Tiếng Việt | English

24/02/2023 - 08:23

Sóc Trăng ứng phó mặn xâm nhập

Trước tình hình mặn xâm nhập đang gia tăng, để tránh ảnh hưởng đến sản xuất của người dân, tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương và người dân khẩn trương triển khai công tác ứng phó.

Nằm cuối sông Hậu giáp với 2 cửa biển Trần Đề và Định An, Cù Lao Dung là địa phương chịu tác động nặng nhất bởi tình hình mặn xâm nhập của tỉnh Sóc Trăng. Ông Nguyễn Văn Đắc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung cho biết, để đảm bảo an toàn cho sản xuất và sinh hoạt, nhất là đối với các khu vực trồng rau màu và các vùng trồng cây ăn trái tập trung, phòng nông nghiệp đã phối hợp với các ngành có liên quan và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mặn xâm nhập, thường xuyên cập nhật, thông tin về số liệu đo mặn trên các sông, kênh, rạch đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động ứng phó, đồng thời có kế hoạch trữ nước vào thời điểm độ mặn ở mức cho phép.

Ông Đắc thông tin thêm, huyện có khoảng 5.000 ha diện tích trồng cây ăn trái, gần 3.000 ha rau màu. Ngoài ra còn có 2.700 ha trồng mía, trong đó, có hơn 1.000 ha đã thu hoạch và nhiều diện tích nuôi trồng thuỷ sản… Nhờ chủ động ứng phó từ sớm với mặn xâm nhập, đến nay, các vùng sản xuất của bà con vẫn đảm bảo nguồn nước ngọt tưới tiêu, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng bởi nước mặn.

“Đối với những khu có thể điều tiết cửa ngăn mặn, vừa trữ được ngọt thì hiện nay đã đóng hoàn toàn và tích trữ nước bên trong để phục vụ cho cây màu, đặc biệt là khoai, các vườn cây ăn trái đang trong giai đoạn có đủ nước để sản xuất. Với khung lịch thời vụ, huyện khuyến cáo địa phương các vùng trồng hạn chế xuống giống. Thời điểm từ nay đến tháng 4, theo cảnh báo thì độ mặn tăng cao, nếu không đảm bảo được nguồn nước ngọt thì bà con cần hạn chế xuống giống vào thời điểm này”, ông Nguyễn Văn Đắc cho hay.


Khẩn trương triển khai giải pháp ứng phó với mặn xâm nhập

Cuối tuần qua, độ mặn xâm nhập vào sông Hậu cách cửa biển Trần Đề 30km là 4,3%o. Tuy nhiên, theo dự báo của Đài khí tượng thuỷ văn tỉnh Sóc Trăng, tuyến sông Hậu độ mặn sẽ xâm nhập sâu hơn, dự báo từ ngày 20-26/2, tại Cái Trâm (huyện Kế Sách) cách cửa biển Trần Đề 50km độ mặn cao nhất là 3,8%o, cao hơn 1,7%o so với cùng kỳ năm 2022, tại Đại Ngãi (huyện Long Phú) là 8,9%o. Trước diễn biến phức tạp và độ mặn có chiều hướng tăng nhanh, đe dọa đến cây trồng, ngành chức năng địa phương và các nhà vườn huyện Kế Sách khẩn trương triển khai công tác ứng phó.

Anh Sử Quốc Lộc, Giám đốc HTX Nông nghiệp Lộc – Mãi, chuyên trồng cây vú sữa ở xã Trinh Phú, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng cho biết, mặc dù địa phương rất ít khi bị nước mặn xâm nhập nhưng các thành viên HTX cũng không chủ quan mà ngay từ đầu đã chủ động chuẩn bị tốt các bờ bao, cũng như nạo vét kênh, mương, cống bọng để tích trữ đầy nước ngọt trong vườn đảm bảo tưới tiêu cho cây vú sữa.

“Có hiện tượng mặn, mặn chưa tới là tôi báo đến các xã viên  rồi. Chúng tôi được trạm thuỷ văn, trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật của huyện cài đặt hệ thống báo kết quả độ mặn, mặn tới đâu là mình biết, từ đó báo cho xã viên biết, cài sẵn trong điện thoại là sẽ báo trực tiếp luôn”, anh Sử Quốc Lộc nói.


Trữ nước ngọt đảm bảo tưới tiêu cho cây trồng

Tại xã Xuân Hoà, bên cạnh tích trữ nước ngọt đầy ao, mương trong vườn, nhiều hộ dân còn trang bị thêm máy đo độ mặn, ứng dụng công nghệ tưới tiêu tiết kiệm… đảm bảo an toàn cho cây ăn trái của gia đình trong thời gian mặn xâm nhập.

Anh Đoàn Văn Út Em, nông dân trồng cây sầu riêng ở xã Xuân Hoà chia sẻ: “Cứ tới tháng này là mình thủ máy móc và dụng cụ đo độ mặn, khi đi tưới là phải đo trước rồi mới tưới lên cây, nhà nào cũng có máy hết”.


Gia cố bờ bao, bảo vệ vườn cây ăn trái trước tình hình mặn xâm nhập diễn biến phức tạp

Với gần 18.000 ha diện tích trồng các loại cây ăn trái, như bưởi, xoài, vú sữa, sầu riêng, nhãn, cam, mít... Kế Sách là địa phương có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất tỉnh Sóc Trăng. Ông Vũ Bá Quan, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng thông tin, huyện có 24 km tiếp giáp với sông Hậu và cách cửa biển từ 42 - 64km, thuộc vùng dự án thủy lợi hở (chưa có cống ngăn mặn từ các sông giáp với sông Hậu), chỉ khép kín từng khu vực có quy mô 30 - 50ha nên khả năng trữ nước trong kênh thủy lợi không nhiều. Vì vậy, bước vào mùa khô năm 2023, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chủ động kiểm tra hệ thống đê bao, đảm bảo việc ngăn mặn, khuyến cáo nạo vét mương vườn dự trữ nước tưới, tránh trường hợp mặn xâm nhập diễn biến phức tạp, kéo dài.

“Khi mặn bắt đầu xuất hiện thì chúng tôi theo dõi từ xa, khi mặn xuất hiện ở vàm Nhơn Mỹ kích hoạt hệ thống các nhóm đo mặn ở các địa phương. Những nhóm đo mặn này sẽ ghi nhận diễn biến tình hình mặn, rồi bằng mọi phương tiện, chúng tôi đưa lên zalo, facebook, tin nhắn rồi thông qua đài truyền thanh của huyện cũng như phát loa ở tại các địa phương để bà con nông dân theo dõi sát diễn biến tình hình mặn. Từ đó có kế hoạch lấy nước hoặc là ngưng lấy nước kịp thời, kèm theo đó thì chúng tôi hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật”, ông Vũ Bá Quan nói.

Để chủ động trong việc đề phòng ảnh hưởng mặn xâm nhập gia tăng, tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo các sở, ban ngành và các địa phương tập trung theo dõi chặt chẽ, cập nhật diễn biến, thông tin dự báo về mặn xâm nhập, kịp thời thông tin đến người dân để chủ động ứng phó. Đồng thời, ngành nông nghiệp và các địa phương khẩn trương rà soát, kiểm tra kịp thời duy tu, sửa chữa các cống xung yếu, triển khai các biện pháp giảm thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với diện tích cây ăn trái./.

Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL

Chia sẻ bài viết