Tiếng Việt | English

15/03/2022 - 12:25

Tập trung ứng phó với hạn, xâm nhập mặn

Trước mùa khô năm nay, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An đã lên phương án để chủ động ứng phó nguy cơ hạn, mặn xâm nhập. Ngành đã tiến hành rà soát, gia cố, nâng cấp các hệ thống thủy lợi nội đồng, các cống ngăn mặn để góp phần ứng phó hiệu quả với hạn, mặn.

Chủ động ngay từ đầu

Hàng năm, vào mùa khô, huyện Tân Trụ và Bến Lức là 2 địa phương thường chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Trước dự báo năm nay mặn sẽ xâm nhập sớm và sâu vào nội đồng, ngành chức năng cùng người dân ở 2 địa phương này đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm ứng phó xâm nhập mặn hiệu quả.

Thường xuyên kiểm tra độ mặn trên các tuyến sông trên địa bàn tỉnh

Ngay từ sớm, ngành Nông nghiệp đã đưa ra khung lịch thời vụ xuống giống lúa Đông Xuân (ĐX) 2021 - 2022 cho những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn. Nhờ vậy mà hiện nay khi mặn bắt đầu xâm nhập thì hầu hết trà lúa ĐX đang trong giai đoạn chín, do đó không cần sử dụng nhiều nước.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ - Đặng Văn Tây Lo cho biết: “Hiện nay, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn cơ bản được kiểm soát tốt, không ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Hầu hết trà lúa ĐX của huyện đều ở giai đoạn trổ - chín, không cần quá nhiều nước nên không xảy ra tình trạng thiếu nước ở cuối vụ”. Ông Trần Văn Nhỏ (ấp Thanh Phong, xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ) chia sẻ: “Những năm trước, địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn vào cuối vụ ĐX nhưng năm nay người dân sản xuất rất thuận lợi. Ngoài trồng lúa, người dân còn trồng các loại cây ăn trái, hiệu quả kinh tế mang lại cũng khá cao và ổn định”.

Kết quả này có được là nhờ sự chủ động của các ngành chức năng, các địa phương và người dân trong công tác phòng, chống hạn, mặn xâm nhập. Bên cạnh đó, phần lớn cũng nhờ các công trình thủy lợi đều phát huy hiệu quả, đặc biệt là hệ thống thủy lợi Nhựt Tảo. Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Võ Kim Thuần, hàng năm, trước khi mùa khô đến, ngành chức năng tỉnh đều phối hợp các địa phương rà soát các vùng có khả năng mặn xâm nhập và có kế hoạch duy tu, sửa chữa công trình thủy lợi; nạo vét các tuyến kênh tạo nguồn nước tưới, tiêu và trữ nước ngọt bảo đảm phục vụ tốt vụ lúa ĐX, Hè Thu cùng diện tích cây ăn trái và thủy sản.

Nỗ lực phòng, chống hạn, xâm nhập mặn

Năm nay, tình hình hạn, mặn được dự báo là sẽ xâm nhập sâu vào nội đồng. Trên cơ sở đó, tỉnh tiếp tục chỉ đạo bộ phận chuyên môn theo dõi diễn biến tình hình xâm nhập mặn, có khuyến cáo người dân trong việc lấy nước phục vụ sản xuất cũng như sinh hoạt; đồng thời, kết hợp những trạm đo mặn tự động trong thời gian qua, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân biết, chủ động theo dõi trên hệ thống trạm đo mặn tự động này.

Theo dõi tình hình sản xuất của người dân để có những khuyến cáo kịp thời

Năm nay, mặn xâm nhập vào địa bàn tỉnh sớm so cùng kỳ. Theo dự báo từ ngành chức năng, toàn tỉnh có khoảng 27.110ha lúa ĐX 2021 - 2022, lúa Hè Thu 2022 và diện tích cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn. Tuy nhiên, với sự chủ động ứng phó hiệu quả bằng các giải pháp phi công trình và công trình, ngành Nông nghiệp tỉnh quyết tâm hạn chế những thiệt hại do hạn, xâm nhập mặn gây ra, bảo đảm đủ nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân trong mùa khô này.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết: Sở đã yêu cầu các địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát và có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp ngay tất cả hệ thống cung cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn, mặn, bảo đảm đủ nước sinh hoạt cho người dân.

Đồng thời, Sở đề nghị Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi Long An phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện phía Nam và TP.Tân An thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến độ mặn và có kế hoạch vận hành các cống đầu mối hợp lý, kiểm tra và có kế hoạch xử lý triệt để các cửa cống bị rò rỉ để phủ bạt, thay thế các ron cửa cống bị hư hỏng để tránh tình trạng nước mặn xâm nhập vào bên trong nội đồng nhằm bảo đảm nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho người dân.

“Ngoài ra, Sở cũng đề nghị UBND các huyện phía Nam và TP.Tân An chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ở địa phương thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình chất lượng nước để kịp thời thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến người dân về tình hình chất lượng nguồn nước trên các tuyến sông và nội đồng; đồng thời, khuyến cáo người dân không lấy nước ở các khu vực đã bị nhiễm mặn, tranh thủ lấy nước, tích trữ nước vào ao, đồng ruộng, các trang thiết bị có thể trữ nước (bồn chứa, túi chứa nước,...) khi nguồn nước còn dồi dào và nước mặn chưa xâm nhập vào các kênh, rạch nội đồng, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí và làm ô nhiễm nguồn nước nhằm bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước tưới phục vụ sản xuất và sinh hoạt an toàn” - ông Thiện cho biết thêm./.

Trên sông Vàm Cỏ Đông: Độ mặn 1,0g/l vượt qua cống Xóm Bồ, huyện Cần Đước (1,2g/l), cách cửa sông Soài Rạp khoảng 40km; độ mặn 4,0g/l chưa xuất hiện.

Trên sông Vàm Cỏ Tây: Độ mặn 1,0g/l gần đến cống Sông Cui, huyện Châu Thành (0,5g/l), cách cửa sông Soài Rạp khoảng 42km; độ mặn 4,0g/l chưa xuất hiện.

Bùi Tùng

 

Chia sẻ bài viết