với thời gian nhằm phân tích rõ các đặc tính của biến thể Omicron trước khi quá muộn. Hiện tại ở châu Âu các nước như Anh, Pháp, Đức, Thụy Sỹ, Italia… đã ra lệnh cấm các chuyến bay đến từ 7 nước ở phía Nam châu Phi. Tại Anh, mặc dù các biện pháp hạn chế đã được hủy bỏ toàn bộ từ đầu mùa Hè nhưng trong ngày 27/11, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã phải cho áp dụng lại một số biện pháp như bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện công cộng, trong các nhà hàng và đặc biệt, yêu cầu toàn bộ người nhập cảnh vào Anh phải xét nghiệm PCR và phải cách ly cho đến khi có kết quả âm tính.

Trên thực tế, ngay cả khi biến thể Omicron chưa xuất hiện thì châu Âu cũng đang rất lo lắng về làn sóng dịch COVID-19 hiện nay khi châu lục này lại trở thành tâm dịch với số ca nhiễm tăng đột biến, như tại Đức, Pháp, Anh, Hà Lan… Do đó, nếu như biến thể Omicron mang các đặc tính đáng lo ngại như siêu lây nhiễm và kháng vaccine thì châu Âu càng phải bằng mọi giá làm chậm lại đà lây lan của biến thể này, kéo dài thời gian để các nhà khoa học tìm ra giải pháp ứng phó, nếu không tình hình dịch COVID-19 tại châu Âu sẽ vô cùng nghiêm trọng.

Trong bối cảnh các giải pháp ứng phó COVID-19 hiện nay chưa thực sự hiệu quả, cộng thêm biến thể mới, cho đến nay, chỉ có Áo và Hà Lan là hai nước châu Âu cho áp dụng trở lại biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn làn sóng dịch mới. Các nước khác đều đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi vaccine tăng cường với hy vọng việc này sẽ giữ cho số ca nhiễm nằm trong tầm kiểm soát và sẽ tránh được việc phải tái phong tỏa. Tuy nhiên, tất cả chiến lược này dựa trên cơ sở rằng các loại vaccine hiện nay có tác dụng trong việc ngăn đà lây nhiễm của biến thể Delta, cũng như ngăn số ca nhập viện tăng quá cao. Nhưng, việc biến thể Omicron xuất hiện có thể làm đảo lộn chiến lược này bởi so với biến thể Delta vốn chỉ có 18 đột biến, biến thể Omicron mang đến 43 đột biến ở protein gai và trên lý thuyết, sẽ có mức độ lây nhiễm cao gấp nhiều lần biến thể Delta. Ngoài ra, nếu lo ngại ban đầu của các nhà khoa học được khẳng định thì biến thể Omicron có khả năng lần tránh các loại vaccine hiện nay.

Do đó, các nước sẽ phải chờ khoảng 2 tuần nữa mới biết được đặc tính thực sự của biến thể Omicron và trong trường hợp biến thể này thực sự kháng vaccine, chiến lược chống dịch hiện nay của các nước châu Âu sẽ phá sản. Khi đó, để ngăn chặn số lượng ca nhiễm và số ca nhập viện tăng đột biến, có lẽ các nước không còn cách nào khác là buộc phải tái phong tỏa lần nữa. Trước mắt, các nước vẫn đang đặt cược tất cả vào vaccine./.

Nhóm PV/VOV

Chia sẻ bài viết